Khởi động hành trình về nguồn “Ngọn lửa tuổi trẻ”
Phóng to |
Cựu TNXP Truông Bồn, Lam Hạ, biên giới Tây Nam gặp nhau tại ngã ba Đồng Lộc - Ảnh: Việt Dũng |
Đất nước thời chiến tranh có hàng vạn cô gái như thế đã ngã xuống. Là 10 cô gái ở trận địa pháo Lam Hạ (Phủ Lý, Hà Nam). Là 11 cô gái ở cung đường Truông Bồn (Đô Lương, Nghệ An). Là những cô gái ở hang “Tám cô” trên đường 20 Quyết Thắng (Bố Trạch, Quảng Bình)... Tuổi 20 của họ như câu thơ của nhà thơ Thanh Thảo trong trường ca Những người đi tới biển: “Tuổi 20 ai mà chẳng tiếc/Nhưng ai cũng tiếc tuổi 20 thì còn chi Tổ quốc...”.
Những người còn ở lại...
Tối nay (6-3), từ 20g-21g30, tại vườn hoa Lý Tự Trọng, TP Hà Tĩnh diễn ra chương trình giao lưu nghệ thuật “Ngọn lửa tuổi trẻ” do báo Tuổi Trẻ và Tỉnh đoàn Hà Tĩnh phối hợp tổ chức. Chương trình có sự tham gia của các sinh viên Trường ĐH Văn hóa nghệ thuật quân đội và Đoàn nghệ thuật Quân khu IV, được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài PT-TH tỉnh Hà Tĩnh và Đài ĐN2. L.Đ.D. |
Nhìn gương mặt chị Trần Thị Thông - người nữ TNXP Truông Bồn (Nghệ An), người may mắn sống sót trong trận bom định mệnh (xảy ra sau sự kiện Đồng Lộc đúng 100 ngày) làm 11 đồng đội nữ của chị hi sinh - khi xem những thước phim về Đồng Lộc thời đạn bom, chúng tôi biết chị đang đau đớn với ký ức về sự ngã xuống của các đồng đội.
Anh Nguyễn Văn Tấn và chị Nguyễn Thị Lý có lẽ là những cựu TNXP đến từ nơi xa nhất và từng công tác ở mặt trận xa nhất - mặt trận Campuchia. Câu chuyện mà họ mang tới ngã ba Đồng Lộc chiều qua cũng bi tráng như câu chuyện từ Lam Hạ, Truông Bồn... Họ chính là hai TNXP còn sống sót trong buổi ban mai đẫm máu gần 32 năm trước sau một trận tập kích của Pol Pot ở Svay Rieng (Campuchia). 24 đồng đội TNXP của anh Tấn và chị Lý ngã xuống, còn anh chị may mắn trở về đời thường với nhiều thương tích trên thân thể.
Ngọn lửa bất tử...
Cũng như chị Thông từ Truông Bồn, chị Nhàn, chị Mạn từ Lam Hạ, anh Tấn và chị Lý trở về cuộc sống hậu chiến với những lo toan rất đời thường. Anh Tấn với thúng bánh tiêu nuôi cô con gái duy nhất học hành. Chị Lý thì đã tròn trách nhiệm nuôi nấng hai con gái, giờ dành thời gian nấu cơm từ thiện ở Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). Nhưng những câu chuyện đời thường ấy không làm họ quên được một điều: đó là từ Đồng Lộc, Lam Hạ, Truông Bồn hay Svay Rieng, máu của họ từng hòa với máu thịt của rất nhiều đồng đội. Và hôm nay, họ chung nỗi niềm mà khi gặp nguồn mạch khơi gợi đều có chung những “phản xạ” giống nhau. Anh Tấn bùi ngùi kể nhiều đoàn làm phim đã mời anh và chị Lý trở lại Svay Rieng để quay những thước phim kể lại cái ngày bi tráng của 32 năm trước. “Nhưng lần nào cũng vậy, chỉ mình tui qua được bển, chị Lý mới tới đầu biên giới đã ngất xỉu vì không chịu nổi ám ảnh của ký ức...”.
Và ở Đồng Lộc chiều qua không chỉ có những câu chuyện bi tráng, những “phản xạ” giống nhau. Vẫn thấy những giọt nước mắt rưng rưng từ chị Lý, chị Nhàn, khuôn mặt như đanh lại của anh Tấn khi dâng hương những đồng đội ở Đồng Lộc. Nhưng giữa không gian đặc quánh ký ức ấy, họ còn có cả nỗi mừng tủi của cuộc hội ngộ. Chưa ai biết nhau, chưa một lần gặp nhau nhưng nói như chị Lý: “Gặp lại các chị ở Lam Hạ, Truông Bồn cũng như gặp được 24 đồng đội của mình năm đó”. Và những câu chuyện khác nhau rất nhiều về thời gian và không gian ấy đã mau chóng trở thành mối gắn kết giữa họ trong lần hội ngộ đầu tiên ở Đồng Lộc.
Anh Đặng Đình Thích, giám đốc Ngân hàng VP Bank tại Hà Tĩnh, đại biểu đại diện khối doanh nhân trẻ tham gia hành trình, đã tâm sự rất chân thành khi nói rằng tham gia cuộc hành trình hôm nay đã khiến anh hiểu hơn về quá khứ, bởi thế hệ của anh sinh ra, sự khốc liệt của chiến tranh đã kết thúc. Những con người chỉ gặp trong trang sách, trong câu hát, trong những bài báo, nay được vinh dự gặp gỡ. Như anh hùng Lê Mã Lương, như nhạc sĩ Doãn Nho, như nhà sử học Văn Tùng, như những cựu TNXP đã dâng hiến tuổi xuân cho độc lập tự do của Tổ quốc... Nhìn vào họ, thế hệ trẻ như anh được tiếp thêm niềm tin để bền lòng bước tới.
Đó cũng là tâm thế của cuộc hành trình hôm nay, bằng chính sự hi sinh của những người ngã xuống và những đồng đội đang sống, để thổi bùng lên ngọn lửa tuổi trẻ rằng sự hi sinh và dâng hiến cho đất nước là bất tử!
Lan tỏa “Ngọn lửa tuổi trẻ” Những câu chuyện xúc động của quá khứ và hiện tại sẽ được kể trong chương trình “Ngọn lửa tuổi trẻ” diễn ra tối 6-3 tại quảng trường Lý Tự Trọng (TP Hà Tĩnh). Nhạc sĩ Đức Trịnh - tổng đạo diễn chương trình - chia sẻ: “Chương trình “Ngọn lửa tuổi trẻ” không chỉ nói về anh Lý Tự Trọng mà còn là câu chuyện về những nhân chứng lịch sử nổi tiếng. Đó là anh hùng Lê Mã Lương với lý tưởng “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”, là những cô gái TNXP trên trận địa pháo Lam Hạ (Hà Nam), Truông Bồn (Nghệ An)... Chúng tôi cũng kể về mảnh đất của những “cô gái sông La” (Hà Tĩnh). Trong chương trình, hình ảnh người con gái sông La sẽ được tái hiện qua giọng hát của ca sĩ Hồng Hạnh - một cô gái sông La của hiện tại. Điều bất ngờ chúng tôi muốn tặng khán giả chính là nguyên mẫu của bài hát Người con gái sông La. Khi nhạc sĩ Doãn Nho hành quân qua Hà Tĩnh, ông đã được chứng kiến hình ảnh một người con gái đứng trên đỉnh núi đếm bom, trong khi mọi người đều phải xuống hầm tránh bom. Cảm xúc dâng trào khiến ông sáng tác bài hát nói trên. Người con gái dũng cảm đó sẽ xuất hiện trong chương trình. Đây cũng là cuộc hội ngộ của chị La Thị Tám và nhạc sĩ Doãn Nho. “Ngọn lửa tuổi trẻ” không chỉ là câu chuyện của quá khứ, mà còn là câu chuyện của hiện tại và tương lai. Trong chương trình, khán giả còn được gặp gỡ giao lưu với các gương điển hình tiên tiến của thanh niên hôm nay. Họ chính là những người đang đốt cháy tiếp ngọn lửa tuổi trẻ mà các lớp thanh niên đi trước đã nhóm lên”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận