18/02/2011 22:43 GMT+7

Ba ưu tiên của tôi

Thạc sĩ VÕ NHẬT VINH (giảng viên ĐH Mở TP.HCM)
Thạc sĩ VÕ NHẬT VINH (giảng viên ĐH Mở TP.HCM)

TTO - Từng là cán bộ Đoàn, là tình nguyện viên tại TP.HCM những năm qua và công việc hiện nay cũng gắn bó nhiều với hoạt động cộng đồng, tôi luôn nghĩ về Đoàn với những mong mỏi từ trong tim cùng những ray rứt khi nhìn vào thực tế.

Nhân dịp Tuổi Trẻ mở chuyên mục “Nếu tôi là bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn”, tôi có vài ý đóng góp cho việc xây dựng - cải tiến Đoàn. Dưới đây, tôi đề cập đến ba vấn đề: marketing cho Đoàn, giáo dục tư tưởng, phong trào trong Đoàn.

ES7CBtL6.jpgPhóng to

Tiếp sức mùa thi - một trong những chương trình hoạt động do Thành đoàn TP.HCM tổ chức - thu hút đông đảo sinh viên tham gia - Ảnh: Trung Uyên

Trong phần marketing Đoàn, sự cấp bách của việc xây dựng một chiến lược marketing cho Đoàn sẽ được đề cập. Phần giáo dục tư tưởng sẽ tập trung vào những thay đổi mang tính thích ứng với thực tế xã hội. Cuối cùng, phần phong trào trong Đoàn sẽ được nêu lên từ góc nhìn các hoạt động Đoàn và tính phong trào của cán bộ Đoàn.

Marketing cho Đoàn

Đoàn ngày nay vẫn là một tổ chức tập hợp thanh niên rộng rãi nhất nhưng các hoạt động của Đoàn đang thật sự chịu nhiều sự cạnh tranh từ các hoạt động khác. Trong xã hội hiện nay, với sự bùng nổ của các phương tiện truyền thông và mạng thông tin, các bạn trẻ có thể tìm đến và chia sẻ với nhau nhanh chóng trên cơ sở của những người cùng sở thích, đam mê.

Những hoạt động tương tự như vậy xuất phát từ nhu cầu của chính bản thân những người tham gia nên dễ dàng cuốn hút họ một cách mạnh mẽ nhất.

Mặc dù những hoạt động như thế thường thời gian kéo dài không lâu, nhưng sự đa dạng về chủng loại của sở thích - đam mê sẽ luôn làm nảy sinh các loại hình hoạt động thay thế với tần suất cao. Vì lẽ đó, có thể nói các hoạt động tự phát này thật sự rất gần gũi và là một đối thủ cạnh tranh nặng ký cho các hoạt động Đoàn vốn mang tính chính thống hơn.

Tổ chức Đoàn với tính chính thống của mình cần phải cung cấp những hoạt động lôi cuốn thanh niên và mang tính định hướng tầm quốc gia. Nói cách khác, vai trò của Đoàn đối với thanh niên là không thể bỏ qua và có sự ảnh hưởng mạnh mẽ đến định hướng phát triển của lực lượng trụ cột nước nhà.

Nếu là bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, tôi sẽ ưu tiên thực hiện ba việc trọng tâm: marketing Đoàn, cải tổ việc giáo dục tư tưởng bằng các nội dung thực tế hơn như giáo dục kỹ năng sống và ý thức tôn trọng pháp luật; chấn chỉnh khái niệm phong trào trong các hoạt động có quy mô cũng như trong tư tưởng và cách làm việc của cán bộ Đoàn.

Rõ ràng với nhiệm vụ và sức ép cạnh tranh như thế, Đoàn phải chủ động tiếp cận, thuyết phục thanh niên. Bên cạnh việc tự đổi mới chất lượng, các hoạt động của Đoàn cần có một hình ảnh ấn tượng, gần gũi với đối tượng của mình. Để đảm bảo các mục tiêu này, một chiến lược marketing cho Đoàn cần được nghiên cứu, xây dựng, triển khai.

Đây có thể là công việc khá mới của Đoàn nhưng thể hiện tính chủ động, nhằm đáp ứng nhu cầu thu hút thanh niên và trên hết là đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của Đoàn.

Giáo dục tư tưởng

Giáo dục tư tưởng thanh niên là nhiệm vụ chủ chốt của Đoàn với mục tiêu lớn nhất là bảo vệ, xây dựng Tổ quốc. Giáo dục tư tưởng cũng như hệ thống giáo dục của chúng ta hiện nay cần có sự thay đổi mạnh mẽ với những nội dung hết sức cụ thể, sát với đối tượng được giáo dục. Trước hết, sống có trách nhiệm với bản thân và gia đình là điều bình dị gần gũi, thiết thực, dễ tiếp cận với thanh niên nhất.

Để làm được điều đó, thanh niên cần được trang bị những kỹ năng sống một cách bài bản, đúng đắn, phù hợp với thực tế xã hội.

Ngoài ra, một khía cạnh trong kỹ năng sống Đoàn cần phải thực hiện trong chương trình giáo dục tư tưởng của mình - nhằm bảo vệ xã hội ổn định - chính là giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật. Ý thức tôn trọng pháp luật chính là điều thanh niên đang thiếu trầm trọng và thật sự là một trở ngại cho việc bảo vệ, xây dựng Tổ quốc.

Phong trào trong Đoàn

Nói đến các hoạt động Đoàn, người ta không thể không gắn kết với khái niệm “phong trào Đoàn”. Các phong trào diễn ra từ các tập thể nhỏ đến các cấp lớn hơn. Các phong trào được thực hiện từ hoạt động quy mô nhỏ đến các dự án lớn.

Khái niệm “phong trào” đó được sử dụng xuyên suốt các hoạt động dù xứng đáng nhận được sự chuyên nghiệp chứ không phải phong trào mang tính nghiệp dư.

Khái niệm “phong trào” dường như cũng chưa bao giờ được cân nhắc đến tỉ số giữa kết quả - đầu tư. Phong trào chỉ nên để dành cho các đối tượng phong trào với quy mô nhỏ, nghiệp dư.

Cạnh đó, những người làm công tác Đoàn hay còn gọi là cán bộ Đoàn hoặc những người làm phong trào Đoàn cũng đang có nhận thức tương ứng với cụm từ “phong trào”. Các cán bộ Đoàn chưa nhận thức thật rõ vai trò của mình trong việc thiết kế, triển khai, quản lý các hoạt động mà vẫn còn mang tư tưởng nghiệp dư vào trong các hoạt động. Tôi mong người cán bộ Đoàn hãy tự hào mình là người quản lý hoạt động giỏi nhưng đừng tự hào vì mình là người làm phong trào.

Nuôi lớn lý tưởng trong tim người trẻ“Nếu tôi là bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn”Chờ những lá phiếu công tâmLàm cho người trẻ biết tự trọng

Thạc sĩ VÕ NHẬT VINH (giảng viên ĐH Mở TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên