30/07/2010 07:48 GMT+7

Tôi làm thêm để tiếp tục học

DƯƠNG HỎA
DƯƠNG HỎA

TTO - Bắt đầu từ câu chuyện “Phụ thuộc ba má đến bao giờ” (TT ngày 28-7) của bạn Thu Trang, Tuổi Trẻ Online đã nhận được nhiều chia sẻ của bạn đọc. Xin trích câu chuyện của một bạn đọc từng quần quật làm thêm thời sinh viên. Rất mong tiếp tục nhận được những ý kiến khác.

Diễn đàn Sinh viên đi làm thêm: cần không?:

X62FYFBQ.jpgPhóng to
Khi túi tiền không đủ nuôi sống mình, tôi đã làm thêm bằng mọi giá - Ảnh minh họa lấy từ oncampus.com

Bạn cần thể hiện mình đã là người lớn

Tôi rời quê lên Sài Gòn học đại học bắt đầu bằng đồng lương giáo viên còm cỏi của mẹ. Mỗi tháng mẹ gửi cho tôi 300.000 đồng tiền ăn, tiền ở, tiền xe cộ,.... đủ để một sinh viên tỉnh lẻ như tôi vui sống qua năm đầu tiên của đời sinh viên.

Năm thứ hai, dù cố gắng sống tằn tiện, nhịn ăn sáng, nhịn cà phê, trốn luôn cả những buổi tiệc sinh nhật của bạn bè nhưng những khoản chi tiêu của tôi ngày càng nhiều hơn, những cuộc gọi điện thoại về nhà vì thế cũng bắt đầu nhiều hơn.

Bạn đang là sinh viên, và bạn:
Không đi làm thêmChỉ làm thêm thời vụLàm thêm ở quán ăn, cửa hàngDạy kèmCác công việc khác
Những khoản tiền mẹ gửi cũng trở nên thường xuyên không đúng hạn. Tôi bắt đầu cảm nhận được sự khốn khó, ngột ngạt, tủi thân dù rằng tôi đã quen sống cảnh con nhà nghèo và đã xác định trước những khó khăn về tiền bạc khi tôi vào đại học. Tôi biết để có tiền hàng tháng gửi cho tôi ăn học, ba mẹ và các em tôi phải nhịn đi nhiều những bữa cơm có thịt, có cá nhưng thực tế là 300.000 đồng bây giờ không còn đủ cho tôi vui sống đời sinh viên cho 1 tháng.

Một lần về thăm nhà. bắt gặp cảnh mẹ và 2 đứa em tôi đang còng lưng quét rác, chùi rửa nhà vệ sinh cho một công ty để kiếm thêm tiền cho tôi đi học. Tôi quyết định đi làm thêm.

Tôi đi làm thêm, bất cứ công việc gì có thể. Như bao sinh viên khác, công việc làm thêm truyền thống là gia sư. Nghề gia sư của tôi bắt đầu cũng không hề suôn sẽ, lần tìm theo địa chỉ trên một mẫu quảng cáo tôi đến với trung tâm giới thiệu việc làm, sau khi đóng trước 50% tiền lương tháng đầu tiên tôi được người của trung tâm dẫn đến nhà học trò với lời dặn: “em phải nói em là giáo viên mới ra trường chưa có việc làm người ta mới chịu nhé”.

Học trò của tôi là 1 cậu bé lớp 5, ham chơi hơn ham học, mà tôi lại không có khiếu dụ con nít ham chơi thành ham học và thế là đúng 1 tháng, chủ nhà chìa cho tôi 1 phong bì đựng tiền lương với lời chia tay đầy tế nhị: “em thông cảm, chị cho cháu đến nhà cô giáo học thêm”. Cầm 200.000 tiền lương, tôi nhẩm tính, sau khi trừ đi 50% tiền hoa hồng cho trung tâm việc làm tôi nhận được 100.000 đồng cho 1 tháng đạp xe đi về từ Thủ Đức lên Tân Bình với nhiều hy vọng. Nhiều lần như thế, may mắn cũng đến với tôi, khi tôi tìm được 1 chỗ dạy thêm gắn bó với tôi cho đến ngày tôi ra trường, với mức lương 300.000 mỗi tháng xem như tôi đã phần nào đỡ gánh lo cho mẹ.

Tiếp tục kiếm thêm tiền để trang trải cho chuyện học, tôi đi khắp các nhà hàng xin việc. Tôi được nhận vào làm các ngày thứ Bảy, Chủ Nhật với nhiệm vụ làm bồi bàn phục vụ đám cưới. Tiền công của tôi cũng được nâng dần từ mức 50.000 đồng lên 100.000 đồng và rồi 150.000 đồng một ngày. Như vậy, tháng nào làm đủ 8 ngày xem như tôi đã kiếm thêm được 1.200.000 đồng cộng thêm tiền dạy thêm, thu nhập của tôi đã là 1.500.000 đồng mỗi tháng.

Không chỉ dạy thêm, phục vụ nhà hàng tôi sẵn sàng làm bất cứ công việc gì khi có cơ hội. Tôi xin nhà trường cho tôi nhận thầu cắt cỏ sân bóng, xin nhận thầu bãi giữ xe, nhận thầu việc giao nước uống cho các phòng trong KTX.

Lúc này tôi không còn cảnh hàng tháng ngồi ngóng tiền mẹ gửi trái lại tôi bắt đầu gửi tiền ngược lại về quê phụ mẹ đóng tiền học cho em tôi. Tôi khóc nghẹn ngào khi lần đầu tiên mua được cho ba mẹ cái tivi màu thay cho cái tivi trắng đen có tuổi đời gần bằng tuổi tôi. Tôi tự hào khi tự sắm cho mình chiếc Wave Trung Quốc để có phương tiện đi lại.

Nhưng, để có thể làm thêm nhiều như thế, tôi không ít lần phải hy sinh những buổi học quan trọng thậm chí có khi bỏ cả giờ kiểm tra. Mùa thi đến cũng không có thời gian lên giảng đường để ôn bài như các sinh viên khác. Đọc sách, nghiên cứu tài liệu, thực hành máy tính, lên thư viện, ngày nghỉ cuối tuần đối với tôi giờ là thứ gì đó quá xa xỉ.

Tôi lao vào làm việc, đơn giản cũng vì tiền, bởi đối với bạn làm thêm chỉ là để làm thêm, nhưng với tôi lúc đó làm thêm là để được tiếp tục học. Cũng vì ý nghĩ đó nên dù quay cuồng với việc làm thêm nhưng tôi vẫn có ý thức thu xếp thời gian cho việc học. Không lên được giảng đường thì tôi mượn tập ghi chép của bạn, nhờ bạn giảng lại bài, đem theo bài học đến chỗ làm tranh thủ những lúc được nghỉ, bởi mục đích cuối cùng của tôi là học tập nên nếu kiếm được nhiều tiền mà mất việc học thì cái công việc làm thêm của tôi trở thành vô nghĩa.

Giờ đây, đã hơn 10 năm kể từ cái ngày tôi mang theo 300.000 đồng của mẹ lên Sài Gòn học đại học, mỗi khi đi dự đám cưới tôi chợt nhớ lại cái thời sinh viên của mỉnh với những việc làm thêm đầy ý nghĩa.

Việc làm thêm thời sinh viên không chỉ giúp tôi trang trải và vui sống qua thời sinh viên mà nó còn trang trải giúp tôi rất nhiều vốn sống. Nhờ công việc bồi bàn, tôi đã học được sự nhẫn nhịn trước những yêu cầu, đòi hỏi có khi đến quá đáng của khách hàng đi dự tiệc. Nhờ nó mà tôi rèn luyện được khả năng chịu đựng cường độ lao động liên tục từ 6 giờ sáng cho đến 10 giờ tôi mà trên môi lúc nào cũng phải nở nụ cười. Cũng nhờ những ngày đứng cắt cỏ sân bóng của trường, tôi mới thấm thía cái nắng Sài Gòn như lửa đổ và biết nể phục, tôn trọng cho những người lao động chân tay trên khắp nơi.

Những vốn sống đó, giờ đây được tôi áp dụng vào công việc hàng ngày. Tôi biết cảm thông hơn với những người lao động chân chính, không phân biệt, không xem thường với bất cứ công việc, ngành nghề gì, tôi trân trọng hơn những đồng tiền mình kiếm được, và quan trọng là tôi bản lĩnh hơn.

Làm thêm đâu phải vì cần tiền

Đi làm đâu phải vì thiếu tiền mới làm đâu?! Giờ mình đã ra trường và đi làm rồi nhưng lúc trước còn học năm 2 mình đã đi làm thêm. Mình đi làm không phải vì gia đình không lo được cho mình mà để cóp nhặt thêm kinh nghiệm sống ngoài xã hội. Vì thực tế ngoài xã hội với những gì ta được học ở trên trường thật quá xa vời.

Đi làm được tiếp xúc với nhiều người học hỏi được nhiều kinh nghiệm sống, cách giao tiếp với mọi người,đ ể sau này khi ra trường chúng ta không phải bỡ ngỡ. Mình nghĩ bạn Trang nên trình bày rõ với bố mẹ để bố được thấu hiểu và nhớ đừng có quên chuyện học của mình nhé.

Nhà tuyển dụng đánh giá cao các sinh viên có đi làm thêm

Tôi là một nhà tuyển dụng, tôi đánh giá cao các sinh viên có đi làm thêm. Đa số các sinh viên có đi làm thêm trong quá trình học, thì khả năng giao tiếp tốt hơn hẵn các sinh viên khác, khả năng nhìn nhận sự việc cũng thực tế hơn, khi giải quyết công việc thì cũng nhanh nhẹn và tự tin hơn...

Tôi khuyên các sinh viên nên tìm cho mình một công việc có liên quan hoặc nhận thấy có thễ hỗ trợ cho ngành mà mình đang theo học khi ra trường sau này. Tuy nhiên, phải biết cân đối thời gian đi làm và việc học, phải biết lượng sức mình nếu không sẽ có kết quả ngược lại.

Để được mình tự hào quyết định của chính mình

Tôi cũng là sinh viên, tôi cũng đi làm thêm và vẫn học tốt. Tôi giúp bố mẹ tôi đỡ gánh nặng về tiền. Tôi giúp bản thân tôi học hỏi và tự tin hơn. Tôi chững chạc hơn kể từ khi đi làm nhờ vào sự "dạy dỗ" của xã hội.

Xã hội cho tôi biết những cám dỗ của cuộc đời. Môi trường doanh nghiệp dạy cho tôi trở thành "người lớn". Tôi có nhiều mối quan hệ hơn, tôi nhìn nhận về tương lại của tôi khác hơn, tôi nhìn thấy cuộc đời lập nghiệp của mình xa hơn.

Tôi có thể hoạch định "bước đi" cho tương lai, tôi bắt đầu tự ý quyết định cho tương lai mình mà không nhờ bố mẹ, tôi không bao giờ hối hận với những gì mình đã quyết định và đã làm. Dù những quyết định của tôi có sai, tôi cũng cho đó là một bài học. Đối với tôi, gia đình là một nấc thang giúp tôi bước lên cao hơn, nhưng đôi khi nó là vật cản lớn nhất khiến tôi mất đi bao nhiêu cơ hội cho cuộc đời mình. Ba mẹ không thể là "quân sư" cho mình mãi mãi, hãy tự học cách "tự lập" khi chưa quá muộn.

Chúc bạn lựa chọn cho mình một con đường thích hợp nhất và rằng sau này có thất bại thì cũng tự hào vì đó là quyết định của mình.

Không phải ai tự lập từ nhỏ cũng sẽ thành công

Tôi cũng là SV năm 3 như bạn Thu Trang, được ba má chăm chút từng li từng tí nên rất đồng cảm với suy nghĩ của bạn. Song theo tôi, vấn đề tìm kiếm việc làm thêm có đúng, có thích hợp phụ thuộc công việc đó có bổ trợ cho ngành nghề tương lai mà bạn sẽ theo đuổi.

Làm gia sư giúp ích cho nghề sư phạm, làm tiếp thị bổ trợ việc học marketing, phụ bán quần áo mở rộng kiến thức cho ngành thời trang, thiết kế... Ngược lại, việc bán hàng đa cấp, phát tờ rơi ở ngã tư, bán thẻ điện thoại, phụ việc nhà thường không bổ trợ nhiều, lại tốn thời gian và ảnh hưởng sức khỏe.

Bản thân tôi học kinh tế, ngành tài chính ngân hàng, nên tôi đã xin vào đội PG (lễ tân) của trường. Tôi cũng không đặt lương bổng lên hàng đầu mà chỉ tham gia lễ khi có thời gian thích hợp. Chỗ làm thường là ngay tại trường hoặc những nhà hàng chuyên tổ chức lễ. Vì vậy, tôi vừa có thêm thu nhập, kinh nghiệm giao tiếp, vừa không ảnh hưởng đến việc học hành.

Ba má tôi rất ủng hộ và tự hào. Bạn nên hiểu thêm rằng không phải ai tự lập ngay từ nhỏ cũng sẽ thành công và ngược lại phụ thuộc gia đình sẽ dễ va vấp, thất bại. Không nên đi làm chỉ để bằng bạn bằng bè, như là một trào lưu...

Không cần thiết phải kiếm tiền sớm

Cháu Trang, chú nghĩ ba mẹ cháu không có gì sai, không thể nói SV mà không biết đi làm kiếm tiền là “gà”. Ba mẹ cháu có đủ điều kiện thì cháu chỉ cần tập trung vào việc học. Còn những vấn đề khác giải quyết không khó: kinh nghiệm, cách ứng xử khi làm việc: chắc chắn ba mẹ cháu sẽ truyền đạt khi cháu chuẩn bị vào đời.

Trường ĐH nào cũng bố trí thời gian thực tập cho SV, đây chính là lúc cháu học hỏi kinh nghiệm về chuyên môn cũng như cách đối nhân xử thế. Cháu không cần phải suy nghĩ nhiều, hãy tập trung vào việc học. Tấm bằng tốt nghiệp ĐH loại giỏi sẽ mở rộng cửa việc làm cho cháu sau này.

Tôi từng trượt dài theo việc kiếm tiền

Nếu đủ điều kiện lo chuyện ăn học, tôi cũng không muốn con mình lao vào việc kiếm tiền quá sớm, ảnh hưởng đến việc học.

Theo tôi, chỉ nên thử sức bằng một vài công việc nhẹ nhàng như: dạy kèm, tiếp thị, giới thiệu sản phẩm, tiếp tân hội nghị, hội thảo... mỗi dịp cuối tuần, nghỉ lễ. Chủ yếu để tiếp cận đời sống, làm quen với công việc, học tính tự chủ, tự lập... biết quý trọng giá trị của đồng tiền. Tất cả phải có chừng mực và nằm trong giới hạn cho phép.

Tuyệt đối không đặt nặng việc kiếm tiền mà chỉ xem đó như một sự trải nghiệm.

Ngày trước, khi đi học nghề, chỉ vì nghèo khó muốn mau có tiền phụ giúp gia đình tôi tranh thủ vốn kiến thức ít ỏi, tay nghề non nớt lao vào việc mua bán để rồi trượt dài theo việc kiếm tiền, dẫn đến bỏ mặc chuyện học nghề. Kết quả việc kiếm tiền cũng không bền vững còn tay nghề chẳng đến đâu.

Tôi nghĩ các bạn SV đừng quá nóng vội chuyện kiếm tiền và đó cũng không phải là sự thể hiện, khẳng định đẳng cấp, giá trị bản thân. Mà đẳng cấp hiện tại của các bạn chính là việc vượt qua những khó khăn, thách thức trong học tập.

-------------

Mời bạn đọc tiếp tục tham gia ý kiến, chia sẻ. Ý kiến gửi về tto@tuoitre.com.vn với tiêu đề Sinh viên đi làm thêm: cần không? (vui lòng gõ font chữ có dấu tiếng Việt).

Chân thành cảm ơn.

DƯƠNG HỎA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên