Phóng to |
Nghệ sĩ ưu tú Thành Lộc - Ảnh: Trần Tiến Dũng |
Tôi mê mẩn thứ ánh sáng huyền ảo đó. Muốn tìm tôi chỉ cần chạy đến ngã tư này, thể nào cả nhà cũng thấy tôi đứng như “trời trồng” dưới cột đèn giao thông.
Có lẽ niềm đam mê ánh sáng ngày nhỏ góp phần đưa đường dẫn lối để tôi đến với “thánh đường” sân khấu.
Nỗi ám ảnh “con nhà nòi”
Người làm tôi khiếp vía Khi tôi còn nhỏ, có lần một người đàn ông lạ bất ngờ xuất hiện trước cổng đình Cầu Quang. Ông ta mặc bộ đồ bà ba màu nâu sậm, râu tóc dài chấm đất, mười đầu ngón tay dài như đã không cắt từ nhiều năm. Ông ta lặng thinh xin tiền khán giả vào xem hát. Hình ảnh đó khiến tôi khiếp vía. Má tôi nói ông là kép hát cải lương nổi tiếng một thời nhưng vô lễ với tổ nghiệp, khinh thường khán giả và rời khỏi đoàn hát. Hình ảnh ông ấy ám ảnh trong tôi ranh giới mong manh giữa vinh quang và thảm bại. Hình ảnh đó luôn là bài học nhắc nhở tôi về cách sống để không phải nói “Giá mà...”. |
Sau khi đất nước thống nhất, nhiều đơn vị nghệ thuật từ Hà Nội vào Sài Gòn biểu diễn. Những vở kịch được dàn dựng công phu, chuyển tải vấn đề thời sự nóng hổi thật sự “hút hồn” tôi. Tôi nghĩ đây là thể loại nghệ thuật mà tôi dễ dàng chia sẻ lý tưởng sống, cống hiến sức trẻ của mình cho cộng đồng.
Trong lòng thôi thúc dữ dội, tôi lén đăng ký thi vào Trường Nghệ thuật sân khấu 2. Không hiểu trời xui đất khiến thế nào mà ngày thi tuyển sinh trùng ngay ngày thi học kỳ 2 lớp 11. Tôi bấm bụng bỏ thi học kỳ. Vừa bước ra khỏi cửa phòng thi chuyên môn ở trường sân khấu, tôi chạy thẳng lên... chùa để “cầu trời phật cho con đậu, con mà rớt là con bị đòn”. Cả nhà theo nghệ thuật nhưng ba tôi không bao giờ muốn các con bỏ học.
Tôi muốn té xỉu khi phát hiện vòng thi thứ hai tiếp tục rơi đúng ngày thi vớt học kỳ 2. Tôi đánh ván bài liều cuối cùng: bỏ thi vớt. Nỗi sợ hãi của tôi còn lên đến cực độ khi ban giám khảo bắt tôi thực hiện một động tác đơn giản: xắn hai ống quần lên đầu gối, úp mặt vào tường để thầy coi tôi còn phát triển chiều cao nữa không. Ra về, tôi tin mình đã “bái bai” cùng lúc hai kỳ thi: kết thúc lớp 11 và tuyển vào trường sân khấu.
Cũng may năm đó tôi đậu Trường Nghệ thuật sân khấu 2. Vào trường, nhiều thầy cô và các bạn đồng môn tỏ ra chú ý “con nhà nòi diễn như thế nào?” nên tôi phải cố gắng nhiều hơn người khác.
Tin vào chữ thiện
Hồi đó tôi liều lắm. Không bao giờ chuẩn bị tư duy tiểu phẩm, hễ nghĩ cái gì trong đầu là lên sân khấu diễn luôn. Mỗi khi bước lên sân khấu với ánh sáng, âm thanh, bạn diễn, không gian yên lặng... tôi bắt đầu cuộc phiêu lưu của mình. Tôi từng vay mượn hình ảnh người thân để tạo hình nhân vật nhưng luôn để cảm xúc cá nhân, sự cố cá nhân bên ngoài sàn diễn.
Cuộc đời tôi đôi khi có những nốt trầm thật buồn. Danh hiệu NSƯT đến với tôi vào năm 2001 sau khi bị ách lại hai lần. Khi một vai diễn của tôi bị đả kích dữ dội, tôi từng cảm thấy chơi vơi đến mức không đủ tự tin thoại lời trước khán giả của mình. Khi niềm tin đổ vỡ, tôi suy sụp, đắm mình trong nỗi đau và nghĩ đến cái chết... Ở những khúc quanh đắng cay của cuộc đời, tôi đã nghĩ đến gia đình, “thánh đường” sân khấu. Tôi biết ông trời chỉ đang thử thách lòng người và tôi phải tiếp tục đứng thẳng. Tôi rút cho mình bài học về bản lĩnh nghề nghiệp trước áp lực của đời sống nghệ thuật.
Mỗi lần khai trương vở mới, tôi vẫn vẹn nguyên cảm giác tim đập mạnh như những ngày đầu đứng trước khán giả. Tôi thường đến sân khấu thật sớm và hóa trang thật kỹ. Tôi yêu nhiều vai diễn lớn nhỏ đã kinh qua, nhưng đặc biệt thích đóng vai phụ bởi ba tôi từng dạy: “Đóng vai phụ hay mới là người có nghề. Diễn viên giỏi là người dù đứng ở góc tối nhất của sân khấu vẫn có hấp lực thu hút ánh nhìn của khán giả”.
Tôi thường nhặt nhạnh kỷ niệm và hun đúc những bài học tốt đẹp về cuộc sống qua bản thân và các vai diễn để thấy tin hơn chữ thiện. Bạn là ai, làm được gì không phải là điều quan trọng nhất. Điều quan trọng nhất, theo tôi, là sống lương thiện và đừng mặc cảm về chính mình dù ở bất kỳ phương diện nào.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận