![]() |
Từ phải qua: Kim Xuân, David Tran, tiến sĩ Brian Ostrowski và Chris Tran - những người tình nguyện thực hiện sách nói tại phòng thu Jet Studio - Ảnh: Tố Oanh |
Từ đây, câu chuyện sống đẹp của Công dân trẻ TP.HCM Lê Thanh Thúy và tình yêu thương ấm áp của cộng đồng dành cho bệnh nhi ung thư thêm lan tỏa bởi những tấm lòng tình nguyện.
Vừa dịch vừa rơi nước mắt
"Cuối năm 2010, lần đầu cầm bản tiếng Việt tập sách Xin hãy cho con thêm thời gian! mình suy nghĩ nhiều lắm. Vì sao không có thêm bản tiếng Anh? Rất nhiều người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại VN, tập sách sẽ là thông điệp để họ hiểu hơn về sự chia sẻ rất nhân văn của người VN" - bạn Nguyễn Thị Thanh Hằng (26 tuổi), giảng viên đại học ở Hà Nội, chia sẻ.
Ngay hôm sau, chương trình "Ước mơ của Thúy" đã nhận được đề nghị từ Hằng tham gia tình nguyện dịch tập sách. Bắt đầu từ tháng 3-2011, tranh thủ những giờ rảnh ít ỏi đêm khuya, cuối tuần, Hằng bắt tay vào dịch sách.
Hằng tâm sự: "Tôi là người cứng rắn, nhưng nước mắt cứ ướt nhòe theo từng trang sách dịch. Sau mỗi trang sách, tinh thần sống của Thúy, của các bệnh nhi lại chảy trong tôi". Ðể văn phong mượt mà, đúng ngữ pháp... Hằng nhờ thêm thầy Gene Peacock - giảng viên đại học tại bang North Carolina (Mỹ), bạn Hans Anderson - giảng viên Ðại học FPT tại Hà Nội, hiệu đính.
Ở miền Nam, bạn Phạm Thị Hồng Vân - nguyên phóng viên báo Tuổi Trẻ, cùng bạn Lilian Forsyth (công tác tại Tổ chức Liên kết Thái Bình Dương chuyên về chống buôn bán phụ nữ tại VN) - là người Mỹ nhưng rất giỏi tiếng Việt - cũng bắt tay vào chuyển ngữ tập sách. Vừa dịch vừa hiệu đính, những bức email qua lại giữa các bạn cứ chồng dày lên.
Lilian chia sẻ: "Tôi tự hào là một trong những sứ giả đem tập sách xúc động này đến với cộng đồng nói tiếng Anh trên cả nước và khắp thế giới. Mong rằng bản dịch này sẽ mở ra một cánh cửa cho họ đến được trái tim và tâm hồn của đóa hướng dương Lê Thanh Thúy và những nhân vật xung quanh cô bé...".
Vào những ngày cuối cùng của tháng 9-2011, từ nước Mỹ xa xôi và hai miền Nam - Bắc, vạn con chữ về đóa hướng dương Lê Thanh Thúy, về các bé bệnh nhi ung thư đã được kết nối lại trong tình yêu thương.
Phòng thu cũng rưng rưng
"Mình sẽ xin nghỉ làm một tháng để tham gia điều phối dự án làm ghi âm cho tập sách" - bạn Nguyễn Thị Kim Xuân, hướng dẫn viên du lịch cho người nước ngoài, đã tuyên bố ngay khi được biết về kế hoạch thu âm sách. Phòng thu Jet Studio (quận 10, TP.HCM) cũng vào cuộc: "Từ sáng đến tối, bất cứ giờ nào phòng thu cũng dành chỗ miễn phí". Như con thoi tất bật, cô gái nhỏ nhắn Kim Xuân làm việc không ngừng nghỉ để sách nói kịp ra đời vào dịp kỷ niệm bốn năm ngày mất của Thúy.
Từ kết nối của Kim Xuân, tiến sĩ Brian Ostrowski - giảng viên Trung tâm đào tạo quốc tế Ðại học Quốc gia TP.HCM (thầy của Xuân), Toni M. Lee (bạn thân của Xuân), hay những người tình nguyện nước ngoài từng vào Bệnh viện Ung bướu thăm bệnh nhi như Amy Moyers (người Mỹ), Agnieszka Werbinska Siergiej (người Ba Lan), thầy Timothy Ugoeke Iheanacho (đến từ Nam Phi), và những người chưa biết đến chương trình "Ước mơ của Thúy" như hai anh em Việt kiều David Tran và Chris Tran, phó đạo diễn Jenni Trang Lê... đã bớt một ít thời gian tất bật của mình đến phòng thu.
Buổi nào phòng thu cũng rưng rưng nước mắt người đọc sau những con chữ nhiều cảm xúc. Giọng tiến sĩ Brian cứ nghèn nghẹn khi đọc những giây phút cuối đời của Thúy... Dẫu là những bài rất vui như những chuyến đi chơi dã ngoại, bệnh nhi đi giao lưu với đội tuyển bóng đá quốc gia, người đọc thể hiện hết sức sôi nổi, vui tươi nhưng rời micro là sự lặng im, suy tư.
"Tinh thần chiến đấu với bệnh tật và sự lạc quan yêu đời của Thúy khiến tôi thấy mình nhỏ bé" - Amy Moyers - Knopp chia sẻ. Còn Agnieszka tâm đắc: "Tinh thần sống của Thúy là một lời nhắc nhở với cuộc sống vốn ngắn ngủi. Không ai biết điều gì sẽ xảy ra trong tương lai, hãy sống hết mình và sống có ích với ngày mình được sống".
(*) Sách do Tủ sách Tuổi Trẻ và Nhà xuất bản Trẻ ấn hành, sẽ ra mắt bản tiếng Anh vào sáng 9-11-2011 tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ.
13-11 - Ngày hội hoa hướng dương Nhân bốn năm ngày mất của Công dân trẻ TP.HCM - “đóa hướng dương” Lê Thanh Thúy, cũng là bốn năm hoạt động chương trình “Ước mơ của Thúy” hỗ trợ bệnh nhi ung thư, báo Tuổi Trẻ phối hợp với Hội Liên hiệp thanh niên Hà Nội và TP.HCM, Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM, Nhà văn hóa Sinh viên học sinh Hà Nội cùng nhóm Chắp cánh ước mơ tổ chức Ngày hội hoa hướng dương “Vì bệnh nhi ung thư” 2011.
Ngày hội sẽ cùng lúc diễn ra từ 8g30-21g30 ngày 13-11 tại Nhà văn hóa Sinh viên học sinh Hà Nội (37 Trần Bình Trọng, Q.Hai Bà Trưng) và Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM (4 Phạm Ngọc Thạch, Q.1), với nhiều hoạt động: cộng đồng làm hoa hướng dương bằng giấy kết thành cánh đồng hoa yêu thương và bán gây quỹ giúp bệnh nhi ung thư; triển lãm giới thiệu câu chuyện xúc động của Công dân trẻ TP.HCM Lê Thanh Thúy và hoạt động “Ước mơ của Thúy” bốn năm qua; trao học bổng cho 70 bệnh nhi ung thư đã qua giai đoạn duy trì (tái khám 1-6 tháng/lần) hoặc khỏi bệnh hẳn (qua duy trì năm năm) có hoàn cảnh khó khăn, nhằm hỗ trợ các bé đến trường và trở lại bệnh viện tái khám; thăm và tặng quà cho hơn 400 bệnh nhi đang điều trị ung thư tại các bệnh viện ở Hà Nội và TP.HCM.
Sau khi bài “Bệnh nhi ung thư trở lại trường học” được đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày 7-11, chương trình đã nhận được sự ủng hộ của chị Nguyễn Kim Hoa (cư xá Đô Thành, Q.3, TP.HCM) hai suất học bổng (1 triệu đồng), Trường đại học Saigon Tech ba suất học bổng (15 triệu đồng), chi nhánh phía Nam - Công ty cổ phần ximăng Cẩm Phả sáu suất học bổng (30 triệu đồng) và 110 suất quà (trị giá 26,5 triệu đồng).
Mời bạn đọc cùng tham gia đóng góp học bổng cho bệnh nhi tại phòng tiếp bạn đọc báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, hoặc tài khoản báo Tuổi Trẻ số 102010000118248 tại Ngân hàng Công thương chi nhánh 3 TP.HCM. Mỗi hoa hướng dương có giá trị tương đương 10.000 đồng được bán tại ngày hội để gây quỹ giúp bệnh nhi ung thư, bạn đọc có thể đăng ký mua hoa ngay bây giờ qua số điện thoại 0938070187.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận