03/10/2012 06:44 GMT+7

Những căn phòng... F5

CÔNG NHẬT
CÔNG NHẬT

TT - Gọi là phòng F5 (trên bàn phím máy tính, F5 có nghĩa là làm mới - PV) vì nơi đây đem lại những đổi mới đáng kể cho giới trẻ văn phòng khi tìm đến.

xwSMWtgp.jpgPhóng to
Sau những buổi làm việc căng thẳng, việc luyện tập thể thao cùng nhau giúp mọi người vừa giải tỏa stress vừa dễ kết thân với nhau hơn (ảnh chụp tại Công ty VNG) - Ảnh: Công Nhật

Nhân viên có thể coi phim, chơi thể thao hoặc thậm chí khiêu vũ... trong một không gian riêng biệt được xây dựng ngay tại cơ quan. Mô hình trên đang dần được một số công ty Việt Nam quan tâm.

“Vitamin” cho dân văn phòng

Tan giờ làm, anh Nguyễn Trung Hiếu (Công ty VNG) không về nhà mà vội thay đồng phục trên người bằng bộ võ phục karate rồi bước vào thang máy cơ quan, nhấn nút số 17.

Tới tầng 17, anh Hiếu nhanh chóng hòa mình vào hàng trăm đồng nghiệp đang vặn mình khởi động theo tiếng hô to của giáo viên hướng dẫn các môn: aerobic, yoga, karate, đấm bốc, nhảy salsa...

“Từ lúc vào công ty đến giờ, hầu như mỗi ngày tôi đều dành một tới vài giờ tập karate, yoga hoặc đá bóng cùng đồng nghiệp sau giờ làm” - anh Hiếu nói về lịch làm việc và rèn luyện thể lực của mình trong ba năm qua. Anh cho biết do công ty đầu tư sẵn các phòng chức năng ngay tại trụ sở và mời giáo viên về hướng dẫn, tất cả hoàn toàn miễn phí nên hầu hết nhân viên đều hăng hái tham gia. “Sức khỏe và tinh thần của mọi người theo đó được cải thiện, hiệu quả công việc tăng lên rõ rệt” - anh khẳng định.

Còn với Hoàng Đức Công (Tập đoàn Intel Việt Nam) : “Ngoài việc giúp nhân viên thư giãn và giải tỏa stress, những căn phòng trên còn khiến hình ảnh công ty trở nên gần gũi, ấm áp hơn với mọi người”. Anh cho rằng đây cũng là không gian lý tưởng cho việc làm quen, xây dựng mối quan hệ đồng nghiệp, giúp nảy ra nhiều ý tưởng sáng tạo để phục vụ công việc.

Từng trải qua nhiều môi trường làm việc khác nhau, Lê Vũ (26 tuổi, Công ty VNG) cho rằng việc được tạo điều kiện chơi thể thao, giải trí cùng sếp và đồng nghiệp ngay tại công ty giúp việc hóa giải hiểu lầm, mâu thuẫn trong công việc trở nên dễ dàng hơn. “Nhờ những lần đá banh, tập võ chung mà chúng tôi phát hiện được nhiều tính cách đáng quý của nhau, những điều mà nếu chỉ quanh quẩn trong guồng máy công việc sẽ khó có thể nhận ra” - anh nói.

Đối với công ty đa quốc gia, những phòng F5 này lại là cầu nối cần thiết để các nhân viên nước ngoài làm quen, học hỏi văn hóa từ nhân viên bản địa. Từ Hàn Quốc, anh Nguyễn Văn Hải (thực tập sinh tại Postech University) khẳng định: “Nếu không có những phòng chức năng này, tôi khó có cơ hội để tạo mối quan hệ với những đồng nghiệp khác trong công ty bởi rào cản ngôn ngữ, lối sống. Công ty có quy mô càng lớn thì vai trò của những phòng này càng cần thiết”.

Đôi bên cùng có lợi

Là một trong những tập đoàn hàng đầu thế giới, Google có môi trường làm việc thuộc dạng “vô cùng khắc nghiệt”. Tuy vậy, trái với suy nghĩ của nhiều người, tập đoàn trên lại đứng đầu danh sách 100 công ty có môi trường làm việc tốt nhất ở Mỹ năm 2012 (do tạp chí Fortune bình chọn).

“Công ty luôn quan tâm tới việc cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân viên dù là điều nhỏ nhặt nhất. Điều đó giúp chúng tôi tự hào và luôn làm việc hết mình” - Andrew Nguyen (làm việc tại trụ sở chính của Google tại Thung lũng Silicon, Hoa Kỳ) nhìn nhận. Cụ thể, anh cho biết trụ sở này có tới... 19 nhà ăn miễn phí, nhân viên ở quốc gia nào cũng có thể tìm thấy món ăn đặc trưng của quê hương mình, ở đây có hẳn một phòng ăn được đặt tên Hà Nội nhằm phục vụ người Việt. Google còn có luật “50 bước”, đó là cứ mỗi 50 bước thì phải có một chỗ để nhân viên ăn uống, giải trí hoặc rèn luyện sức khỏe.

Theo thạc sĩ xã hội học Trần Thị Ngọc Nhờ (giảng viên Đại học KHXH&NV TP.HCM), việc tạo ra các phòng chức năng tại nơi làm việc là một sự đầu tư đúng đắn và quan trọng bởi: “Chẳng những tốt cho sức khỏe nhân viên (đặc biệt với môi trường làm việc văn phòng ít vận động), tạo điều kiện tái tạo sức lao động mà còn giúp giảm căng thẳng trong công việc và trong mối quan hệ sếp - lính. Sự tương tác ở môi trường này cũng giúp tạo ra tình cảm gắn bó giữa các đồng nghiệp, dẫn đến sự trung thành của nhân viên”. Vì thế, theo bà, những căn phòng trên không chỉ mang lại lợi ích cho nhân viên mà còn cho chính các công ty.

Người Việt chưa quen

“Biết rõ lợi ích là vậy nhưng không dễ để làm điều tương tự” - ông Khắc Quang (phó phòng nhân sự một công ty Việt Nam) khẳng định. Ông Quang từng đề xuất xây dựng các phòng tập thể thao, thư giãn cho nhân viên nhưng liên tục bị lãnh đạo lắc đầu. “Tình hình kinh tế khó khăn khiến việc chăm lo đời sống nhân viên trở thành điều xa xỉ. Chưa kể người Việt vẫn chưa có thói quen đầu tư số tiền lớn vào việc tạo ra những giá trị lợi ích cho tập thể” - ông trăn trở.

CÔNG NHẬT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên