Phóng to |
Ủy viên T.Ư Đảng, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thị Thu Hà (bìa phải) trao giấy chứng nhận đăng ký kết hôn cho các đôi trong đám cưới tập thể năm 2011 - Ảnh: THANH ĐẠM |
Đám cưới tập thể, vé xe tết, khám bệnh phát thuốc, nhà tình bạn... là những phần việc không thể thiếu trong chuỗi hoạt động Đoàn của TP nhiều năm qua. Đó không đơn thuần là trách nhiệm mà còn là biết bao tấm lòng được tuổi trẻ TP.HCM gửi trao đến người nhận.
1 Sáu năm rời quê Trà Vinh lên Sài Gòn làm công nhân may, chị Bích Tuyền tằn tiện lắm cũng chỉ đủ sống. Anh Phú Quý - bạn trai chị - cũng vất vả mãi vẫn chưa tìm được công việc ổn định. Yêu nhau cũng lâu, đã mơ về mái ấm hạnh phúc nhưng... tiền đâu làm đám cưới. Thông tin đám cưới tập thể lan đến công ty, anh chị mừng quá, không cần đắn đo mà đăng ký ngay. “Thay vì gom góp về quê làm mấy mâm cơm ra mắt họ hàng thì niềm vui của mình được nhân lên nhiều lần bởi có mấy chục đôi cùng làm đám cưới chung với mình” - chị Tuyền bộc bạch.
Bích Tuyền - Phú Quý chỉ là một trong số 80 đôi bạn công nhân xa quê có hoàn cảnh khó khăn được Thành đoàn TP.HCM “vun vén” để có được ngày vui trọn vẹn hạnh phúc lứa đôi cuối năm 2011, đám cưới tập thể đông nhất VN đến nay. Tạm quên gian khó thường ngày, các bạn trở thành những cô dâu, chú rể rạng ngời và hạnh phúc nhất trong ngày trọng đại đời mình. Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TP.HCM Huỳnh Ngô Tịnh chia sẻ: “Để có được ngày vui cho các bạn dù vất vả hơn một chút nhưng ai cũng thấy vui, lo cho hạnh phúc của người khác mà ai cũng thấy như đang chăm chút cho hạnh phúc của chính mình”.
2 Vượt ranh giới TP.HCM, tuổi trẻ TP đã mở rộng vòng tay đến nhiều tỉnh, thành cả nước. Trong một chuyến đi khám bệnh phát thuốc miễn phí tại huyện Đắc Hà (Kon Tum), nhiều y bác sĩ trẻ TP.HCM dù vừa vượt chặng đường dài nhưng đã quên cả ăn, lao vào khám ngay để bà con còn kịp về buôn vì đường xa. Hỏi chuyện mới biết có người đã lội bộ cả chục cây số từ tờ mờ sáng mới đến được điểm khám bệnh. Hay trong ngày hội những người tình nguyện mới đây, cầm trên tay gói quà do chính các bạn trẻ trao, cụ Trần Thị Hoa - mái ấm tình thương chùa Diệu Pháp (Q.Bình Thạnh) - cười móm mém: “Bà vui lắm khi các cháu đến thăm lại còn cho quà. Tuổi già đơn chiếc của các cụ cũng thấy ấm lòng vì còn được các cháu, xã hội quan tâm”.
Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội thanh niên TP.HCM Trần Bá Cường cho biết dù khó khăn thế nào cũng cố gắng xoay xở đủ cách để không làm mất đi niềm vui của các em nhỏ mồ côi, khuyết tật đang được nuôi dạy tại nhiều mái ấm của TP. Ngày hội Hoa hồng nhỏ, Tổ ấm ngày xuân dành cho trẻ sống trong các mái ấm nhiều năm qua đã trở thành niềm háo hức, phấn đấu học giỏi để được tham dự của các bạn nhỏ kém may mắn ấy.
Cũng từ lâu, Trung tâm Hỗ trợ học sinh sinh viên TP.HCM đã là địa chỉ quen thuộc của sinh viên TP khi cần tìm việc làm, nhà trọ. Trung tâm cũng là nơi tiên phong thực hiện chương trình tặng vé xe tết cho sinh viên nghèo và đã làm nhiều năm rồi. Năm nhiều nhất có đến 4.500 chiếc vé miễn phí đưa sinh viên về các tỉnh miền Bắc, miền Trung, Tây nguyên. Năm nào ít cũng hơn 2.000 vé nhưng nói như giám đốc trung tâm Quách Hải Đạt là “con số đó chưa thấm vào đâu vì mỗi năm có gần 6.000 bạn có nhu cầu nên phải xem xét kỹ lắm để vé đến tay đúng những bạn khó khăn thật sự”.
3 Những suất học bổng học nghề giúp bạn trẻ tự tin vào đời. Nguồn nước sạch, đồng hồ điện được gắn hoàn toàn miễn phí cho các khu lưu trú văn hóa, nhà trọ công nhân để các bạn được hưởng giá điện, nước đúng quy định. Những chuyến xe lưu động đưa hàng Việt bình ổn giá về vùng sâu phục vụ bà con. Các chương trình truyền thông giúp công nhân biết bảo vệ sức khỏe, tình dục an toàn, chăm lo dinh dưỡng vốn là những điều cốt yếu của cuộc sống. Cả trăm hộ dân trong các khu nhà có nguy cơ cháy nổ vì chập điện đã được thay mới toàn bộ hệ thống dây, thiết bị điện. Và nhiều phần việc đảm bảo an sinh xã hội khác vẫn âm thầm được thực hiện.
Trưởng ban công nhân lao động Thành đoàn Huỳnh Nguyễn Lộc cho biết nhiều hoạt động đều được khảo sát nhu cầu trước khi thiết kế thành chương trình cụ thể, sao cho gắn với nhu cầu thiết thực của cuộc sống. Có mặt trong nhiều chuyến đi tình nguyện, bác sĩ Lê Trọng Dân (Bệnh viện Nhân Dân 115) bày tỏ: “Ai nhìn vào cũng nghĩ khi làm những việc ấy là đang cho đi nhưng thật ra chúng tôi được nhận về nhiều hơn - những giá trị của cuộc sống. Nhiều anh em trở về sau đó đã thay đổi suy nghĩ rằng mình cần có trách nhiệm hơn nữa trong công việc, với cộng đồng”.
Anh Lê Quốc Phong - phó bí thư thường trực Thành đoàn - đánh giá: “Tham gia bảo đảm an sinh xã hội là nội dung trọng tâm, được các cơ sở Đoàn của TP đầu tư, gắn với các nhiệm vụ, chủ trương lớn của TP. Mỗi khu vực lại có cách làm riêng gắn với đối tượng phục vụ của mình. Tự thân các hoạt động này đã có sức hút nên các bạn không chỉ tình nguyện tham gia mà xem đó như trách nhiệm mỗi người trẻ phải chia sẻ với cộng đồng”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận