16/02/2013 05:23 GMT+7

Lương y của người nghèo

TRUNG CƯỜNG
TRUNG CƯỜNG

TT - Buổi sáng, vừa dựng xe ở sân chùa, Sơn vội vã bước vào phòng khám bệnh, nơi đó hàng chục người đang chờ. Công việc hằng ngày này là niềm vui, sự đam mê của anh suốt 12 năm qua khi duyên nợ đẩy đưa anh về vùng đất này.

8gQ2Rdza.jpgPhóng to
Công việc hằng ngày của lương y Nguyễn Thanh Sơn - Ảnh: Tr.Cường

Nguyễn Thanh Sơn, chủ tịch Hội Đông y huyện Cần Giờ (TP.HCM), chữa bệnh miễn phí cho người nghèo suốt 12 năm qua. Anh vừa được nhận bằng khen Thầy thuốc trẻ tiêu biểu toàn quốc năm 2012 do Bộ Y tế trao tặng.

Tận dụng cây cỏ

26.000 lượt người, 1,8 tỉ đồng hỗ trợ

Từ năm 2001 đến nay, lương y Nguyễn Thanh Sơn (sinh năm 1976) đã khám chữa bệnh miễn phí cho hơn 26.000 lượt người, hỗ trợ trên 1,8 tỉ đồng tiền thuốc, khám chữa bệnh cho người nghèo. Anh được tặng nhiều bằng khen, huy chương của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Chữ thập đỏ VN, Thành ủy, UBND TP.HCM... Năm 2012, anh được trao danh hiệu “Thanh niên tiên tiến TP.HCM làm theo lời Bác”.

Lúc nhỏ sống ở Cà Mau, Sơn ảnh hưởng sâu sắc từ ông ngoại hành nghề thuốc nam chữa bệnh miễn phí cho người nghèo. Học hết lớp 12, Sơn xin gia đình học y học cổ truyền và theo học khóa Lương y thừa kế do Tịnh độ cư sĩ Phật hội VN đào tạo tại TP.HCM.

Sau khi hoàn thành khóa học năm 2001, Sơn về Hưng Cần tự ở huyện Cần Giờ khám chữa bệnh tại đây. “Lúc đó chùa chỉ có một phòng khám đơn giản, chưa có phòng châm cứu, bào chế. Điều kiện ở huyện Cần Giờ cũng còn nhiều khó khăn về kinh tế, đi lại nên mọi thứ mình phải gầy dựng”, Sơn nhớ lại.

Khởi đầu gần như với hai bàn tay trắng, với nhiệt huyết của sức trẻ, không ngại khó, Sơn quyết tâm tận dụng cây cỏ chữa bệnh tại địa phương.

Cứ sau buổi sáng khám bệnh, Sơn lại lặn lội ở các xã sưu tầm cây thuốc. Để có đầy đủ thuốc chữa bệnh, Sơn liên hệ xin thuốc ở các phòng khám, vườn thuốc của nhiều địa phương. Nhưng cái khó là phương tiện chuyên chở. “Do phòng khám không có nguồn tài trợ nhất định nên mỗi lần đi lấy thuốc phải xin xe để chở thuốc về”, Sơn kể. Nhớ về những ngày khởi đầu gian khó, Sơn nhận ra động lực giữ chân mình ở vùng đất này là nhờ yêu quý, cảm thương những người dân chân chất, lam lũ nhưng nghèo, không có tiền chữa trị khi mắc bệnh. “Lúc đầu mình được phân công về huyện Cần Giờ sáu tháng nhưng ai ngờ lại sống miết ở đây luôn” - Sơn cười nói.

Gắn với hoạt động Đoàn

Thường vào hai ngày cuối tuần, Sơn lên Q.10 truyền nghiệp vụ y học cổ truyền và sau đó khám chữa bệnh cho người nghèo ở Q.6. “Nhiều hôm kẹt việc, sáng thứ hai chạy xe về sớm để khám bệnh không bà con trông, nhiều lúc không kịp ăn sáng”, Sơn cho biết. Bà Lâm Hoàng Diệu, 50 tuổi, nói mình “bị tai biến liệt một bên người nhưng nghèo không có tiền chữa trị, nhờ thầy Sơn tận tình thuốc thang, châm cứu nên giờ đã bình phục”.

Ngoài việc khám chữa bệnh, học tập, Sơn còn tích cực tham gia các hoạt động Đoàn của địa phương. Với vai trò bí thư Đoàn khu phố, anh thành lập Câu lạc bộ Nhân Ái thu hút nhiều đoàn viên, thanh niên và những người khác tham gia công tác xã hội từ thiện. Câu lạc bộ tập huấn giới thiệu những vị thuốc thường gặp cho thanh niên, học sinh và người dân biết sử dụng. Nhờ vậy mọi người đã tìm kiếm, hỗ trợ phòng khám một lượng thuốc khá lớn.

Thông qua đó CLB cũng giáo dục cho đoàn viên, thanh niên, học sinh về lòng nhân ái, đồng cảm với những phận đời bất hạnh để tu dưỡng đạo đức. Nhờ nhiều mối quan hệ, Sơn tranh thủ góp nhặt từng sự ủng hộ để tổ chức các chuyến đi khám chữa bệnh, tặng quà cho những bệnh nhân nghèo ở các xã khó khăn, xa xôi trong huyện.

Chị Trần Thị Thanh Thanh, bí thư Đoàn thị trấn Cần Thạnh (huyện Cần Giờ), cho biết ở vai trò bí thư khu phố hay ủy viên ban chấp hành Đoàn thị trấn, anh Sơn đều tạo được niềm tin và thu hút nhiều đoàn viên tham gia các hoạt động Đoàn, công tác xã hội. Nhiều đoàn viên, thanh niên học hỏi tấm gương “tự học, tự nghiên cứu” không ngừng nghỉ của anh Sơn. “Anh Sơn thương mấy đoàn viên nhà nghèo. Có em bị bệnh nặng, anh đến tận nhà khám chữa bệnh”, chị Thanh cho biết. Theo chị Thanh, anh Sơn còn tích cực vận động phong trào hiến máu nhân đạo và là thanh niên hiến máu nhiều nhất huyện.

Trong buổi trò chuyện, Sơn khoe huyện đã cấp địa điểm cho Hội đông y hoạt động nhưng đang chờ sửa chữa. Từ sự tiếp sức này, tấm lòng thiện nguyện của lương y trẻ Nguyễn Thanh Sơn sẽ được chắp cánh đến với nhiều người nghèo.

Mở rộng phòng khám

Từ một phòng khám đơn sơ, đến nay phòng khám có nhiều phân khoa như nam dược, châm cứu, dưỡng sinh, xoa bóp và bào chế thuốc thành phẩm. Do địa phương có nhiều lao động kiếm sống ngoài biển và người lớn tuổi không có thời gian, điều kiện sắc thuốc, Sơn mày mò nghiên cứu và đến năm 2009 xin Sở Y tế TP thành lập phòng bào chế đông dược sản xuất thuốc thành phẩm để bệnh nhân dễ sử dụng. Với lượng bệnh nhân ngày càng đông và nhiều căn bệnh, Sơn tiếp tục theo học các khóa đào tạo lương y của ĐH Y dược TP, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch... để nâng cao trình độ.

Để mở rộng hơn nữa công tác thiện nguyện, Sơn vận động và thành lập Hội Đông y huyện vào tháng 9-2011.

TRUNG CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên