14/10/2010 07:06 GMT+7

Hào hứng với "Vũ trụ huyền bí"

HÀ THANH
HÀ THANH

TT - Làm sao để thả quả trứng gà rơi từ tầng ba với độ cao khoảng 12m xuống đất mà không vỡ?

z3I59jkn.jpgPhóng to
Ngày hội như một tiết học ngoại khóa thú vị về thiên văn - Ảnh: H.Thanh

Hào hứng với ngày hội khoa học thiên văn

Đó là lời “thách đố” mà ban tổ chức ngày hội “Vũ trụ huyền bí” đặt ra cho các bạn trẻ tham gia phần thi hấp dẫn mang tên Thả trứng.

“Phi thuyền” cho... trứng gà

Với đề bài đó, các đội đã sáng tạo các kiểu phi thuyền mà ở đó quả trứng là một phi hành gia. Chỉ với bong bóng, miếng xốp, ống hút, đũa tre, dây thun, bình nhựa, hơn 80 đội đến từ các trường THPT tại TP.HCM cho ra đời những “phi thuyền” cực kỳ ngộ nghĩnh như khinh khí cầu hai tầng dù, tú cầu tuyển chồng của thiếu nữ Trung Quốc xưa, nhà bong bóng...

Nằm trong chuỗi chương trình “Tuần lễ vũ trụ”, ngày hội “Vũ trụ huyền bí” lần 4-2010 do CLB Thiên văn nghiệp dư TP.HCM, Trung tâm Phát triển khoa học & công nghệ trẻ (Thành đoàn TP.HCM) và Viện Vật lý TP.HCM tổ chức tại Trường THPT Gia Định (Q.Bình Thạnh) vào ngày 10-10 vừa qua.

Sau khi ban tổ chức phát hiệu lệnh, từng đội lần lượt thả mô hình từ tầng ba xuống mặt đất. “Phi hành gia” của đội nào hạ cánh an toàn mới được tính điểm. Hầu hết phi thuyền đều không đi lạc và bảo vệ an toàn cho “phi hành gia”. Các bạn trẻ hò reo vang dội sân trường khi mô hình của đội LTHK (lớp 10A1 Trường THPT Gia Định) rơi đúng hồng tâm dưới mặt đất.

Cả nhóm nhảy cẫng lên sung sướng. Các bạn hồ hởi khoe bí quyết: “Tụi mình nhét mút trắng vào chân vỏ chai 1,5 lít, gắn bốn cây đũa có bịt đất sét bên ngoài để giảm xóc và đặt trứng gà vào giữa mô hình”.

Dù thời gian dự thi kéo dài nhưng vẻ hào hứng luôn hiện rõ trên gương mặt các bạn trẻ. Với trọng lượng 140 gram và điểm ném tuyệt đối, đội Diễm Trang Idol (lớp 10 CT Trường THPT Gia Định) đã trở thành quán quân trong cuộc thi này. Các bạn cười toe toét: “Nhóm bắt tay làm mô hình này vào khoảng 11 giờ 30 hôm nay. Không ngờ lại đoạt giải cao nhất”.

Vũ trụ gần gũi

Cùng ngày, các bạn trẻ lần lượt vượt qua mười trạm thử thách như: Mặt trời, Hành tinh rắn, Hành tinh khí, Sao chổi, Tiểu hành tinh, Tổng quan về hệ mặt trời, Công nghệ vũ trụ... Ở mỗi trạm, các bạn thu thập vài thông tin thú vị mới mẻ về không gian bao la. Bạn nhỏ Lê Thu Phương (lớp 5 Trường tiểu học dân lập Quốc tế) nói: “Em đã qua được bảy trạm rồi. Lần đầu tiên em được hiểu kỹ đường xích đạo, Hải Vương tinh, Kim tinh...”.

“Nhờ các trò chơi thú vị và các mô hình được chú thích đầy đủ, mình tiếp thu thông tin về vũ trụ lẹ hơn ở lớp rất nhiều. Cảm giác như đang tham gia một buổi ngoại khóa học mà chơi vậy”, Thanh Trúc (10A1 THPT Gia Định) bày tỏ.

Sau khi chinh phục mỗi trạm, người chơi nhận một món quà kèm thông điệp gợi ý tìm chìa khóa giải bí ẩn cuối cùng. Hàng trăm bạn trẻ hào hứng chen vai vừa tìm hiểu, ghi chép các thông tin thú vị về vũ trụ, vừa cố gắng gấp rút hoàn thành phần thi thử thách tại các trạm. Cuối cùng, bạn Nguyễn Minh Hiền (sinh viên năm 4 khoa công nghệ - vật liệu, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM) đã xuất sắc vượt qua 10 trạm, đoán đúng đáp án vật chất tối, giành phần thưởng là chiếc kính thiên văn phản xạ Newton có độ phóng đại 200 lần.

Thành viên ban tổ chức Huỳnh Phương Loan nói: “Thay vì hội thảo, chúng tôi tổ chức các trò chơi sinh động để các bạn trẻ hiểu thêm về vũ trụ. Sự hưởng ứng nhiệt tình của các bạn đến những phút cuối là bằng chứng cho thấy thiên văn học không hề khô khan, xa lạ”.

HÀ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên