Mùa hè đang đến, những khóa huấn luyện kỹ năng đủ kiểu cũng rục rịch chào đón các bạn nhỏ và các bậc phụ huynh. Trong đó, “Học kỳ trong quân đội” vẫn được đánh giá là sân chơi được chú ý nhất. Năm nay “Học kỳ trong quân đội” có gì mới và các bậc phụ huynh chọn mặt nào để gửi vàng?
Phóng to |
Khóa học kỳ trong quân đội do Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM tổ chức - Ảnh: Q.Linh |
Nghe thật kêu nhưng chính vì vậy càng khiến các bạn học sinh và các bậc phụ huynh thêm rối, không biết chọn nơi nào để tham gia.
Cạnh tranh tìm khách hàng
Học kỳ trong quân đội là gì? Học kỳ trong quân đội là mô hình giáo dục đặc biệt dành cho thanh thiếu niên và có nguồn gốc từ Mỹ và Hàn Quốc, do Trung tâm thanh thiếu niên miền Nam (thuộc T.Ư Đoàn) thực hiện thí điểm lần đầu tiên tại VN năm 2008. Song song với việc áp dụng kỷ luật nghiêm ngặt như môi trường quân đội, nội dung huấn luyện chủ yếu của các khóa học ngắn ngày này là rèn luyện kỹ năng sống, xây dựng tinh thần đồng đội, khám phá giá trị bản thân, giúp hình thành một số thói quen cho học viên. |
Chị Trần Thị Kim Liên - phó giám đốc Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam - cho biết cũng nhận được không ít thư phàn nàn của phụ huynh về việc từng có nơi giới thiệu là đơn vị liên kết với trung tâm để tổ chức học kỳ trong quân đội nhưng lực lượng huấn luyện lại nhuộm... đầu xanh, đầu đỏ và chị cho biết trung tâm chưa từng liên kết với bất kỳ nơi nào.
Một số đơn vị đưa lực lượng vào các siêu thị lớn ở TP.HCM phát tờ rơi quảng cáo. Một đơn vị tư nhân khác sau khi hợp thức hóa việc tổ chức bằng tư cách pháp nhân của một đơn vị sự nghiệp, đã rầm rộ treo băngrôn quảng bá chương trình trên nhiều tuyến đường nhưng chỉ sau vài ba ngày bị buộc gỡ bỏ hết vì chưa xin phép. Bạn Vân Anh (14 tuổi) - học sinh một trường dân lập quốc tế tại TP.HCM - nói: “Trong giờ sinh hoạt chung của trường, có một đơn vị mang chương trình học kỳ trong quân đội giới thiệu với lời lẽ chẳng khác gì quảng cáo sản phẩm trên tivi nên em thấy có vẻ không đáng tin lắm”.
Có một cuộc cạnh tranh ngầm gay cấn giữa các đối thủ cùng tổ chức học kỳ trong quân đội, cho nên có cả những cách chơi xấu của một vài nơi, khai thác sai sót của đối thủ để giành khách hàng.
Không thể là lợi nhuận
Biết nhu cầu muốn gửi “cục cưng” của nhiều phụ huynh vào các khóa huấn luyện rất lớn nên nhiều đơn vị chưa từng dính dáng gì đến giáo dục cũng thi nhau tổ chức học kỳ trong quân đội. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện toàn quốc có đến hơn 60 đơn vị cùng làm dịch vụ này. Do vậy, việc “nhìn nhau” ra giá học phí cũng là một trong những chiêu cạnh tranh quyết định, bên cạnh nội dung và đội ngũ huấn luyện.
Chị Trần Thị Kim Liên cho biết nếu tính toán chi ly thì giá học phí hiện tại khó lòng đáp ứng được. “Nhưng trung tâm không đặt mục tiêu lợi nhuận vì nhiệm vụ làm công tác giáo dục thanh thiếu niên. Do vậy, thường thì các khóa sẽ huề vốn, nếu lỗ thì dùng nguồn thu khác bù vào”, chị Liên nói.
Tương tự, phó tổng đội trưởng TNXP Trường Sơn Lê Thị Ngọc Uyên cũng cho rằng nếu đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu thì đơn vị này đã không thể sống được với “Nhịp bước hành quân” mấy năm qua. “Mỗi năm chúng tôi chỉ tổ chức ba khóa huấn luyện nhưng đầu tư chu đáo để nội dung huấn luyện “thấm” và các em phải chuyển biến hành vi, nhận thức dù chỉ là điều nhỏ nhất khi trở về gia đình”, chị Uyên cho biết. Nhờ uy tín của học kỳ trong quân đội, đơn vị này có được lượng khách hàng tiềm năng cho các dịch vụ khác.
Phó giám đốc Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM Nguyễn Quang Cường cũng xác nhận: vấn đề doanh thu và lợi nhuận cho các khóa huấn luyện học kỳ trong quân đội không phải là tất cả của đơn vị. “Nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng tôi là góp phần cùng xã hội trang bị kỹ năng sống cho thanh thiếu niên TP, đó như một phần sứ mạng. Nhưng do chương trình này tốn kém nên buộc phải có thu để cùng chia sẻ chi phí, đủ ở mức chi cho chương trình”, anh Cường phân tích.
Học phí Học phí các khóa học kỳ trong quân đội rất đa dạng, từ vài triệu cho đến vài chục triệu đồng (dành cho khóa được tổ chức tại nước ngoài). Mức học phí này còn có sự khác biệt khá lớn giữa các đơn vị tư nhân so với các đơn vị, trung tâm trong hệ thống của tổ chức Đoàn. Chẳng hạn cùng huấn luyện tại Khánh Hòa, một đơn vị tư nhân giá thấp nhất 7.200.000 đồng/9 ngày, trong khi Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM là 6.100.000 đồng/10 ngày, còn Tổng đội TNXP Trường Sơn là 6.200.000 đồng/10 ngày (hải quân sơ cấp) và 6.700.000 đồng/10 ngày (hải quân nâng cao); hoặc cùng huấn luyện sáu ngày tại Cần Giờ, Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM có giá 4.300.000 đồng/người, trong khi một đơn vị tư nhân là 5.000.000 đồng/người. |
Kỳ cuối: Chọn nơi để trui rèn
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận