22/12/2012 06:00 GMT+7

Đi làm từ 3 giờ sáng

TRUNG CƯỜNG
TRUNG CƯỜNG

TT - 3g30, ánh đèn loang loáng trên con đường làng nhỏ hẹp, gồ ghề. Chị Trần Kim Yến, 32 tuổi, lầm lũi ra điểm hẹn, hòa mình vào đám đông những cô gái trạc tuổi mình, chờ xe tới đón.

MvhMMMTj.jpgPhóng to
Đèn pin trên đầu, chị Trần Kim Yến lội bộ 20 phút để đến điểm đón xe - Ảnh: Thuận Thắng

Đều đặn mỗi ngày hai năm nay, cứ 3g sáng chị Yến bắt đầu một ngày làm việc mới như thế, cho tới 20g mới trở về nhà. Bước chân của chị đã quen lội bộ đến điểm bắt đầu chuyến hành trình 130km từ huyện biên giới Mộc Hóa, tỉnh Long An lên Q.Bình Tân, TP.HCM. Đây là tuyến xe xa nhất trong các tuyến xe đưa rước hàng ngàn công nhân ở tỉnh của Công ty Pou Yuen.

Giấc ngủ không tròn

Hành trang của mỗi công nhân gồm một chiếc gối nhỏ và cà men cơm. Vừa bước lên xe, những công nhân đủ mọi lứa tuổi vội vã chợp mắt.

Mỗi ngày 300 chuyến xe

Trung tâm Điều hành vận tải tỉnh Long An cho biết cơ quan này điều phối hành trình cho 104 tuyến xe (hơn 300 xe) đưa rước hàng ngàn công nhân Công ty Pou Yuen ở các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Tây Ninh và các huyện của TP.HCM. Công nhân trả 3.000 đồng lượt đi - về, chi phí còn lại do công ty trợ giá.

Chuyến xe cứ chạy, dừng rước suốt chặng đường. Những cái đầu gà gật gục vào vai nhau, vào cửa kiếng ngủ vùi. Chặng đường từ thị trấn Mộc Hóa ra tới đường cao tốc khoảng 70km xuống cấp, xe cứ lúc lắc, lên xuống liên tục nên giấc ngủ của họ không trọn giấc.

Gần 50 người, không tiếng người, thi thoảng chỉ có tiếng còi xe xé toạc màn đêm tịch mịch, giữa mông lung đồng lúa. Thi thoảng có người giật mình ngóc đầu dáo dác nhìn xem đã tới chỗ làm hay chưa, rồi lại chìm vào giấc ngủ chập chờn. Bao nhiêu năm làm việc là bấy nhiêu năm giấc ngủ của họ không trọn vẹn.

Chị Trần Thị Thùy Mai kể nhà cách xa chỗ xe rước và cách một con sông nên 2g30 chị phải thức giấc, tự chèo đò qua sông. Có hôm mưa gió đò lật, may mà chị biết bơi nên giữ được mạng sống của mình. Hành trang của chị trong những ngày mưa gió là bộ quần áo vì “lỡ ướt còn có đồ thay mà đi làm”. “Mỗi tháng làm được gần 3 triệu đồng, chỉ vừa đủ gói ghém cuộc sống” - chị cho biết.

Chồng chị gắn với tám công ruộng nhưng mùa màng thất bát suốt nên không đủ nuôi hai con còn ăn học, thấy người làng đi làm nhiều chị cũng theo làm được gần hai năm nay. Vì xa nhà, những công nhân như chị Mai, chị Yến ít ai dám làm tăng ca nên thu nhập chắt chiu mỗi tháng 2,5-3 triệu đồng.

Hơn 90% công nhân trên những chuyến xe là phụ nữ, họ gánh gồng trách nhiệm gia đình trên đôi vai gầy guộc của mình hết tháng này qua tháng khác, từ năm này tới năm khác. “Từ lúc đi làm tới giờ sụt mất mấy ký, ai cũng vậy à” - chị Mai cười nói. Theo lời kể của chị, nhiều hôm tăng ca về đến nhà 21g là lăn đùng ra ngủ, chẳng đoái hoài gì đến cơm nước.

Lý giải về sự đi - về, các chị em cho biết với mức thu nhập như trên không ai có thể chống chọi được với giá cả sinh hoạt đắt đỏ nơi thành thị, nhất là giá nhà trọ... Họ chấp nhận đi sớm, về tối để khỏi cắt xén từ đồng lương vốn chẳng nhiều nhặn gì mà còn được sum họp gia đình.

ChfoRefz.jpgPhóng to
Khởi hành từ 3 giờ sáng, vượt quãng đường hàng trăm cây số, công nhân chuẩn bị vào một ngày làm việc mới - Ảnh: T.Thắng

Mơ tới bình minh

Ánh mắt gà gật thiếu ngủ của chị Mai sáng lên chút đỉnh khi chị nhắc đến đứa con vừa đậu đại học. “Thôi thì ráng làm lụng nuôi cho con cái học hành đàng hoàng, biết đâu thay đổi cuộc sống bố mẹ nó” - chị Mai trải lòng.

Xe riêng cho chị em mang thai

Trong các chuyến xe có một chuyến đưa rước những bà bầu. Mang thai đến tháng thứ bảy nhưng chị Hương vẫn đều đặn hằng ngày đi sớm về khuya theo xe đi làm. “Ráng làm cho đến ngày sinh để có tiền nuôi con, chớ nghỉ hộ sản lương chẳng được bao nhiêu” - chị Hương nói.

Những người chúng tôi gặp trên các chuyến xe không chỉ là người trẻ mà có người đã qua tuổi trung niên, tóc lấm chấm bạc. Chị Bùi Kim Bình, 45 tuổi, đã có thâm niên hai năm làm việc, hai con chị cũng làm chung. Chị tâm sự: “Còn sức còn làm nuôi đứa nhỏ ăn học, chớ ở nhà làm ruộng không đủ sống”.

Những tài xế xe đưa rước công nhân cho biết thường công nhân nữ làm 2-3 năm rồi nghỉ vì chịu không siết đường sá xa xôi. “Làm vài năm rồi xoay xở việc khác làm chứ đi hoài vậy chịu sao nổi” - chị Tô Thị Kim Phượng tâm sự. Nhưng nhiều người nghỉ được một thời gian rồi đi làm lại “vì ở nhà không có việc gì làm”.

Nhiều thiếu nữ chưa chồng cùng chung ước muốn “khi nào lấy chồng rồi nghỉ vì vất vả quá”. Nhưng liệu mong muốn của họ có thành hiện thực hay không khi trên bước đồng hành hiện vẫn còn nhiều phụ nữ đã lập gia đình tảo tần sớm hôm?

Như chị Võ Thị Nhung, già sọm so với tuổi 31, hơn hai năm nay đồng lương từ mồ hôi của chị phải gánh vác cho cả gia đình: chồng bị liệt, hai con nhỏ và bản thân chị thường xuyên xỉu trên xe vì suy nhược thần kinh. Vậy mà chị vẫn hằng đêm trên chuyến xe với con đường thiên lý. Nghị lực của những phụ nữ này đáng trân trọng đến kinh ngạc.

6g30 xe tới bãi đậu. Cảnh nhộn nhạo, leng keng chén muỗng cho bữa sáng chớp nhoáng để kịp giờ vào ca. Mắt ai cũng thâm quầng. Những đôi mắt thâm quầng ấy từng một thời là thiếu nữ với những ao ước đẹp về cuộc đời không quá nhiều nhọc nhằn...

TRUNG CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên