18/10/2010 07:43 GMT+7

Đạo diễn Phạm Hoàng Nam: Càng khổ tôi càng kiên cường hơn

LÂM AN ghi
LÂM AN ghi

TT - Dự tính học ngoại giao dù gia đình có truyền thống nghề hàng hải, nhưng số phận đã đưa Phạm Hoàng Nam trở thành một người quay phim tài hoa, sau đó là đạo diễn ca nhạc được tín nhiệm tại Việt Nam hiện nay.

QeVoY0V4.jpgPhóng to
Đạo diễn Phạm Hoàng Nam - Ảnh: Gia Tiến

Mê chụp ảnh từ nhỏ, năm 1981, khi ba tôi mua cho chiếc máy chụp hình tự động đầu tiên trong chuyến công tác nước ngoài, tôi không ngờ chiếc máy nhỏ bé đó đã thay đổi cuộc đời mình.

Những bước ngoặt trong đời

Thiếu nửa điểm để vào trường đại học ngoại giao - trường cao điểm nhất thời bấy giờ, nhưng tôi đã không vào các trường khác thấp điểm hơn vì say mê với việc chụp hình. Sau đó tôi xin vào làm tại ban ảnh TTXVN, nơi tôi đã gặp gỡ và học hỏi với những nhà nhiếp ảnh tên tuổi, từ đó say mê với việc chụp ảnh, tự in tráng và phóng ảnh.

Lúc đó, buồng tối với tôi là cả một thế giới của khám phá và đam mê.

Bước ngoặt thứ hai của cuộc đời là việc cô Trà Giang, em gái của bạn thân ba tôi, đến nhà chơi và có nói về lớp quay phim của trường sân khấu điện ảnh - một thứ hoàn toàn lạ lẫm với tôi và cả gia đình. Thế mà tôi đã nộp đơn thi...

Với một ngành mới mẻ và không có trong truyền thống phả hệ, tôi hoàn toàn mò mẫm cùng mớ kiến thức nhiếp ảnh nhỏ bé và khái niệm nghệ thuật gần như bằng không.

Gia đình không giúp được gì, nhưng bù lại tôi được những bậc đàn anh trong nghề giúp đỡ tận tâm và cấp tốc trong một tuần để có thể hiểu thế nào là quay phim điện ảnh; cộng với những kiến thức văn hóa đã ôn luyện sẵn, cánh cửa Trường đại học Sân khấu điện ảnh đã mở toang trước mắt tôi. Không những thế, tôi còn có cơ hội thi để lấy một trong những suất học bổng hiếm hoi đi học nước ngoài.

Và may mắn cùng những nỗ lực phi thường trộn lẫn niềm đam mê điên cuồng với nghề nghiệp mới mẻ đã trao cho tôi cái học bổng mơ ước đó, để trở thành sinh viên khoa quay phim của ngôi trường trong mơ: Trường đại học Điện ảnh quốc gia Liên Xô lừng danh.

Bước ngoặt thứ ba là khi tôi quyết định rời Hãng phim Giải Phóng để hoạt động tự do. Được Nhà nước chọn đi học, tôi đã về và phục vụ nhà nước trong 10 năm, có những cống hiến nhất định.

Tôi không muốn mình thuộc dạng vô kỷ luật, ăn đồng lương mà không thực hiện đúng chức trách, không toàn tâm toàn ý cho công việc. Tôi cũng không muốn giả tạo và hai mặt, muốn tự làm chủ bản thân mình...

Bát mì xụp và công trường xây dựng

Không gì vất vả bằng chuyện học. Và cũng không gì thú vị bằng chuyện học. Tôi học ở Matxcơva, thời mà ông Gorbachov mới lên.

Có thể nói tôi vừa xui lại vừa may mắn, vì đấy là thời biến động lớn nhất nên tất cả cơ cấu xã hội và xu hướng nghệ thuật ở Nga đều đảo lộn. Những gì gọi là truyền thống của Nga tôi đều được học và cả những cái mới của thế giới du nhập vào do biến động xã hội. Nhờ khổ cực nên tôi kiên cường hơn.

Thời sinh viên khi nước Nga cải tổ là khổ nhất. Lúc trước học bổng còn đủ, nhưng thời tôi là lạm phát, học bổng không đủ sống. Sinh viên thường xuyên đói ăn nên phải làm thêm.

Tôi làm đủ thứ để sống, kể cả lao động trên công trường xây dựng. Tôi đẩy xe gạch, cát, vôi vữa sau đó thì đi dịch tiếng Nga, quay phim, chụp hình đám cưới. Buồn cười nhất là khi tôi mặc quần áo công nhân vì người thì nhỏ xíu, chui vào lọt thỏm. Họ trả tiền rẻ mạt cho sinh viên làm phụ việc trên công trường và trả công theo giờ.

Thời gian đầu tiếng Nga chưa biết, quan hệ chưa có nên những việc nặng người ta chê thì mình vẫn phải làm.

Có những ngày chúng tôi phải ăn bánh mì với nước lã. Đó là cái thời mà tất cả các cửa hàng không có một miếng thịt, không có một hạt gạo nên người ta phải ra chợ nông trường, chợ đen mua từng miếng thịt rất vất vả. Dân bản xứ mà còn ăn độn, độn ngũ cốc, bo bo nói chi du học sinh chúng tôi.

Chúng tôi nhịn đói thường xuyên vì không có tiền, không có thời gian xếp hàng, đi Tây mà ai nấy ốm o gầy mòn. Đã thế thời gian làm phim cũng thất thường, phải thức khuya dậy sớm nên càng gầy hơn. Cách thức tinh ranh của bọn sinh viên là đến cửa hàng trả thêm ít tiền thì cô nhân viên sẽ mang một cục xương cho mình bằng cửa sau...

Suốt mùa hè tôi đi làm công trường được mấy trăm rúp. Số tiền này giúp tôi sống sót qua mùa hè, vừa sống vừa đi chơi, đi xem bảo tàng, xem phim...

Tôi rất nhớ bài hát anh chàng bị bắt trên tàu điện vì chỉ đủ tiền mua một trong hai thứ, vé xem phim hoặc vé tàu, và anh ấy quyết định lậu vé. Tôi cũng có đi tàu lậu vé, và đó là những kỷ niệm không quên được thời sinh viên gian khó ấy...

Thời tôi đi học, Việt Nam chỉ có mấy người sang Nga học cùng trường. Tôi chơi với anh Đặng Lưu Việt Bảo, Hữu Mười, Đoàn Minh Tuấn và Ngô Phương Lan. Ai cũng đói như ai.

Tôi nhớ mãi món mì xụp: cho mì vào nồi, xắt cà chua bỏ vào. Thế rồi xì xụp. Xong! Sang nhất thì có thêm cục xương nhưng thường xuyên chỉ có mì và cà chua. Học ở Nga tám năm nhưng tôi chỉ về thăm nhà đúng hai lần vì không có tiền.

Từ những trải nghiệm đã qua, tôi quan niệm người thành công phải hiểu được chính mình và khả năng của mình, phải trung thực xem cá tính của mình có thích ứng với môi trường xung quanh.

Để hiểu được những điều đó phải cọ xát, phải thử, phải nhận ra xem đâu là cơ hội của chính mình và phải nắm lấy...

LÂM AN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên