06/06/2012 06:15 GMT+7

Nhà bán trú cho học sinh vùng cao Quảng Ngãi

VÕ QUÝ CẦU
VÕ QUÝ CẦU

TT - Hằng ngày, những học trò đồng bào Cor, H’Re, Ca Dong ở vùng cao Quảng Ngãi đến trường phải “lội suối, băng ngàn”. Vào mùa mưa, những cơn lũ đầu nguồn dữ tợn chực chờ cuốn trôi các em.

lyTLPqym.jpgPhóng to
Học sinh Trường THCS Sơn Long trong nhà bán trú tạm bợ - Ảnh: Q.Cầu

Những ngôi nhà bán trú để việc học, ăn nghỉ của các em thuận tiện hơn không chỉ là sự khao khát của các em mà còn của phụ huynh, thầy cô và cả chính quyền.

Lội suối, băng rừng đến lớp

Trường tiểu học, THCS Trà Khê nằm chơ vơ trên đồi cao, phía dưới thấp là một ngôi nhà và một lán trại trống. Bà Nguyễn Thị Bông, chủ nhà và lán trại, nói: “Năm nào đến mùa mưa là nước suối dâng cao, học sinh không về được. Thấy tội tụi nhỏ nên tôi cho ở nhờ trong nhà, ngoài lán. Nằm sạp tre không có chiếu nhưng chúng đành phải ngả lưng qua đêm. Nhiều ngày, xã phải xuất mì gói dự trữ rồi nhờ tôi nấu nước, chế mì cho chúng ăn”.

Hiệu trưởng Trường tiểu học, THCS Trà Khê Nguyễn Trí Dũng cho hay trường có 62 học sinh tiểu học và 85 học sinh THCS. Thầy tâm sự các em ở thôn xa, có khi 10km phải đi mất 3-4 giờ; lúc mưa lớn, lũ dâng cao, gia đình đành cho các em nghỉ học bởi qua sông suối quá nguy hiểm.

Chính vì không có nhà bán trú, nhà trường rất hiếm khi huy động đủ các em đi học... “Ban giám hiệu đã nhiều lần kiến nghị xây dựng nhà bán trú cho các em ổn định học tập, nhưng kinh phí của xã, huyện còn chật vật, trường đành chờ, chờ mãi” - thầy Dũng tâm sự.

Tạm bợ và quá tải ở nhà bán trú

Hai năm trước, nghe có nhà bán trú cho học sinh Trường tiểu học, THCS Trà Bùi, H.Trà Bồng, nhiều phụ huynh vui mừng vì con em ở xa về học tập sẽ dễ dàng hơn. Nhưng hai phòng bán trú, mỗi phòng chừng 25m2, kê đến chín giường tầng. Học sinh ở xa nhiều nên nhà trường phải bố trí một phòng 33 học sinh, phòng khác đến 35 học sinh.

Cô Lê Thị Hương, hiệu phó nhà trường, phân trần: “Hiện trường còn 27 học sinh đang cần nơi ở nữa nhưng không có nhà bán trú. Các em ở xa nên lúc học lúc nghỉ”. Hai phòng này không có giường nên các em đành phải lót chiếu dưới nền nhà nằm. Trước tình cảnh này, báo Tuổi Trẻ đã hỗ trợ 40 bộ mùng, mền, chiếu cho các em nghỉ ngơi thuận lợi hơn.

Còn ở xã Sơn Long (Tây Trà), 30 học sinh ở thôn Trà Vây, giáp tỉnh Kon Tum, mỗi ngày phải vượt đèo dốc, lội qua suối Ra Bân, suối Ra Lin, ở tạm trong nhà bán trú làm bằng vách nứa để bám trường, bám lớp.

Thầy Nguyễn Anh Tuấn, hiệu trưởng Trường Sơn Long, cho hay: “Nhà bán trú lồ ô cũng chống đỡ được tình trạng bỏ học nhưng mùa hè nắng nóng, mùa mưa ẩm thấp, bê bết bùn nên cả thầy trò mong ước về một nhà bán trú đàng hoàng”.

Báo Tuổi Trẻ khởi công xây dựng nhà bán trú dân nuôi

* Theo thống kê của tỉnh Quảng Ngãi ở sáu huyện miền núi Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà, Trà Bồng, Sơn Tây và Tây Trà, hiện chỉ có 15 trường có nhà bán trú cho hơn 3.000 học sinh học tập. Hiện còn 44 xã có nhu cầu xây dựng nhà bán trú để tạo điều kiện cho 11.916 học sinh (1.544 học sinh cấp THPT, 6.036 học sinh cấp THCS, 5.336 học sinh cấp tiểu học) có chỗ ở ăn học.

* Hôm nay 6-6, báo Tuổi Trẻ và Tỉnh đoàn Quảng Ngãi tổ chức lễ khởi công nhà bán trú dân nuôi Trường THCS Sơn Thủy, xã Sơn Thủy, H.Sơn Hà, Quảng Ngãi. Công trình nằm trong khuôn viên Trường THCS Sơn Thủy gồm năm phòng học tập, nghỉ ngơi và khu sinh hoạt (gồm nơi nấu ăn, nhà ăn, khu tắm giặt cho nam - nữ học sinh), với tổng diện tích xây dựng gần 200m2, khả năng phục vụ cho trên 60 học sinh. Công trình có tổng kinh phí gần 600 triệu đồng, sẽ được hoàn thành, kịp đưa vào sử dụng cho học sinh đầu năm học mới 2012-2013.

Sau công trình nhà bán trú này, dự án sẽ tiếp tục triển khai xây dựng nhà bán trú ở năm huyện còn lại (Ba Tơ, Minh Long, Trà Bồng, Sơn Tây và Tây Trà), mỗi huyện một nhà bán trú dân nuôi. Tổng kinh phí cho dự án này hơn 3 tỉ đồng do Quỹ Thiện Tâm tài trợ.

V.HÙNG

VÕ QUÝ CẦU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên