Phóng to |
Em Đoàn Nguyễn Thanh Ngân chuẩn bị hàng cho cô kịp đi bán - Ảnh: Hoàng Thạch Vân |
Câu chuyện xót lòng của cô học sinh giỏi sáu năm liền đến với báo Tuổi Trẻ trong những ngày học bổng “Đồng hành cùng người bán báo” được triển khai.
Mẹ đã không còn
Mẹ Ngân, chị Nguyễn Thị Sen (38 tuổi), rời vùng quê nghèo ở phường Kim Long, TP Huế để gắn bó với nghề bán báo dạo tại TP.HCM hơn 10 năm, một mình gồng gánh nuôi hai con nhỏ trong căn phòng trọ chưa đầy 4m2 ở đường Bùi Đình Túy, quận Bình Thạnh. Sống trong khốn khó, thiếu trước hụt sau và không có tình yêu thương, chăm sóc của cha, hai anh em Ngân luôn hiếu thảo và cố gắng đạt nhiều thành tích học tập tốt, đem lại niềm vui cho mẹ. Phần Ngân sau mỗi giờ học, em phải chạy nhanh về nhà để lo công việc nhà thay mẹ và chuẩn bị gánh hàng để mẹ về đi bán. Những ngày nghỉ, Ngân cùng mẹ đi lấy báo, bán báo. Bài vở trên lớp Ngân tranh thủ hoàn thành vào buổi tối. Với vai trò lớp phó học tập, cô học trò nhỏ luôn giành thành tích xếp nhất, nhì lớp.
Khi chúng tôi đến trao quà hỗ trợ của báo Tuổi Trẻ cho chị Nguyễn Thị Sen ở quê nhà vào sáng 9-8 thì cũng là lúc chị vừa qua đời. Ngân cũng đang trên đường từ TP.HCM về Huế chịu tang mẹ. Những ngày tang lễ, hình ảnh cô học trò nhỏ với thân hình ốm yếu, hốc hác khóc òa trước bàn thờ mẹ khiến những người đến dự không cầm được nước mắt. Mọi ánh mắt đều hướng về chia sẻ với hai đứa trẻ mồ côi đang tựa vào nhau. Đoàn Quang Thắng, 15 tuổi - anh trai Ngân, nói trong nước mắt: “Từ trước tết vừa rồi mẹ đau nhiều ở bụng, nhưng mẹ cứ cố chịu đựng đi làm kiếm tiền lo cho hai đứa. Đến tháng 3-2013 mẹ trở nặng không thể đi lại được nữa, vào bệnh viện mới biết mẹ bệnh ung thư phải điều trị ở Bệnh viện Bình Dân và Ung bướu TP.HCM được hai tháng”. Những ngày mẹ bệnh, Thắng đang học lớp 9 phải bỏ ngang để nuôi mẹ, ưu tiên Ngân đi học cho xong lớp 6, rồi hai anh em trả phòng trọ đưa mẹ về Huế điều trị và nương nhờ nhà ngoại.
Giọng Ngân yếu ớt: “Sáng nào chưa đến 5g là mẹ đã đạp xe đi bán báo dạo. Buổi trưa mẹ lại chuẩn bị gánh hàng rong là vài thứ cóc, xoài, ổi, đậu nấu…đi bán. Ngày nào cũng vậy đến tận 12g đêm mẹ mới về tới nhà. Nhiều đêm mẹ làm về đuối sức, người mệt lả, mẹ gọi hai anh em đến bên ôm choàng rồi khóc. Lúc nào mẹ cũng dặn dò, khuyên bảo tụi em phải cố gắng học. Còn mẹ cực khổ mấy cũng sẽ cố làm lụng để nuôi hai con ăn học thành tài. Ngày con trở vào TP.HCM để nhập học, mẹ ráng gượng dậy dặn dò nhiều lắm, rồi mẹ quay mặt vào tường để con không nhìn thấy mẹ khóc. Thương mẹ, con còn hứa sẽ cố gắng học thật giỏi để sau này kiếm tiền chữa bệnh cho mẹ. Vậy mà chưa được 10 ngày, anh hai báo tin mẹ đã mất…”.
Sợ nhất là không được đi học
Những ngày cận kề lễ trao học bổng “Đồng hành cùng người bán báo”, chúng tôi trở lại khu phòng trọ của Ngân và Thắng. Hai em đang được người cô họ cưu mang trong căn gác trọ ở chung với nhiều người. Cô họ của hai em cũng làm nghề bán hàng rong cóc, ổi, đậu nấu… thu nhập rất thấp, lại đang nuôi con nhỏ 18 tháng, trước mắt chỉ tạm lo được cho Thắng và Ngân có nơi trú ngụ và ăn uống lây lất qua ngày. Còn tiền học lâu dài cho hai đứa cháu, cô cũng chưa biết tính làm sao. Xóm trọ nhỏ ai cũng thương cảm cho hoàn cảnh hai đứa trẻ ngoan ngoãn, học giỏi.
Nỗi đau mất mẹ vẫn còn trong ngấn nước mắt khi nhắc lại. Thắng cho biết: “Trước khi mất ít hôm, mẹ gọi em lại trăng trối, dặn phải thay mẹ kèm cặp em Ngân, hai đứa cố gắng học để tự lo cho mình. Mẹ nói không vì mẹ mất mà dở dang việc học hành. Nhưng chắc em không trở lại trường nối tiếp việc học như mong ước của mẹ được. Gia tài quý nhất mẹ để lại cho hai anh em là chiếc xe đạp đi bán báo mỗi ngày. Ngày mai, em sẽ đạp xe đi tìm chỗ xin học nghề cắt tóc, có việc làm mới có thể lo cho em Ngân đi học. Mà em lo quá, không có tiền làm sao được nhận học…”.
Trong bộ đồng phục cũ, vừa tan buổi học đầu năm về Thanh Ngân đã nhanh nhẹn chuẩn bị hàng phụ cô kịp đi bán, như công việc Ngân đã giúp mẹ nhiều năm qua. Mắt đỏ hoe, Ngân chia sẻ: “Điều em sợ nhất bây giờ là không được đi học”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận