02/03/2009 04:01 GMT+7

Vượt lên số phận

NGUYỄN NAM
NGUYỄN NAM

TT - Mặc dù sinh ra bị mắc bệnh tật bẩm sinh nhưng họ luôn nỗ lực vươn lên để khẳng định mình và sống có ích cho xã hội.

Những gương SV như vậy rất đáng để các bạn trẻ soi lại chính mình…

ev8vjwAJ.jpgPhóng to

Nga chăm chỉ học tập với giấc mơ sau này có thể giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ như mình -Ảnh: NGUYỄN NAM

Gian nan đường đến giảng đường

Sinh viên đại học mà chỉ cao 1,29m, bé như cái kẹo nên đi đâu ai cũng nhìn Nga chăm chú. Vượt qua bệnh tật và sự tự ti, hằng ngày “bé tí hon” Nguyễn Thị Nga vẫn chăm chỉ đi học với giấc mơ làm công tác xã hội trong tương lai.

Từ lúc mới sinh ra Nga đã mắc phải căn bệnh bẩm sinh, người không phát triển, chỉ có cái đầu là… to nhất. Nhà Nga thuộc diện đặc biệt khó khăn ở một vùng cao huyện Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam). Gia đình chỉ có vài mẩu ruộng nhỏ, canh tác hên thì đủ ăn, còn năm nào mất mùa xem như đi vay nợ triền miên. Sức khỏe kém nên Nga phải nhờ bạn bè và chị họ chở đi học chứ quyết không chịu bỏ lớp. Đi nhờ mãi cũng ngại nên bé tí hon bắt đầu tập đi xe đạp. “Cái xe của em nhỏ xíu giống như xe con nít vậy, nhưng để chinh phục được nó em cũng phải cố gắng và chịu rất nhiều đau đớn sau những lần té ngã”, Nga tâm sự.

Nghe tin Nga đậu vào Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, cả nhà ai cũng vui mừng khấp khởi. Nhưng nhìn lại gia cảnh nghèo quá, ba má Nga chỉ biết nhìn con gái mà ứa nước mắt. Đúng như dân nghèo Quảng Nam vẫn có câu nói với con cái: “Mày thi không đậu thì chết với tao, mày thi mà đậu thì tao chết với mày”.

Những ngày đầu lên giảng đường, ai cũng nhìn Nga như một “vật thể lạ”, nhiều lúc nghĩ lại Nga cũng thấy chạnh lòng và xót xa. “Em nghĩ người ta sống như thế nào mới là điều quan trọng, học tập như thế nào để khẳng định mình mới là thiết yếu, chứ đẹp xấu cũng chỉ là vẻ ngoài thôi …”. Những suy nghĩ như vậy đã thôi thúc bé tí hon hằng ngày chăm chỉ học hành.

“Theo ngành công tác xã hội, ước mơ của em sau khi ra trường là có thể giúp đỡ và chia sẻ với những người cùng cảnh ngộ như em”, Nga thổ lộ. Nhìn Nga lên xuống những bậc cầu thang, trèo khó nhọc lên chiếc giường con ai cũng thấy chạnh lòng, lại thầm nể phục nghị lực vươn lên của cô. Nga như đang sống giữa một thế giới của những người khổng lồ, vật dụng gì dù rất nhỏ cũng trở nên quá khổ đối với cô.

BoENkQAx.jpgPhóng to

Nhiều người thích vào shop Nhím mua hàng của cô chủ “đặc biệt” (bìa phải) -Ảnh: NGUYỄN NAM

Nghị lực của cô gái câm điếc

Nhiều SV Trường cao đẳng Công nghiệp thực phẩm TP.HCM đã quá quen thuộc với shop bán đồ lưu niệm mang tên Nhím nằm tại 172 Lê Trọng Tấn (P.Tây Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM). Một điểm lạ là tất cả các trao đổi mua bán giữa khách và chủ đều diễn ra trên trang giấy hoặc qua ngôn ngữ ký hiệu.

Vừa bước vào shop đã thấy tấm biển đề: Phạm Ngọc Hoàng Dung, SV khoa nghiên cứu ngôn ngữ người điếc. Xin vui lòng liên hệ bằng ngôn ngữ dấu, chữ viết hoặc nhắn tin qua điện thoại. Ông Phạm Anh Dũng, ba của Dung, cho biết: “Lúc mới sinh ra Dung phát sốt nặng dẫn đến di chứng bị câm, điếc. Gia đình cố chạy chữa khắp nơi nhưng không khỏi được. Tuy bị thiệt thòi so với bạn bè nhưng Dung không hề mặc cảm mà cố gắng học hành để tự lập”.

Hoàng Dung từ nhỏ đã theo học tại Trường câm điếc Hi Vọng (Q.Bình Thạnh). Sau khi học xong chương trình THCS ở Trường câm điếc Hi Vọng, Dung vừa học chương trình THPT vừa theo học khoa nghiên cứu ngôn ngữ người điếc tại Trường ĐH dân lập Lạc Hồng. Tốt nghiệp khoa nghiên cứu ngôn ngữ người điếc, Hoàng Dung lại muốn học thêm một khóa nghiệp vụ sư phạm tại Trường cao đẳng Sư phạm Đồng Nai với ước mơ sẽ làm cô giáo dạy chữ cho các em bị câm điếc sau này.

Thế là đầu tuần ba mẹ thay phiên đưa Dung từ TP.HCM đi Đồng Nai học, đến cuối tuần lại đón về. Nhưng đang học giữa chừng thì chứng sốt bẩm sinh tái phát. Quyết không nản chí, cô xin ba má hỗ trợ để mở shop Nhím bán đồ lưu niệm. “Ban đầu ba má mình cũng ngại lắm, lo sợ sức khỏe mình yếu nên can ngăn. Nhưng mình thuyết phục mãi, lại đề ra kế hoạch kinh doanh chi tiết nên mới được đồng ý và cấp vốn” - Dung hào hứng viết tâm sự ra giấy.

Nhiều bạn trẻ tìm đến shop Nhím mua quà lưu niệm một phần vì shop có một cô chủ đặc biệt, một phần vì “kết” những tấm thiệp, hộp quà ngộ nghĩnh do Hoàng Dung tự tay làm ra. “Người câm điếc rất khó tìm được việc làm như những người bình thường. Nếu công việc kinh doanh thuận lợi, mình sẽ mở rộng cửa hàng và nhờ các bạn cùng lớp đến làm chung”. Dung cũng đang ấp ủ kế hoạch mở một lớp học dạy ngôn ngữ ký hiệu để giúp những người câm điếc có thể giao tiếp với nhau. Đồng thời, người bình thường cũng có thể theo học để hiểu được suy nghĩ của thế giới những người câm điếc.

NGUYỄN NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên