Phóng to |
Tạp chí Time vinh danh giáo sư Ngô Bảo Châu
Ngô Bảo Châu cũng là người được mời đọc báo cáo tại phiên họp toàn thể của đại hội toán học thế giới (sẽ họp tại Ấn Độ vào năm 2010). Nhiều nhà toán học VN có uy tín dự đoán tại đại hội này Châu có thể được tặng Huy chương Fields (giải thưởng lớn trong toán học, tương đương giải thưởng Nobel trong các ngành khoa học khác).
Ngô Bảo Châu hiện làm việc tại Viện Nghiên cứu cấp cao Princeton (Mỹ). Gần 20 năm sống xa Tổ quốc, anh vẫn mang tấm hộ chiếu phổ thông của nước CHXHCN VN.
Giải Nobel của toán học
Như nhiều người đã biết, giải thưởng Nobel về khoa học tự nhiên chỉ dành cho các phát minh xuất sắc trong vật lý, hóa học, sinh học. Không có giải thưởng Nobel cho toán học vì trong di chúc của Nobel, ông không ghi điều đó. Tại sao A. Nobel lại loại các nhà toán học ra khỏi giải thưởng mang tên ông? Sinh thời, GS Lê Văn Thiêm kể một mẩu giai thoại nói rằng bà vợ của Nobel trót có mối cảm tình “vượt quá giới hạn tình bạn” với một nhà toán học Thụy Điển, do vậy mà Nobel “ghét lây” cả giới toán học thế giới!
Để bổ khuyết tình trạng không công bằng ấy, giới toán học quốc tế lấy tên nhà toán học người Canada J. C. Fields (1863-1932) đặt cho một giải thưởng mới, dành riêng cho toán học, gọi là Huy chương Fields, được coi có giá trị ngang giải thưởng Nobel, thậm chí còn có phần khó hơn vì bốn năm mới tặng Huy chương Fields một lần, vào dịp đại hội toán học thế giới, và người được nhận bắt buộc phải dưới 40 tuổi, trong khi giải thưởng Nobel không hạn chế tuổi.
Nói chung, quy định độ tuổi như vậy là hợp lý bởi vì các nhà toán học thường có phát minh lớn ngay khi tuổi còn rất trẻ. Tuy nhiên cũng có ngoại lệ rất đáng tiếc. Năm 1994, khi công bố công trình hoàn chỉnh chứng minh định lý cuối cùng của Fermat thì Andrew Wiles đã 41 tuổi. Vì quy định ngặt nghèo về độ tuổi đó mà gần đây một số giải thưởng lớn về toán học đã được lập ra thêm, không hạn chế tuổi, như giải thưởng Abel, giải thưởng Clay.
Phóng to |
"Có hai kỹ năng sống mà tôi mất nhiều thời gian mới học được. Một là cách khen ngợi người khác thật lòng, khen vô tư, không có ý gì ở đằng sau. Hai là cách tiếp nhận lời khen: phải trân trọng nó như một món quà nho nhỏ của cuộc sống. Nhưng không nên đặt quá nhiều quan trọng vào một lời khen: không phải vì người ta khen mình một câu mà bỗng nhiên mình trở nên thông minh hơn. Nếu cái tin giật gân này cũng đem đến cho bạn một chút vui, một chút tự hào, thì đó là điều tôi mong muốn nhất. Nhưng tôi cũng mong các bạn giúp tôi giữ gìn nó như một cái gì mong manh dễ vỡ, kẻo cái vui nhỏ lại hóa thành một cái dềnh dàng phiền phức". |
Những ngày giữa tháng 10-2004, Ngô Bảo Châu dự hội nghị quốc tế về các dạng tự đẳng cấu và công thức vết được tổ chức tại Viện Fields, Canada. Anh trình bày công trình mà anh vừa cùng GS Gérard Laumon hoàn thành và công bố trên mạng Internet. Đó là công trình 100 trang về bổ đề cơ bản cho các nhóm unita, giải quyết một trở ngại lớn trên con đường phát triển lý thuyết tự đẳng cấu (automorphic forms theory), dần dần thực hiện chương trình Langlands (Langlands Program).
Trước hội nghị Canada, anh nhận được bức thư điện tử của James Carlson, chủ tịch Viện Toán học Clay, viết: “Giáo sư Ngô thân mến. Viện Toán học Clay vừa chọn ông và ông Gérard Laumon là hai người được tặng giải thưởng nghiên cứu Clay sẽ trao vào ngày 5-11-2004 tại TP Cambridge, bang Massachusetts trong phiên họp hằng năm của viện. Tôi cũng muốn mời ông dự cuộc họp hằng năm của viện chúng tôi tại Cambridge vào thứ sáu, 5-11, để nhận giải thưởng...”.
Đối với anh, bức thư này thật quá bất ngờ. Công trình của anh và Gérard Laumon mới công bố ở dạng tiền ấn phẩm. Năm 2007, Ngô Bảo Châu cũng giành được giải thưởng Oberwolfach (Oberwolfach Prize) do công trình nổi bật 188 trang về đại số và lý thuyết số. Giải do Quỹ Oberwolfach và Viện Nghiên cứu toán học Oberwolfach ở Đức trao tặng.
Sự mến phục của đồng nghiệp
Đánh giá về thành công của Ngô Bảo Châu, GS Ngô Việt Trung - viện trưởng Viện Toán học VN, viện sĩ Viện hàn lâm Khoa học thế giới thứ ba - nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn: “Đầu năm 2004 Ngô Bảo Châu và GS Gérard Laumon đã làm nên “một quả bom tấn” khi công bố kết quả đột phá về bổ đề cơ bản trong chương trình langlands, gây tiếng vang lớn trong giới toán học thế giới. Với kết quả ấy, anh và GS Laumon được tặng giải thưởng Clay danh giá. Đầu năm 2007, anh lại gây xôn xao khi giải quyết hoàn toàn bổ đề cơ bản. Với những thành công như thế, anh được Viện Nghiên cứu cấp cao Princeton của Mỹ, nơi tập trung rất nhiều nhà khoa học hàng đầu thế giới, mời sang làm việc dài hạn”.
GS Ngô Việt Trung coi GS Ngô Bảo Châu là “một ngôi sao sáng trên vòm trời toán học VN” và kết luận: “Chúng ta có cơ sở để hi vọng anh Ngô Bảo Châu được tặng một trong những giải thưởng cao quý nhất của toán học là Huy chương Fields”.
Cách đây không lâu, trò chuyện với GS Lê Tuấn Hoa - chủ tịch Hội Toán học VN, tôi được biết GS Ngô Bảo Châu đã được chính thức mời đọc báo cáo tại phiên họp toàn thể đại hội toán học thế giới sẽ họp tại Ấn Độ năm 2010. Theo GS Hoa, giới toán học VN hiện đang nóng lòng chờ đợi tin GS Ngô Bảo Châu được tặng Huy chương Fields.
Nếu điều dự báo của vị chủ tịch Hội Toán học Việt Nam xảy ra, đó sẽ là một sự kiện khoa học rất lớn bởi vì ngay cả Trung Quốc, với 1,3 tỉ dân, cũng chưa có nhà toán học nào giành được vinh dự khoa học cao quý ấy. Hàn Quốc, Singapore mặc dù khoa học và công nghệ phát triển hơn ta rất nhiều nhưng vẫn chưa có ai đoạt Huy chương Fields.
====================================================================
Ý kiến bạn đọc
* Sau khi đọc xong bài báo này, tôi thật sự khâm phục GS Ngô Bảo Châu và tự hào về việc một người Việt đã làm rạng danh đất nước Việt Nam. Giờ đây, khi nhắc đến GS Ngô Bảo Châu cả thế giới sẽ biết đến Việt Nam. Qua đây cho tôi gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến với GS và mong GS sẽ có những bước đột phá hơn nữa để làm rạng danh quê hương.
* Anh Bảo Châu ơi, hãy cố lên, anh là tấm gương sáng cho chúng em học tập. Cảm ơn anh.
* Rất vui mừng và tự hào về anh. Chúc anh luôn hạnh phúc và khỏe mạnh để tiếp tục góp sức vào sự phát triển của nhân loại và làm rạng danh nước Việt. Tôi tin rằng anh sẽ được trao tặng huy chương Fields danh giá tại đại hội toán học thế giới lần này. Cả nước đang chờ tin vui của anh.
* Là một người Việt, tôi thật sự cảm thấy tự hào về anh, về dân tộc Việt Nam.
* Có rất nhiều người Việt làm rạng danh nước Việt ở xứ người. Thật tự hào. Anh chính là một tấm gương sáng dành cho những sinh viên Việt Nam du học.
* Cảm ơn GS rất nhiều vì đã làm cho người nước ngoài nhìn nhận khác về khả năng của người Việt Nam. Chúc GS nhiều sức khỏe để cống hiến cho nền toán học thế giới.
* Đọc bài báo về anh mà tôi thấy quá vui, thêm phần tự hào, đây là một vinh dự lớn lao cho toàn thể con người Việt Nam. GS sẽ là tấm gương sáng để giới trẻ Việt Nam có thêm niềm tin và động lực để học tập và lao động.
* Tôi thật sự ngưỡng mộ GS Ngô Bảo Châu, mong rằng VN mình sẽ có nhiều hơn nữa những người tài như ông. Mong ông ngày càng thành công hơn nữa và cống hiến cho quê hương những thành tựu mà ông đạt được để phát triển đất nước chúng ta.
* Thấy vui rất nhiều và tự hào quá!
* Cảm ơn anh đã làm rạng danh Việt Nam. Chúng tôi chờ tin mừng trong năm 2010 với huy chương Fields.
* GS Châu quả thực là một tài năng, để có được những thành tích như hiện nay, chắc chắn anh phải tâm huyết rất nhiều. Sự cần cù, chăm chỉ và một cái đầu thông suốt đã đem đến cho anh sự thành công cao nhất.
Xin chúc mừng GS Châu, anh thực sự xứng đáng là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay và mai sau noi theo. Chúc anh luôn khỏe mạnh, luôn có những khám phá mới trong toán học, góp phần làm rạng danh nước nhà. Mong giải thưởng Fields danh giá sẽ thuộc về anh.
* Cám ơn và rất cám GS Ngô Bảo Châu, anh đã làm rạng danh đất nước Việt. Mọi người Việt trên thế giới luôn chúc anh mạnh khỏe, đột phá hơn nữa để đem vinh quang về cho tổ quốc.
* Thật tự hào khi Việt Nam chúng ta có những người như Ngô Bảo Châu. Chúc cho GS Châu sẽ có nhiều công trình toán học tầm cỡ thế giới.
* Tôi biết những thành tích tuyệt vời mà GS Ngô Bảo Châu đã đạt được còn là học sinh, sinh viên. Đó là những giải thưởng toán học quốc tế. Bây giờ tôi lại thấy được những thành công về toán học mang tầm cỡ quốc tế. Đó là niềm tự hào không chỉ cho riêng GS mà còn cho cả dân tộc Việt Nam. Một tấm gương sáng cho thế hệ trẻViệt Nam. Chúc GS sức khỏe và có nhiều thành công hơn nữa.
--------------------
Bạn có ý kiến ra sao về vấn đề này? Hãy chia sẻ với bạn đọc Tuổi Trẻ Online qua địa chỉ email tto@tuoitre.com.vn hoặc trong phần Ý kiến bạn đọc dưới đây. Cảm ơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận