22/04/2012 12:27 GMT+7

Sao cả nhà không cùng "say" thần tượng?

THÁI BÌNH
THÁI BÌNH

TTO - Mình mang nặng đẻ đau, vất vả nuôi nấng, dạy dỗ vậy mà con cái chẳng thèm để ý, lại đi chết mê chết mệt… người dưng, thậm chí còn khóc lóc khi thần tượng gặp chuyện không may.

Đặt thần tượng đúng chỗHâm mộ sao để không cuồng?Chúng tôi không đến mức hóa điênChúng tôi không cuồng!

Không ít cha mẹ ghen tị như thế, nhưng phần đông cha mẹ bối rối khi con trẻ “tan chảy” với thần tượng của mình.

CIec0oTT.jpgPhóng to

Các bạn trẻ chen lấn, gào thét tên thần tượng trong đêm diễn của nhóm Big Bang ngày 14-4 - Ảnh: Thuận Thắng

Khi thần tượng vào nhà

Là một người hâm mộ cuồng nhiệt của “công chúa bong bóng” B.T., cô con gái học lớp 9 của chị Bích Ph. (giám đốc một doanh nghiệp tư nhân ở quận 3, TP.HCM) gần như copy y chang thần tượng của mình từ quần áo, tóc tai đến cách nói chuyện. Chị kể cô bé còn sưu tầm không thiếu thứ gì liên quan đến thần tượng kể cả… chai lăn nách mà B.T. dùng trong một mẩu quảng cáo.

Một chuyên viên tham vấn học đường chia sẻ câu chuyện nữ sinh lớp 8 tên Hoàng H. (quận 1) than thở buồn tận đáy lòng vì bạn trai cùng lớp không chịu làm “thiên sứ mưa”. H. rất mê ca sĩ “công chúa dâu tây”, thấy ca sĩ này hay hát cặp với ca sĩ “thiên sứ mưa” nên cô muốn được giống như thần tượng nhưng không được đáp ứng. “Đã vậy, mẹ còn gỡ hết ảnh của công chúa dâu tây trong phòng, chẳng ai hiểu cháu cả” - chuyên viên tâm lý lặp lại lời tâm sự của cô bé.

Cũng vậy, bạn Tuyết H., học lớp 10 tại quận 5, mê mẩn ca sĩ T.H. đến mất ăn mất ngủ. Hễ nghe tin ca sĩ này biểu diễn ở tụ điểm nào là H. lại trốn học đến xem cho bằng được. Cô bé còn tặng hoa và những món quà xinh xinh mà cô đã bỏ không biết bao nhiêu thời gian chọn mua. Bị ba mẹ la rầy nhiều lần vì trốn học và “chôm” tiền nhà, H. đã bỏ nhà đi bụi. Ngày 5-4, cô bé đã quay về nhà vì…hết tiền xài và được mẹ đưa đến gặp chuyên viên tâm lý.

Chị Quỳnh Ng. (quận 1) cho biết hình ảnh của ca sĩ Bi Rain được con chị sưu tầm dán đầy trong tập sách, phòng ngủ, trên điện thoại. Mỗi lần bạn gọi đến, cô bé học lớp 9 này lại “tám” say sưa về cách ăn mặc, chuyện yêu đương, cảnh quay trong phim… của thần tượng. Cô bé còn viết trên trang Facebook: “Người cho tôi cuộc sống và nuôi tôi khôn lớn là ba mẹ, nhưng người làm tôi thấy cuộc sống này đẹp và có ý nghĩa là Bi Rain”.

Trong khi đó, cô con gái học lớp 10 của chị Tường L. (quận 4) lại ấp ủ trở thành người yêu của một chàng diễn viên Hàn điển trai, nhưng hình ảnh anh này tay trong tay với bạn gái đăng tải trên mạng mới đây đã khiến cô bé hụt hẫng. Bà mẹ lo lắng: “Con bé khóa cửa một mình trong phòng suốt hôm qua”.

Đừng chia rẽ, hãy 'say" chung

Các chuyên viên tham vấn cho rằng việc con trẻ thần tượng ai đó là quy luật tâm lý tự nhiên, và điều này cũng tốt nếu trẻ hướng tới những giá trị tích cực của thần tượng. Tuy nhiên, nếu con trẻ có hành vi “cuồng” vì thần tượng thì cha mẹ cần định hướng.

Theo chuyên viên tâm lý - trị liệu Lê Thị Minh Hoa, nếu cha mẹ vì nôn nóng muốn thay đổi mà vội “đánh úp”, buộc trẻ từ bỏ thần tượng của mình thì trẻ sẽ tìm cách đối phó hoặc có hành vi phản kháng nông nổi. “Cách ứng xử không khéo sẽ khiến trẻ nghĩ rằng cha mẹ quá…cổ lỗ sĩ và không thương chúng”.

Theo bà Hoa, trẻ thần tượng ai đó có khi chỉ vì làm theo đám đông quanh trẻ. Dưới mắt trẻ, trong lúc “cả thế giới” cùng mê mệt ai đó mà cha mẹ dửng dưng thì đúng là lạc hậu rồi. Và việc trẻ thần tượng ai đó là chuyện riêng, bạn bè cũng thế, cha mẹ không thương nên mới ngăn cản. Chưa hết, thần tượng của trẻ hay ho thế này thế nọ, cha mẹ biết gì đã vội chê bai?

Cách ứng xử khôn ngoan là cha mẹ tạm chấp nhận để về cùng phe với trẻ. Thay vì chê ỏng chê eo, cha mẹ thử nghe loại nhạc của con, cố tìm những cái hay trong một số giai điệu, ca từ nào đó để cùng “say” với con trẻ. “Dần dà cha mẹ có thể chêm vào những loại nhạc khác để cùng con khám phá” - bà Hoa nói.

Cũng vậy, cha mẹ hãy thử cùng “say” với thần tượng của con, cả nhà cùng tìm hiểu những cái hay của thần tượng để hướng tới và làm theo. Song song đó, cả nhà cũng “soi” cả những cái chưa tốt, đặc biệt là những hành xử chưa hay của thần tượng, để qua đó giúp trẻ hiểu rằng thần tượng không hoàn hảo, đặc biệt khi họ là con người thật giữa cuộc đời thiếu ánh hào quang sân khấu. “Biết rõ như vậy trẻ sẽ không sốc nặng nếu thần tượng sụp đổ” - bà Hoa nói.

Theo TS Nguyễn Thị Bích Hồng, bạn trẻ nào cũng muốn mình là “người tốt”, do đó cha mẹ cần động viên trẻ không biểu hiện hành vi thái quá dễ gây dị ứng với người chứng kiến, thậm chí khiến thần tượng phải ngượng ngùng hoặc bị giảm sút giá trị đối với những người không hâm mộ.

TS Bích Hồng lưu ý cha mẹ hiểu nhu cầu “được là chính mình” để động viên trẻ gác lại mong muốn được chiếu sáng bởi ánh hào quang của thần tượng mà nỗ lực vươn lên dần khẳng định giá trị bản thân, vượt qua “cái bóng” của thần tượng và trở thành thần tượng mới cho “đàn em” noi theo. Ở góc độ khác, cha mẹ cần chủ động tăng cường “thực đơn” về những gương tốt để con trẻ dàn trải cảm xúc với nhiều nhân tài khác nhau và sáng suốt hơn trong việc lựa chọn, đề cao thần tượng của mình.

THÁI BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên