![]() |
Đã nhập học được hai tuần nhưng Nhân vẫn thường về nhà đỡ đần mẹ và ngoại - Ảnh: Tấn Vũ |
Tuổi Trẻ tiếp sức đến trường cho 423 tân sinh viên miền Trung
Ở thôn Liễu Trì, nhà của mẹ con Nhân là căn nhà tre nhỏ bé bạc phếch nắng mưa, không rào giậu nằm chơ vơ bên triền cát trắng. Trong ngôi nhà trống hoác, ẩm thấp chỉ có hai chiếc giường tre kê trên nền đất. Trên đó là hai người thân của Nhân, bà ngoại và mẹ triền miên trong bệnh tật.
Cổ tích trong căn chòi tranh
Nhập học đã được hai tuần, tranh thủ những ngày nghỉ Nhân về nhà giúp mẹ việc đồng áng. Nhân vừa thi đậu hai trường đại học: Y khoa Huế (22,5 điểm) và Bách khoa Đà Nẵng (23,5 điểm). Nhân chọn học Đại học Bách khoa Đà Nẵng để được gần nhà, có thời gian quay về giúp mẹ chăm sóc ngoại.
Đói ngay trong mùa gặt Chỉ hai bao lúa vừa thu hoạch từ sào ruộng ngoài đồng mang về, bà Thuận nói: vài bữa bạn hàng xáo sẽ đến mang đi hết. Năm nào cũng vậy, để có cái ăn đợi mùa lúa chín, bà mang thúng chạy quanh xóm mượn gạo về nấu. Những ngày mưa không đi làm thuê được thì vay tiền, gạo, mắm, muối... của mấy người buôn lúa, đến mùa thu hoạch trả lại. Cứ thế, vừa gặt lúa xong phơi khô là trong nhà trống hoác. |
Nhân lớn lên trong căn chòi đó đến lúc bị giải tỏa rồi di dời về căn nhà tre này. Nói về con trai, bà Thuận lại gạt nước mắt: “Thằng Nhân lớn lên trong thiếu thốn trăm bề. Tuổi thơ nó ăn sắn thay cơm, quanh năm mặc áo quần cũ của anh chị hàng xóm cho. Học hết cấp I nhưng Nhân cao chưa tới 1m, nặng không quá 20kg. Thiếu cái ăn, cháu nó suy dinh dưỡng từ nhỏ!’’.
Cụ Nguyễn Thị Trực - bà ngoại Nhân - năm nay tuổi đã ngoài 70, nhiều năm nay nằm một chỗ do tai biến mạch máu não. Ngoài hai mẹ con Nhân, trong căn nhà xỉn màu, ọp ẹp này còn là nơi trú ngụ của gia đình cậu ruột Nhân. Cậu con trai út của bà Trực bị bệnh bướu ác tính nhiều năm nay cũng tá túc tại đây vì không đủ tiền dựng cho mình một nơi ở. “Em thi đại học y khoa cũng chính là lý do này. Em muốn thành bác sĩ chữa bệnh cho ngoại, cho mẹ và cậu ruột của mình’’ - Nhân thổ lộ.
![]() |
Cậu học trò Nguyễn Thanh Nhân ước mơ thoát khỏi cảnh nghèo bằng con đường học tập - Ảnh: Tấn Vũ |
Ngoại ơi chờ con về!
Chiếc bàn nhỏ học tập của Nhân được kê sát phía cuối cái giường tre. Tường nhà là những bao bì kẹp tre xiêu vẹo, gió lùa thông thốc. Những ngày mưa, các thau nhựa hứng nước mưa dột khắp nền nhà. Những ngày bão, Nhân cõng ngoại chạy đi tá túc nhà hàng xóm. Thế mà 12 năm học Nhân đều là học sinh giỏi, xuất sắc của trường. Trên những tấm bao bì dùng làm tường che gió là chi chít những tấm giấy khen.
Để có thêm thu nhập cho gia đình, đêm đêm sau giờ học Nhân cặm cụi cùng mẹ đan hàng mây tre cho các xưởng thủ công gần đó. Mỗi chiếc lồng tre đan mây được trả 200 đồng. Mỗi ngày Nhân cùng mẹ kiếm được khoảng 30.000 đồng nhưng phải thức làm việc đến nửa đêm. “Ngồi đan mây tre hoài nên lưng Nhân còng xuống. Khi hắn đến xin việc làm thêm ở xưởng, ông chủ bảo cháu bị gù lưng nên không nhận! Hắn khóc, rồi nói tôi nhận hàng mang về nhà cho hắn cùng làm’’ - bà Thuận kể chuyện về con với đôi mắt đỏ hoe.
Nhiều lần định bỏ học để đi làm giúp mẹ, nuôi ngoại nhưng nghĩ đến việc rời xa đèn sách, đồng nghĩa với tương lai mịt mù, Nhân lại lao vào học tập. “Em nghĩ chỉ có học mới giúp được gia đình và bản thân. Thế là em miệt mài học”. Không có sách, trên lớp Nhân chăm chú nghe bài giảng, mượn sách chép bài rồi về nhà cặm cụi tự học. Cụ Trực cho biết Nhân rất ít bạn bè và cũng không dám qua lại với ai vì mặc cảm cái nghèo. “Chừ nghe tin cháu ngoại có người cho đi học xa, tôi có chết cũng an lòng. Tui dặn hắn qua bên nớ xa nhà cố mà lo học, đừng lo cho mẹ và ngoại mà lơ đãng, phân tâm. Ngoại có chết con về thắp nén nhang là được rồi. Ngoại già rồi không bác sĩ nào cứu kịp đâu!’’ - cụ Trực ngậm ngùi.
Cầm giấy báo của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam gửi về thông báo Nhân là một trong số 15 sinh viên trên toàn quốc được chọn đi du học ở nước ngoài, Nhân rơm rớm: “Em mơ đến ngày mình được ra trường đi làm. Tháng lương đầu tiên em dành cho mẹ. Em sẽ dồn tiền sửa lại căn nhà ngoại. Mong ngoại sống đến ngày đó”. Cầm cánh tay gầy guộc của bà ngoại, Nhân tha thiết: “Ngoại ơi, chờ con về con sửa nhà cho ngoại, nghe ngoại!”. Còn người mẹ ngồi bên cạnh, cười mà trên mi mắt ngân ngấn nước, nụ cười hạnh phúc của người phụ nữ sống đơn lẻ nuôi con suốt 18 năm qua.
50.000 USD cho 5 năm du học Bà Nguyễn Ngọc Cúc, phó trưởng ban đào tạo và phát triển nguồn nhân lực Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, cho biết: Em Nguyễn Thanh Nhân (18 tuổi, thôn Liễu Trì, Bình Nguyên, Thăng Bình, Quảng Nam) đã chính thức được tập đoàn này tài trợ du học năm năm ngành dầu khí tại nước Cộng hòa Azerbaijan cùng 15 tân sinh viên khác trên toàn quốc. Toàn bộ chi phí đi lại, ăn ở, học phí đều được tập đoàn chi trả. Sau khi du học về, các du học sinh phải cam kết làm việc cho Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam ít nhất 10 năm. Toàn bộ chi phí cho năm năm du học của Nhân ước tính hơn 50.000 USD. Nguyễn Thanh Nhân là một trong 423 tân sinh viên được nhận học bổng “Tiếp sức đến trường” do báo Tuổi Trẻ trao hôm 31-8 tại Quảng Nam cho tân sinh viên năm tỉnh, thành Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị. “Tiếp sức đến trường” là học bổng dành cho các tân sinh viên nghèo học giỏi, đậu vào các trường ĐH, CĐ nhưng khó có khả năng đến trường. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận