20/03/2011 08:56 GMT+7

Nghị lực của Quy

MINH KIỆT
MINH KIỆT

TT - Quy chưa bao giờ khóc, Quy không cho phép mình khóc. Kể từ ngày mẹ cho Quy kiếp người, Quy biết mình phải sống bằng nghị lực, dẫu phải lết thân mình dưới đất lạnh, dẫu phải đập đầu bộp bộp vào tường khi lấy chân cầm bút, dẫu phải dùng chút hơi tàn để lắc chiếc xe đi bán nhang nuôi sống bản thân.

N040xsR8.jpgPhóng to

Quy bên một bức vẽ của mình - Ảnh: Trọng Đài

Chàng trai 22 tuổi Nguyễn Thế Quy (thôn Xuyên Tây 3, thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên, Quảng Nam) đã cho thấy nghị lực sống đáng trân trọng.

Khát khao chữ nghĩa

Ba mẹ ly dị từ khi Quy còn nhỏ. Quy sống với bà cô già, mọi tình cảm của cô dành cho Quy như mẹ dành cho con. Nhưng Quy nói không bao giờ trách mẹ. Điều đó Quy thể hiện trong bài thơ Cô và mẹ.

Nghệ sĩ Ngọc Sang (hiện đang sống ở Sài Gòn) thỉnh thoảng về quê chơi và rất thích thơ Quy. Ông bảo: “Thơ của Quy không hay, không trau chuốt nhưng thấm đẫm tình người. Thơ Quy đầy nghị lực, đầy tình yêu thương và chân chất như chính con người Quy. Một chàng trai chưa từng được đến lớp, chưa từng được cha mẹ yêu thương, chưa từng nắm tay cô gái nào mà lại viết nên những vần thơ đầy yêu thương.

Điều đó khiến tôi và các đồng nghiệp khâm phục Quy hơn bao giờ hết. Và điều kỳ lạ, mỗi lần đọc thơ Quy, nói chuyện với Quy tôi lại có dịp nhìn lại chính bản thân mình, nhìn lại sự đủ đầy của cuộc đời mình mà thấy Quy thật mạnh mẽ, thật yêu đời...”.

Tôi gặp Quy tình cờ như bao người đi trên đường. Hình ảnh chàng trai quặt quẹo, nằm ngửa mặt lên trời dùng đôi chân còng queo yếu ớt lắc chiếc xe lăn chở đầy nhang đi bán luôn nhận được nhiều ánh mắt yêu thương. Nhưng đừng vì lòng thương hại mà cho Quy tiền, Quy không muốn như vậy.

Quy đầy tự tin cũng như tự trọng để sống một cách đàng hoàng bằng chính sức lao động của mình. Đừng làm tổn thương Quy vì ngay từ khi mới lọt lòng Quy đã biết mình phải sống, phải biết không khóc để vươn lên mà sống. Vì thế Quy sẽ luôn cười, nụ cười không bao giờ tròn môi nhưng luôn chân thành và đầy khát vọng sống.

Di chứng của chất độc da cam ở chiến trường Campuchia khiến con trai đầu lòng của gia đình ông Nguyễn Thế Quyền lúc mới sinh ra đã chết lặng hơn 30 phút rồi mới thở.

Niềm tin vào phép mầu vỡ vụn khi đến 30 tháng Quy vẫn chưa biết ngồi, khuôn mặt méo xệch, chân tay cong vòng, gặp lúc trở trời là lên cơn động kinh rút lại đến tận cùng. 6 tuổi, khi mọi đứa bạn cùng trang lứa đến trường thì Quy vẫn là hình hài bất động, cha mẹ đặt đâu ngồi đó.

Rồi một ngày tiếng các bạn đọc bài từ ngôi trường gần nhà như đánh động cả tâm thức Quy. Anh bắt đầu lết, người xoay tròn, trán chảy máu ròng ròng vì đụng đầu vào cửa, vào bàn.

Hành trình lết từ nhà đến Trường tiểu học Trần Phú là cả chặng đường gian nan với khát khao được đọc, được viết như các bạn. Rồi lại tủi lắm khi với thân hình đó Quy không thể nào được cho ngồi cùng lớp với bạn bè, anh mếu máo xin thầy cô cho ngồi ở cửa lớp để được học cái chữ a, b, c, được làm toán.

Những gièm pha, dè bỉu của bạn bè vẫn không ngăn được Quy. “Có hôm trời lạnh lắm nhưng Quy vẫn ngồi tím tái dưới đất để nghe từng lời tôi giảng. Có hôm Quy làm cả lớp nhốn nháo khi lăn đùng ra đất chỉ vì cố gắng lấy chân kẹp cái tay cầm bút. Có hôm đến trường mặt mày Quy sưng húp vì thức cả đêm tập viết. Cả đời dạy học, tôi chưa bao giờ thấy ai kiên nhẫn và khát khao được học chữ như Quy. Khi các bạn đã về hết, Quy vẫn ngồi ở cửa lớp để chờ tôi giảng thêm vài phép tính, và tôi khẳng định Quy là cậu học trò sáng dạ nhất của tôi” - cô Nguyễn Thị Thắm, giáo viên Trường tiểu học số 2 Nam Phước (xưa là Trường tiểu học Trần Phú), nói về cậu học trò đặc biệt của mình.

Chỉ sau hai năm Quy đã thành thạo từng con chữ, từng phép toán, duy chỉ có việc cầm bút để viết với Quy là cả quá trình dài (mỗi lần viết, Quy dùng chân phải cong vòng kẹp tay phải bị co rút để viết. Tay trái của Quy phải đưa sang ngang để giữ thăng bằng cơ thể. Rồi khi không kiểm soát được mình, Quy lăn đùng ra đất hay đập đầu vào tường.

Mở toang cánh cửa cuộc đời nhờ thơ

22 năm, Quy sống một cuộc đời ý nghĩa hơn khi từng con chữ cứ theo Quy làm thành những vần thơ. “Tôi không bao giờ trách ai cả, cũng từng tự hỏi vì sao tạo hóa lại cho tôi thân hình như vậy. Rồi đến khi tôi tìm thấy những vần thơ. Khoảng không gian của tôi không còn ở trong căn nhà tranh chật hẹp mà được mở toang, tôi khát khao được nhìn ngắm thế giới bên ngoài. Tôi làm thơ, tự thấy mình đang yêu, được yêu. Tôi thấy mình là sinh viên, được chạy trên đường bằng chính đôi chân của mình...” - Quy tâm sự trong tập thơ của mình.

Đọc những bài thơ của Quy, ngoài tình yêu dành cho quê hương, gia đình còn có tình yêu đôi lứa mộc mạc chân thành. Tôi hỏi Quy đã yêu chưa? Quy cười bẽn lẽn rồi trả lời: “Không dám yêu vì sợ làm khổ người ta lắm. Mình nuôi thân mình còn chưa xong mà”.

Bà Nguyễn Thị Nhân - cô ruột của Quy, người sống cùng với Quy bây giờ - chặm chặm nước mắt rồi nói: “Cha mẹ nó ly dị, tui sống một mình nên nhận nuôi nó. Nó là cái thằng tình cảm và biết thương cô lắm. Tui cũng chưa bao giờ thấy nó than thở về số phận của mình. Ban ngày đi bán nhang, đêm về chong đèn đọc sách, viết thơ. Khi nào bút chì gãy mũi là tui gọt cho nó, rồi xức dầu cho nó khi cái đầu u một cục vì đập vào tường. Thương nó lắm!”.

Thế giới của Quy là Truyện Kiều, truyện Lục Vân Tiên và những điển tích, lịch sử. Quy khoe anh thuộc làu làu 3.254 câu thơ trong Truyện Kiều, thích tinh thần nhân nghĩa trong truyện Lục Vân Tiên...

Hơn 100 bài thơ của Quy được in trong tập thơ Khát vọng thấm thía tình người, tình yêu và đặc biệt khiến người đọc ngạc nhiên bởi vốn từ rất phong phú. Quy sử dụng từ Hán Việt rất chuẩn và không bao giờ viết sai chính tả. Ve Sầu là bút danh của Quy: “Tôi muốn như con ve dùng hết sức mình để hát rồi chết cũng được. Ve sầu chứ tôi không sầu cho cuộc đời mình bao giờ cả”.

Sống yêu đời và luôn mơ ước

Chính vì không tự ti, Quy đã tự động tìm các bạn khuyết tật để kết bạn. Nghĩ mình là thanh niên không thể ăn bám người cô già nua, Quy suy nghĩ, tìm tòi và vẽ một chiếc xe lăn dành riêng cho mình. Chiếc xe được một người bà con thương tình tài trợ chi phí lắp ráp. Có chiếc xe đó, Quy rong ruổi khắp các ngả đường bán nhang.

Nhang Quy bán có thể không thơm nhưng chính nghị lực của anh đã khiến nhiều người dừng chân lấy một thẻ nhang và bỏ tiền vào ống cho Quy. Bất kể ngày mưa hay ngày nắng, Quy dùng đôi chân yếu ớt của mình để lắc xe đi bán, cái đầu ngoặt qua bên cùng với việc dồn sức cho đôi chân khiến nhiều khi Quy không làm chủ được chiếc xe.

“Có hôm tự dưng thấy Quy cho xe ra giữa đường khiến ai cũng thót tim. Rồi có khi nhìn thấy Quy nằm bất động trên xe giữa trời lạnh buốt. Vì đôi chân yếu quá nên không lắc nổi chiếc xe đi, có khi Quy bị lên cơn động kinh giữa chừng. Khổ cực là vậy nhưng cho tiền Quy không nhận đâu, Quy nói như vậy sẽ khiến Quy thấy mình là người tàn phế, hãy để Quy làm việc bằng chính sức của mình” - anh Nguyễn Đức Cường, chủ quán cà phê Cội Nguồn, người thành lập câu lạc bộ người khuyết tật ở Duy Xuyên, nói về Quy.

Anh Cường cho biết thêm: “Hiện Quy đã tự thiết kế cho mình một chiếc xe lăn chạy bằng điện để giảm thiểu việc dùng sức cho đôi chân. Bản vẽ có rồi nhưng chưa tìm được người nhận làm cũng như tài trợ về chi phí”.

Quy nói: “Chẳng có việc gì là khó khăn cả. Một khi đã vượt qua chính nỗi đau về thể xác, Quy sẽ luôn sống sao cho thật ý nghĩa, sẽ luôn yêu mọi thứ xung quanh mình và luôn mơ ước tương lai tươi đẹp, dẫu chặng đường đó còn lắm gian nan”.

Cô và mẹ

csUdujxm.jpgPhóng to
Quy bên chiếc xe lắc tay đi bán nhang Ảnh: Trọng Đài

Mẹ về giữa giấc mơ khuyaHôn tôi và bón từng thìa cơm ngonBàn tay nắng cháy héo honÔm tôi thật chặt thấy còn xa xôi

Tôi ôm mẹ. Mẹ ôm tôiMẹ ru mẹ hát như thời ấu thơĐêm khuya sương lạnh sao mờThân gầy lặn lội kịp giờ chợ đông

Mồ hôi mẹ đổ ngập đồngMẹ là mưa hạ nắng đông ngập trờiMuốn ôm mẹ mãi không rờiGiấc mơ bừng tỉnh vẫn lời dịu êm

Bàn tay gầy như gầy thêmÔm tôi thật chặt suốt đêm không rờiTôi thầm gọi mẹ, mẹ ơiMẹ đi biền biệt từ thời còn thơ

Dáng hình mẹ ở trong mơPhải chăng đó chính là bờ vai côThân mòn tiều tụy héo khôKhông con sao vẫn lao đao tảo tần

Thay mẹ hôm sớm đỡ đầnNắng mưa sương gió nhọc nhằn nào thanTình cô ấm áp chứa chanMười ngày chín tháng mẹ mang trong lòng

Nghĩa mẹ rộng lớn mênh môngƠn cô tựa núi biển đông tựa trời.

MINH KIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên