14/02/2013 02:30 GMT+7

Chiều nào của tình yêu

DUYÊN TRƯỜNG
DUYÊN TRƯỜNG

TTXuân - Có một triết lý nào đây cần phải gọi ra từ những cây cầu của tình yêu? Tình yêu phải chiến đấu và chiến thắng, phải vượt qua và vươn lên, phải lấp đầy và nối liền những hố sâu ngăn cách do chính con người tạo ra?

a3BxG3Hx.jpgPhóng to

Nụ hôn tình yêu và những chiếc khóa tình yêu trên cây cầu tình yêu Pont des Arts (Paris, Pháp)- Ảnh: D.Trường

C6tYeHPB.jpgPhóng to

Khóa tình yêu đan thành bức tường hoa chạy dọc cầu Hohenzollern bắc qua sông Rhine (Cologne, Đức) - Ảnh: D.Trường

w50AzKYM.jpgPhóng to

Những chiếc khóa tình yêu treo trên cầu Eiserner Steg soi xuống dòng sông Main bình yên (Frankfurt, Đức) - Ảnh: D.Trường

1. Đúng Ngày tình nhân, mười năm trước (14-2-2003) chúng tôi chạm mặt rất nhiều cặp đôi đang tay trong tay trên đường lên Kim Đỉnh, một trong những đỉnh cao nhất trong dãy núi Nga My (Tứ Xuyên, Trung Quốc). Trên độ cao 3.077m, tình yêu gửi lời chào đến mọi người bằng một biểu tượng mang tên “khóa đồng tâm”: hai ổ khóa khổng lồ móc chặt vào nhau và cùng in bóng lên hai trái tim lồng đỏ thắm. Một nghi thức được thực hiện không biết bao nhiêu lần giữa biển mây.

Và hàng vạn chiếc khóa đôi không thể rời nhau đã được mắc khắp mọi nơi trên đỉnh núi: từ hàng rào, dây xích đến cọc gỗ, trụ sắt với kỳ vọng vào sự bền chặt của hạnh phúc lứa đôi, khi cái chìa có thể mở khóa đã bị ném cho “tan xác” xuống vực sâu! Trên mọi nẻo đường chinh phục những Ngọc Long Tuyết Sơn (Vân Nam), Thanh Thành Sơn (Tứ Xuyên), Hoa Sơn (Thiểm Tây)…, đâu đâu bạn cũng có thể bắt gặp những chiếc khóa tình yêu lớn hoặc nhỏ, ít hay nhiều, kèm những dải lụa sắc đỏ dẫn lối theo chiều nhìn lên. Thề non hẹn biển, trời chứng đất giám, ghi lòng tạc dạ - bao giờ cũng theo trục của sự thiêng liêng từ trên rất cao: ngưỡng vọng, ngước nhìn, cầu mong…

Những năm gần đây, vùng núi hẻo lánh Bán Pha Đầu (Trùng Khánh) trở nên nổi tiếng với một “chuyện tình đẹp nhất thế kỷ” có độ dài một đời người, với 6.000 bậc thang mà người chồng Lưu Quốc Giang đã tự tay đục tạc từ đá, từng ngày một, cho người vợ Từ Triều Thanh có lối xuống núi đi đến chợ, bằng một tình yêu chỉ có thể diễn tả bởi độ cao 1.500m tính từ mặt biển theo thời gian 50 năm.

Một cuộc tình quá nhiều chuyện để kể: chồng trẻ hơn vợ nhiều tuổi, chồng là trai mới lớn, còn vợ là góa phụ nhiều con, cả hai phải rời bỏ làng quê lên núi sống đời ẩn dật, cả hai sống đời ẩn dật mà hạnh phúc cùng nhau không bao giờ rời xa… Cho nên có rất nhiều đôi tình nhân tìm đến đây, chạm vào những bậc thang này, mong gặp người trong cuộc để được chúc phúc từ núi bằng lời của đá. Nay thì cả hai đều đã lên trời, chồng trước vợ sau, để tiếp tục ban phúc cho những đôi lứa dưới trần gian.

Phải chăng nhịp đập của trái tim phương Đông, như những câu chuyện tình của xứ ta: Sơn Tinh - Thủy Tinh, chàng Lang - nàng Bian, hòn vọng phu… luôn gắn làm một với núi cao và chiều hướng thượng?

2. Tin “khóa tình yêu trở thành… sắt vụn” khi chính quyền nước Ý đã cho tháo dỡ hàng nghìn ổ khóa “phá hoại di tích văn hóa” trên chiếc cầu cổ xưa 2.000 năm tuổi Monte Milvio (sông Tiber, Roma) vào ngày 11-9-2012, khiến chuyến “đi thăm tình yêu” của chúng tôi ở châu Âu một tháng sau đó có phần dè dặt.

Đúng sai trong quyết định này xin được miễn bàn, nhưng làm sao tránh khỏi đau đớn khi nhìn thấy bức ảnh ghi lại cảnh “người có phận sự” đang dùng kềm cộng lực cắt đứt bao nhiêu “trái tim” đáng lẽ không được chia lìa nhau. May mắn thay, tình yêu vẫn còn mãnh liệt lắm, ít nhất tại những chiếc cầu mà chúng tôi đã tìm đến.

Một buổi sáng sắc thu trời trong, chiếc cầu đi bộ Eiserner Steg vắng khách, dòng sông Main (Frankfurt, Đức) như ngừng trôi, đôi cánh hải âu thỉnh thoảng chao liệng cho bức tranh tĩnh vật thêm chút lung linh. Những chiếc khóa, những lời tình và vài đôi tình nhân chụp ảnh bên thành cầu như đang thì thầm những điều không muốn nói hết… Sôi động hơn nhiều là tình yêu trên chiếc cầu Hohenzollern bắc qua sông Rhine (thành phố nước hoa Cologne, Đức). Sông rộng nên cầu dài.

Cầu dài nên cơ hội cho tình yêu lên tiếng càng nhiều hơn. Hàng rào bên lối đi bộ trên cầu đã kín đặc khóa tình, như một bức tường hoa nhiều màu sắc chạy dọc làm nền cho những đôi lứa, những nhóm bạn, những gia đình đang tấp nập đi cùng nhau hay cố tìm nhau. Khi tàu lửa phóng nhanh qua cầu, khóa tình lại có dịp nhắc nhớ tình yêu vẫn có mặt bền vững nơi này, mặc dòng đời chạy đua cao tốc! Hấp dẫn nhất chính là tại Pont des Arts (thủ đô Paris, Pháp).

Lúc chiều tà, chiếc cầu gỗ trên dòng sông Seine này vẫn không thôi kể chuyện đôi lứa. Có những cặp đôi cẩn thận đi lần tìm dấu tích xưa trên những chiếc khóa đôi đã cũ. Có những cặp đôi tay dựa vào thành cầu trang điểm bằng khóa tình yêu, dõi mắt nhìn xa vào dòng sông và mây trời đầy kỷ niệm. Có những đôi bạn trẻ, hoặc đứng hoặc ngồi, hồn nhiên hôn nhau giữa tràn ngập tình yêu thực thể.

Hóa ra bên trời Tây, những chiếc khóa tình yêu lại gắn chặt cùng những cây cầu. Dù rộng hẹp hay ngắn dài, dù bằng đá, bằng sắt hay bằng gỗ, dù xe cộ qua lại hay chỉ dành cho khách bộ hành, những chiếc cầu bắc qua sông, theo chiều ngang của đôi bờ, đã trở thành nhân chứng cho vĩnh cửu tình yêu không bao giờ ngừng chảy.

Có một triết lý nào đây cần phải gọi ra từ những cây cầu của tình yêu? Tình yêu phải chiến đấu và chiến thắng, phải vượt qua và vươn lên, phải lấp đầy và nối liền những hố sâu ngăn cách do chính con người tạo ra? Nên Roméo và Juliette phải chết vì hận thù của hai dòng tộc? Nên Tristan và Iseult phải chạy trốn trước quyền lực vua chúa và chết vì thói ghen tuông đàn bà?

Nên Oliver và Jenny (trong Love story, Erich Segan) yêu nhau trong nghèo khó và vĩnh biệt nhau trong bệnh tật trước danh giá và sự giàu có của gia đình? Và khi Robert Kincaid cùng Francesca, từ một lần tình cờ gặp gỡ, từ một chuyện phiếm làm quen đến hành trình săn tìm những chiếc cầu cho một bộ ảnh, cũng là lúc họ tìm thấy tình yêu. Trái ngang và giằng xé, hi sinh và chờ đợi, tình yêu không vượt qua bổn phận và hi sinh, vẫn lung linh như chiếc cầu Roseman trong nắng sớm (Những cây cầu ở hạt Madison, Robert James Waller).

3. Vậy thì chiều nào cho tình yêu hỡi những người yêu nhau? Dọc và ngang? Hướng lên hay vượt tới? Cầu mong hay tranh đấu? Ngưỡng vọng hay thực tế?

Mà có khi là cả hai! Vì tình yêu cho cũng là nhận, mất cũng là được, vừa thiêng vừa đời, vừa bổn phận vừa hạnh phúc, vừa hi sinh vừa tận hưởng, vừa bay lên cao mà cũng vừa trải rộng cùng đất trời.

DUYÊN TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên