13/05/2012 06:30 GMT+7

Mẹ chỉ có một trên đời

HỮU CÔNG
HỮU CÔNG

TT - Những câu chuyện xúc động từ clip về mẹ của một nhóm sinh viên, những tâm sự từ trái tim của những người trẻ còn mẹ và không còn mẹ.

JOhNmuzz.jpgPhóng to

Lần đầu trong đời cậu con trai biết tặng quà cho mẹ mình sau biến cố biết bà mắc căn bệnh nan y - Ảnh chụp từ clip

Tất cả sẽ là lời chúc ngọt ngào nhất của Nhịp sống trẻ gửi đến những người mẹ trong ngày tuyệt vời này của tháng 5: 13-5 - Ngày của Mẹ.

Quan trọng nhất là đường về bên mẹ

Chuyện kể một cậu bé ăn chơi lêu lổng, trong lần trộm tiền của mẹ đi chơi, tình cờ phát hiện giấy khám bệnh được mẹ giấu kỹ. Bàng hoàng nhận ra mẹ đang mắc bệnh nan y mà thời gian sống trên đời này còn rất ngắn ngủi, cậu bé ân hận về những chuỗi ngày sống vô tâm với mẹ mình...

Đó là nội dung phim ngắn mang tên Bước chân của nhóm Step Together - gồm năm sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM. Truyện phim không quá mới mẻ, không quá đặc biệt nhưng nhận được sự đồng cảm của đông đảo cộng đồng mạng (được đưa lên mạng ngày 5-5 vừa rồi, địa chỉ http://www.youtube.com/watch?v=87LbJo1mMko) bởi đó là những mẩu chuyện có thật của các thành viên Step Together.

Lê Đức Long Quân, diễn viên chính của phim, kể rằng trong phim có chi tiết khi người mẹ gặp khó khăn trong việc sử dụng Internet, nhờ con trai giúp đỡ thì cậu ấy vùng vằng bỏ đi, là câu chuyện thật của Quân. Khi diễn cảnh cậu con trai ngồi vẽ tranh tặng mẹ cùng lời xin lỗi là khi Quân nhập tâm, lắng đọng nhiều cảm xúc nhất. “Lúc đó mình nghĩ nhiều về mẹ và chỉ muốn được trở về bên mẹ” - Quân nhớ lại.

Cảnh người mẹ ngồi xem bảng điểm rồi khóc là câu chuyện thật của Trần Phan Bích Ngọc. Cô gái Huế cho biết ngày trước mẹ từng đặt nhiều kỳ vọng vào mình, nhưng vì mải theo bạn bè đi chơi, Ngọc học hành sa sút. Sau một lần mẹ vừa đánh vừa khóc, Ngọc nhận ra lỗi của mình và quyết tâm học hành nghiêm túc hơn. Kết quả, cô bạn thi đỗ vào Trường chuyên Quốc học Huế.

Phan Mai Như Thảo cho biết Bước chân như thước phim quay về quá khứ của mình, quay đến đoạn nào cũng nhớ về ngày xưa, những ngày mình đã sống quá hời hợt với gia đình: “Mình từng gắt gỏng mỗi khi cha mẹ nhờ làm việc gì, bữa ăn không ngon mình cũng cáu giận, quần áo đi học chưa kịp giặt mình cũng bực mình... Mãi đến bây giờ đi học xa gia đình rồi mới hiểu rằng chỉ có cha mẹ thương mình nhiều nhất”.

Ngày Bước chân hoàn thành, cả nhóm ngồi xem mà rưng rưng nước mắt. Đoàn Thị Thùy Linh cắt nghĩa Bước chân như ngã rẽ trên rất nhiều con đường đời, nhưng có lẽ quan trọng nhất là con đường về bên mẹ, về bên người phụ nữ đã luôn âm thầm dìu dắt mình từ lúc mới bước chập chững cho đến ngày cứng cáp trên đường đời.

Còn Nguyễn Khánh Chi thì bảo mình luôn ám ảnh nỗi sợ một ngày nào đó không còn mẹ nữa thì sẽ sống như thế nào. “Thời gian bao nhiêu cho vừa, yêu thương bao nhiêu là đủ. Hãy cứ bước và trao những lời yêu thương trước khi quá muộn. Đó là những gì nhóm mình muốn trao gửi đến các bạn trong Ngày của mẹ này”, Chi nói.

Hãy yêu thương mẹ cha nhiều hơn

Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, giảng viên khoa tâm lý giáo dục ĐH Sư phạm TP.HCM, giải thích sự tiếp xúc hằng ngày làm cho nhiều người trẻ cảm thấy cha mẹ mình thật bình thường, thậm chí tầm thường. Vì vậy, nhiều bạn trẻ có thể sẵn sàng gào thét, khóc lóc vì thần tượng, trong khi sự quan tâm đến cha mẹ mình thì quá ít ỏi hoặc là con số không. Từ sự “bình thường hóa” tình cảm cha mẹ dành cho mình, nhiều người trẻ trở nên thờ ơ, vô tâm với những hi sinh cha mẹ đã và đang làm cho mình. Chỉ khi có một biến cố hay điều gì đó tác động mạnh vào cảm xúc thì họ mới có sự thay đổi để biết quan tâm, yêu thương cha mẹ nhiều hơn.

Để xây dựng tình yêu thương với cha mẹ, anh Hiếu gợi ý: “Các bạn hãy tự trả lời cho mình những câu hỏi như: bạn bè có thể nuôi ta một ngày, một tháng, nhưng ai có thể nuôi ta một năm, 10 năm, 20 năm? Bạn bè có thể cho ta ngủ nhờ một đêm, một tuần, nhưng nơi đâu có thể cho ta ở miễn phí suốt đời? Chúng ta có thể cảm kích khi ai đó mua cho ta một bộ quần áo đẹp. Nhưng ai đã nhịn ăn mặc để mua cho ta từng cái tã, tấm khăn?”. Anh Hiếu khuyên bạn trẻ hãy tưởng tượng một ngày nào đó, khi bạn bước về nhà thì căn nhà bỗng trống vắng lạ thường, cha mẹ của mình không còn tồn tại nữa. Bạn sẽ cảm thấy ra sao? Cuộc đời này còn có bao lâu...

Thạc sĩ Phạm Thị Thúy, cố vấn cao cấp hội quán “Các bà mẹ”, cho biết chữ hiếu trong gia đình được xây dựng từ nền tảng đạo đức, từ khi còn trong bụng mẹ. “Dân gian có câu “Con vào dạ mạ đi tu” để nói rằng trẻ cần được thai giáo, giáo dục những hạt giống đạo đức tốt lành từ người mẹ. Sáu năm đầu đời là nền tảng xây dựng nhân cách cho trẻ. Nếu cha mẹ không dạy đạo đức cho con trước 6 tuổi: dạy sự hiếu thảo, biết ơn ông bà tổ tiên, cha mẹ, biết yêu thương mọi người... thì lớn lên rất khó uốn nắn”, chị Thúy nói.

Nhạc sĩ NGUYỄN VĂN CHUNG (tác giả ca khúc Nhật ký của mẹ):

“Mẹ ở vị trí không ai thay thế được!”

Bài Nhật ký của mẹ, Chung sáng tác cách đây vài năm như một món quà đầy ý nghĩa tặng mẹ vào ngày sinh nhật. Những hình ảnh, từ ngữ trong bài hát đều được chắt lọc từ những điều cơ bản nhất mà bất cứ một người mẹ nào trên thế giới cũng đều dành cho con mình, không phân biệt không gian, thời gian, giai cấp, tôn giáo... Đó cũng là những điều Chung được nhận từ mẹ. Trong lòng Chung, mẹ là người yêu thương, quan tâm và bao dung với Chung nhất.

Trong bài hát có câu Này con yêu ơi, con biết không, mẹ yêu con, yêu con nhất đời! được lặp lại nhiều lần. Có thể có nhiều người mẹ ít khi nào nói mẹ yêu con, nhưng câu nói đó lúc nào cũng thường trực trong trái tim và tâm trí của mẹ, để từ đó bất cứ việc gì mẹ làm, bất cứ điều gì mẹ nghĩ cũng đều dành cho đứa con thân yêu của mình.

Khi viết bài hát này, sau khi đã chiêm nghiệm và hiểu ra mọi chuyện, trong lòng Chung mẹ quan trọng biết dường nào. Chung sợ thời gian trôi đi, sợ nhìn thấy mẹ bệnh, sợ thấy mẹ buồn vì phải lo lắng cho Chung và các em, và sợ lắm một ngày nào đó không còn được thấy mẹ nữa... Chung nghĩ sẽ có nhiều người con cùng có suy nghĩ đó với Chung.

NGUYỄN PHƯƠNG TÂM (sinh viên Trường ĐH Luật TP.HCM):

“Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc...”

Mẹ tôi đã qua đời trong ca sinh khó, nhường sự sống này cho chị em tôi. Lúc mất mẹ tôi mới 8 tuổi, chưa đủ ý thức rằng đó sẽ là nỗi mất mát lớn nhất cuộc đời mình.

Sáu năm sau ngày mẹ qua đời, đó là khoảng thời gian tôi suy sụp nhất: không một người bên cạnh chia sẻ những tâm sự của tuổi mới lớn, không ai chỉ dẫn cách ăn nói, cách cư xử, không ai dạy tôi học, không ai la rầy mỗi khi tôi trốn nhà đi chơi, không ai vuốt tóc tôi cho đến khi tôi chìm trong giấc ngủ...

Ngày hay tin mình trúng tuyển vào lớp chuyên, tôi không có mẹ để hòa cùng niềm vui; ngày trượt nguyện vọng 1 đại học, tôi cũng không có mẹ để vỗ về, an ủi. Thường ngày đi học về chung với bạn, các bạn mua đồ ăn về cùng ăn với mẹ, còn tôi mua quà về đặt lên bàn thờ và thắp nén nhang cho mẹ rồi ngồi tủi thân.

Cuộc sống này vô thường biết nhường nào, ngày hôm nay còn được gặp mẹ, biết đâu ngày mai sẽ chẳng còn mẹ ở cạnh bên. Chỉ mong rằng: “Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc...”.

HỮU CÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên