Hóa ra việc "ứng xử" với tiền bạc thế nào cũng có thể khiến bạn mất điểm hay ghi điểm với người yêu, đặc biệt trong những mối tình sinh viên khi hầu hết người trong cuộc còn trông chờ vào sự hỗ trợ của gia đình.
Tuổi Trẻ Online mời bạn đọc theo dõi ý kiến sau và cùng tiếp tục trao đổi về chủ đề này.
Tình phí “cưa” đôi!Tại sao đàn ông phải "độc quyền" tình phí?Cứ lúc tính tiền là anh "giả chết"
Phóng to |
"Yêu anh chàng quá phóng khoán chuyện tiền bạc, tôi cũng thấy lo" - Ảnh minh họa: từ Flickr |
Đọc tâm sự của bạn Trần Hoa trong bài viết Chàng ơi sòng phẳng làm chi?, tôi lại nghĩ đến chuyện của mình. Thật là mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, có bạn trai chi li quá cũng khổ mà bạn trai hào phóng quá cũng chẳng yên tâm gì.
Tôi đang là sinh viên năm cuối Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM. Xa nhà lên TP.HCM học đại học đã ba năm, vốn tính tự lập từ nhỏ, ba mẹ cũng không khá giả gì nên từ năm nhất tôi đã tự đi làm để trang trải học phí. Tôi quen anh được hai năm. Anh học không cao nhưng nghề nghiệp ổn định. Hiện anh nằm trong số những thợ lành nghề nhất của một xưởng đúc nhôm. Tôi vốn không thích những người keo kiệt nên khi gặp một người rộng rãi như anh, ban đầu tôi cảm thấy rất hợp với mình.
Cũng như những cặp đôi khác, chúng tôi thường hay đi chơi và mua sắm. Tôi cũng đi làm thêm nhưng do phải đóng học phí và trang trải nhiều thứ nên chẳng dư giả gì. Vậy là lần nào đi chơi anh cũng chi trả hết. Tôi vừa mang bóp ra định trả thứ gì là anh cất liền vào balô cho tôi. Anh còn bỏ thêm tiền vào cặp tôi nữa. Tôi không có sở thích đi mua sắm nên quần áo, đồ dùng của tôi không nhiều, thế là hằng tuần anh lôi tôi đi siêu thị mua đồ, mua mỹ phẩm. Tất cả đều là tiền của anh. Anh nói con gái phải có thói quen trang điểm và mua sắm. Tôi không chịu, anh buồn đến mấy ngày. Tôi cố gắng cự lại thì anh đùa: “Bây giờ em đi học vậy thôi, mai mốt em mà ra trường làm tháng mấy chục triệu đồng, lúc đấy em có xin tiền anh cũng không cho em nổi đâu”. Những lần đi ăn chung với nhóm bạn của tôi, khi ra về anh giành trả tiền hết làm đứa nào đứa nấy ngơ ngác, vì đều là sinh viên nên khi đi ăn chúng tôi có thói quen chia tiền đều ra để trả và gọi đó là ăn “kiểu Mỹ”. Anh nói: “Tụi em là sinh viên nên anh trả có sao đâu?”.
Dần dần tôi hiểu ra vì anh là người miền Tây nên tính tình phóng khoáng, có bao nhiêu tiền là ăn hết, không chịu để dành hay tiết kiệm. Ăn gì anh cũng mua những thứ ngon để ăn, còn chút tiền dư nào cũng xài cho hết. Một tháng anh kiếm được khoảng 10 triệu đồng, vậy mà đi làm bao nhiêu năm mỗi khi tết đến anh chỉ gửi về cho mẹ vài ba triệu dù anh rất thương mẹ ở quê vất vả. Có một thân một mình mà anh không tiết kiệm được đồng nào. Anh ở chung phòng trọ với hai người bạn. Giá phòng 1 triệu đồng/tháng thì riêng anh nhận trả 500.000 đồng và chịu hết tiền điện nước. Anh nói vì bạn anh làm không được nhiều tiền nên anh giúp đỡ họ vậy.
Tôi từ từ khuyên bảo anh tiết kiệm. Tôi định cùng anh đi làm thẻ ngân hàng và gửi tiền hằng tháng nhưng anh nhất quyết tài khoản đó phải đứng tên tôi. Anh viện lý do không thích rắc rối với những thủ tục ở ngân hàng.
Thật sự quen nhau hai năm cũng vì hiểu con người anh chân chất, thật thà và tốt bụng nên tôi yêu anh. Tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ có ngày chia tay với anh. Nhưng anh cứ vì tôi mà chi tiền nên tôi thấy rất áy náy. Người ta cũng thường nói tình yêu chưa biết trước được điều gì. Nếu lỡ phải chia tay thì thật sự rất khó xử cho tôi.
Hơn thế nữa anh lại không lo dành dụm, tiết kiệm mà cứ tiêu xài hoang phí, tôi không biết cuộc sống tương lai của tôi và anh sẽ ra sao. Dù tôi đã khuyên anh rất nhiều lần nhưng thay đổi thói quen, suy nghĩ của một người sao mà khó đến thế?
Bạn có tư vấn gì cho bạn gái trong câu chuyện Chàng ơi sòng phẳng làm chi? Người yêu của bạn có sòng phẳng chuyện tiền nong với bạn? Mời bạn đọc chia sẻ những ý kiến, trải nghiệm của riêng bạn với chủ đề này. Bài viết gửi về email tinhyeuloisong@tuoitre.com.vn (vui lòng gõ có dấu tiếng Việt, có đầy đủ thông tin tác giả). |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận