Phóng to |
Vui chơi vùng sông nước là lựa chọn yêu thích của không ít bạn trẻ khi hè về - Ảnh: Hoài Nam |
Dịp hè sắp đến, các bạn trẻ đang hào hứng với nhiều kế hoạch vui chơi hấp dẫn và những địa điểm thường được ưu tiên lựa chọn là vùng sông nước, biển cả… Và tâm lý “mê chơi quên an toàn” của tuổi trẻ sẽ làm nguy cơ gặp thủy nạn tăng cao nếu không có sự chuẩn bị kỹ càng.
Thuyền chìm, tính sao đây?
Một dịch vụ đặc biệt thu hút giới trẻ sống ở thành phố khi tham gia những chuyến du lịch dã ngoại miền sông nước là được tự tay mình cầm mái chèo để thử cảm giác chinh phục sông nước.
Nhưng quá trình chinh phục ấy không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, rủi ro có thể ập đến bất cứ lúc nào. Một trong những rủi ro hoàn toàn có thể xảy ra đó là lật thuyền. Trong trường hợp đó, cách xử trí phù hợp nhất là gì?
Một chiếc thuyền nhỏ trung bình có thể chở được 6-8 người. Trong một khóa học kỹ năng sống tổ chức tại khu du lịch Bò Cạp Vàng (Đồng Nai), học viên trong độ tuổi từ 12-16 đang tận hưởng cảm giác lần đầu được làm quen với ghe thuyền, được tự tay cầm mái chèo đưa nhóm bạn lướt trên làn nước thì bất ngờ thuyền bị… nước tấn công.
Học viên bắt đầu hoảng loạn dù đã được trang bị áo phao. Các em không biết rằng tình huống này đều do các chuyên viên phụ trách khóa học cố tình thử thách để xem phản ứng của các bạn trong tình huống “ngàn cân treo sợi tóc”.
Các bạn trẻ bắt đầu hì hục tát nước, càng tát càng làm thuyền bị nghiêng và nước tràn vào mỗi lúc một nhiều hơn. Mặt ai cũng xanh lét như tàu lá chuối. Đâu đó có tiếng la thất thanh: “Chết rồi thầy ơi, thuyền chìm rồi, làm sao đây thầy?".
Vừa dứt lời, chiếc thuyền chìm hẳn… Lúc này chuyên viên phụ trách mới hướng dẫn: “Các em bình tĩnh, tản ra hai bên mạn thuyền”. Dù còn luống cuống nhưng các em cũng răm rắp làm theo.
Lúc này thuyền đã chìm ngang hẳn với mặt nước. Tuy nhiên, đặc tính của thuyền làm bằng gỗ loại nhỏ là không bao giờ chìm hẳn xuống mà lúc nào cũng lơ lửng ngang mặt nước. Biết được đặc tính này, các em chỉ cần chia nhau đứng hai bên mạn thuyền và lắc thuyền qua, lắc thuyền lại thật mạnh, khoảng 10 lần là nước văng ra ngoài theo lực quán tính, thuyền sẽ tự động nổi trở lại mặt nước.
Có kỹ năng để hạn chế nói "giá như"
Một kỹ năng xử lý sự cố đơn giản nhưng lại không nhiều người biết. Điều đó cho thấy biết bơi là một chuyện nhưng nếu thiếu kiến thức và kỹ năng sống, đặc biệt kỹ năng cấp cứu thủy nạn, thì bạn trẻ vẫn dễ dàng gặp nguy hiểm.
Các bậc phụ huynh vì thế cần tạo điều kiện trang bị cho con nhiều kiến thức và kỹ năng sống, đặc biệt kỹ năng ứng phó những tình huống nguy hiểm, để trẻ có thể tự bảo vệ mình trước những hiểm nguy, tự tin đối đầu với những thách thức ngày càng gai góc của cuộc sống. Chính những "hành trang" ấy sẽ góp phần giúp chúng ta hạn chế nói hai từ “giá như” đầy nuối tiếc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận