Phóng to |
Gian hàng trung thực tại Trường THPT Nguyễn Trãi đã ra đời được một tháng và thu hút nhiều học sinh - Ảnh: PHI LONG |
Vở, nhãn, bút viết và một số thứ linh tinh được bày bán trên một chiếc bàn trong một góc nhỏ của phòng công đoàn Trường THPT Nguyễn Trãi (Q.4, TP.HCM). Hàng hóa lấy từ các chợ bán sỉ về nên giá rẻ hơn so với những cửa hàng văn phòng phẩm gần trường từ 500 đồng đến vài nghìn đồng tùy loại. Nó trở thành điểm đến của nhiều học sinh khi cần vật dụng nào đó kể từ khi được khai sinh ngày 5-3-2010.
Nguyễn Hoàng Thanh Xuân, lớp 11B2, sau khi chọn một vài vật dụng nhỏ như cây viết và cục tẩy đã hớn hở cho biết rẻ hơn chỗ khác và rất tiện lợi khi đặt ngay trong khuôn viên trường. Thanh Xuân nói lúc đầu các em cũng thấy là lạ với cách mua hàng này vì tự bỏ tiền và cũng không ai kiểm tra nhưng sau đó dần quen. Mỗi bạn cũng ý thức hơn trong việc chuẩn bị sẵn tiền lẻ trong tay và bỏ tiền vào thùng sau khi mua hàng.
Khi cô Ngô Thị Ánh Hồng, giáo viên môn giáo dục công dân, đưa ra đề xuất thành lập gian hàng trung thực, ban giám hiệu rất ủng hộ nhưng cứ băn khoăn mãi liệu có duy trì và bảo toàn vốn được không. Thầy Lê Công Triệu, hiệu phó nhà trường, nói: “Chúng tôi cũng quyết định gật đầu vì nghĩ trước tiên mình phải tin vào học sinh của trường mình. Đó cũng là cách kiểm tra lại những bài học về đạo đức làm người, về tính trung thực các em đã được học ở môn giáo dục công dân”.
Tuần đầu tiên mọi việc diễn ra bình thường nhưng đến tuần thứ hai kiểm kê cho thấy có thâm hụt, đồng nghĩa với việc đã có trường hợp không bỏ tiền vào thùng làm cô Ánh Hồng phải suy nghĩ. “Ngày trước tôi có sạp báo, cứ buổi sáng là mấy đứa nhỏ lang thang lại đến xin nhận báo đi bán và chúng về trả tiền rất đúng hẹn, chưa bao giờ quỵt nợ. Chẳng lẽ học sinh của mình được học hành và giáo dục đàng hoàng lại không làm được”, cô nhớ lại.
Buổi chào cờ đầu tuần sau đó, cô xin ban giám hiệu cho mình nói chuyện với các em học sinh: “Con người ai cũng có lòng tham. Đấu tranh tư tưởng bỏ hay không bỏ tiền vào thùng là điều diễn ra ở mỗi học sinh khi đến gian hàng trung thực. Điều quan trọng là các em có cảm thấy thanh thản khi dùng một vật không phải của mình”.
Buổi nói chuyện đã có tác dụng và liên tục hai tuần sau đó tất cả các em đã tự giác bỏ tiền vào thùng. Cả ban giám hiệu và cô Hồng thở phào nhẹ nhõm như trút được gánh nặng trước mắt.
“Tôi chỉ tâm niệm một điều khi mở gian hàng là giúp các em thực hành ngay những bài học về tính trung thực, về đạo đức làm người từ sách vở. Những đức tính tốt đó nếu được rèn từ nhỏ sẽ dần trở thành thói quen trong mỗi em, và xây dựng thói quen từ nhỏ thì tốt hơn so với việc chờ các em vi phạm rồi mang ra kỷ luật”, cô Hồng chia sẻ.
Phát triển gian hàng trung thực Sau hơn hai năm đưa vào hoạt động mô hình “Gian hàng tự quản” tại giảng đường H, khoa kinh tế phát triển ĐH Kinh tế TP.HCM (1A Hoàng Diệu, Phú Nhuận, TP.HCM), hiện nay số lượng sinh viên (SV) tham gia mua bán tự quản “tự mua, tự trả tiền” tăng lên nhiều. Đoàn khoa cũng đã trang bị thêm một kệ hàng hóa, tăng số lượng và chất lượng sản phẩm phong phú...Do mục đích chính để rèn luyện tính trung thực của SV nên số tiền lãi thu từ gian hàng không đáng kể do giá cả được tính theo giá sỉ. Phạm Thị Lu Đa, phó bí thư Đoàn khoa, cho biết: “Hiện nay mỗi ngày có khoảng 200 lượt SV tham gia mua hàng. Đoàn khoa đang lên kế hoạch nhân rộng mô hình”. Đầu năm 2008, tiến sĩ Nguyễn Hoàng Bảo - phó chủ nhiệm khoa, đã giao 5 triệu đồng đề xuất ý kiến đưa vào hoạt động mô hình “gian hàng tự quản” từ ý tưởng sau chuyến du học tại Osaka (Nhật Bản) với các mặt hàng phục vụ SV như sách vở, bút, mì ăn liền, bánh kẹo, khăn giấy... Lúc đầu cũng gặp nhiều khó khăn do SV chưa quen lắm với cách mua hàng thế này, nhưng dần dần mô hình đã hoạt động rất tốt cho đến nay. Và đó là cơ hội, môi trường rất tốt rèn tính trung thực của SV. Gian hàng vẫn sống tốt, có sự phát triển nhất định và từ gian hàng ấy đã nuôi dưỡng những đức tính tốt đẹp nhất từ con người. PHƯỚC TUẦN |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận