26/06/2006 10:06 GMT+7

Những "phát minh" độc đáo của chàng trai Cơtu

Theo Thanh niên
Theo Thanh niên

Ở vùng cao Đông Giang (Quảng Nam), khi nhiều người dân vẫn còn xa lạ với điện thoại chỉ với khoảng 200.000 đồng, chàng "kỹ sư" Cơtu 30 tuổi có thể lắp đặt cho mình một hệ thống hữu tuyến để khi cần có thể nhấc máy "Alô... alô...".

MRnS9Sqd.jpgPhóng to
Ating Tinh và chiếc máy quay phim do anh lắp đặt
Ở vùng cao Đông Giang (Quảng Nam), khi nhiều người dân vẫn còn xa lạ với điện thoại chỉ với khoảng 200.000 đồng, chàng "kỹ sư" Cơtu 30 tuổi có thể lắp đặt cho mình một hệ thống hữu tuyến để khi cần có thể nhấc máy "Alô... alô...".

Đó là một trong những sáng kiến nổi bật trong "sự nghiệp" của Ating Tinh (thị trấn Prao), một trong 75 gương mặt thanh niên tiêu biểu của Quảng Nam.

"Sự nghiệp" mày mò chế tạo những vật dụng lạ đầu tiên của Ating Tinh bắt đầu từ chiếc micro bằng gỗ. Chiếc micro gỗ này - được Tinh mang ra Hà Nội dự chương trình gặp mặt thanh thiếu niên các dân tộc thiểu số toàn quốc - đã gây ngạc nhiên cho nhiều người. Từ khi còn học cấp 1, Tinh đã chịu khó quan sát những vật dụng lạ và về đến nhà liền mày mò làm theo.

Năm 14 tuổi, Tinh thường xuyên lui tới các tiệm sửa chữa radio để xem thợ làm việc, làm quen với các thiết bị điện tử nhỏ xíu. "Mình đã phá hỏng rất nhiều thiết bị điện tử ở nhà" - Tinh cười nhớ lại. Chiếc micro gỗ không dây được Ating Tinh lắp ghép một cách tình cờ trong những lần "phá hỏng" thiết bị như thế.

UHzatKO5.jpgPhóng to
Ating Tinh
Riêng chiếc "máy quay phim" đã sử dụng nhiều lần tại các lễ hội văn hóa của làng Gừng (thị trấn Prao), Tinh đã... phân rã 2 "xác" tivi, 1 loa kèn để lắp ghép, rồi giũa, sơn lại. Đó là một vật dụng rất lạ trong mắt đồng bào Cơtu khi hình ảnh của họ được ghi và chiếu trực tiếp trên màn hình tivi. Chiếc "máy quay phim" của Tinh sử dụng ống kính lắp ghép, hệ thống môtơ, nhưng chưa có bộ phận zoom nên khi muốn quay xa - gần thì chỉ có cách... đưa máy ra xa hay kê sát vào ai đó.

Cũng với kiểu phân rã - lắp ghép đó, Ating Tinh đã tạo ra hệ thống tự động xác định hướng gió bằng các linh kiện: volume của cassette, đồng hồ ampe kế, một cánh quạt... rồi đặt trên trần nhà; còn muốn biết độ mạnh của gió thì lắp thêm chiếc lò xo kéo căng... Bên bờ suối Chker ở làng Gừng, Ating Tinh lắp thành công một chiếc máy đo độ dâng của nước suối để dự báo mực nước vào mùa lũ.

Cũng dùng volume cassette, phao... khi nước dâng sẽ nâng phao lên và volume "vặn" theo, trong khi đó ở nơi theo dõi đã đặt sẵn đồng hồ có từ trường, lắp sẵn pin... để thể hiện những thay đổi của mực nước trên mặt đồng hồ. Hiệu quả sử dụng cao nhất có lẽ là hệ thống "điện thoại" khá đơn giản nhưng độc đáo ở làng Gừng. Ating Tinh sử dụng hai bộ micro, loa nối nhau bằng dây điện, bộ phận trung gian có một bộ phận công suất amply (IC).

Hệ thống này Tinh đã thử lắp từ nhà mình sang nhà anh trai, gặp những lúc trời mưa gió cần nói gì chỉ việc nhấc micro lên, hai bên sẽ "đàm thoại" thoải mái. Ating Tinh đang nghĩ đến một hệ thống "điện thoại hữu tuyến" như vậy kết nối xa hơn nhưng còn ngại tốn kém.

Những chiếc máy đo độ nước sâu, máy đo tự động độ dâng nước, bộ khóa cửa, tủ, xe máy, hệ thống máy tuốt lúa bằng gỗ, chiếc xe đạp bằng gỗ, máy giã gạo tự động... đã lần lượt ra đời và mỗi sản phẩm càng khiến cho Ating Tinh thêm tự tin. Chàng trai người Cơtu học hết chương trình lớp 12 Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Đông Giang này từng bỏ ra nhiều ngày mày mò cải tiến bộ phận đập suốt lúa cho đồng bào. Đó là một cái bàn gỗ rộng 50 cm, dài chừng 1m, mặt ván được đóng đinh so le để khi kéo những bó lúa ngang qua sẽ làm rụng những hạt chắc mẩy.

Khoảng 3 năm trước, Ting đã thí nghiệm bàn đập lúa này tại chân ruộng ở thôn Aduông cạnh làng Gừng với mong muốn giúp đồng bào bớt vất vả, lại dễ mang vác đối với địa bàn miền núi nhiều đồi dốc. Trong khi đó, chiếc loa phóng thanh bằng vỏ bầu khô là minh chứng cho khả năng "bắt chước" rất tài của Tinh. Anh quan sát chiếc loa thật bằng sắt và phân tích vì sao âm thanh lại khuếch to, và Tinh sử dụng một vỏ bầu to bên ngoài, bên trong có hai vỏ bầu nhỏ hơn chụp ngược lại, dán keo super, một chiếc loa máy cassette... theo đúng như cách mà loa sắt đã chặn âm, phóng âm.

Điều đáng quý nhất ở chỗ, dù "phát minh" lớn hay nhỏ, Ating Tinh đều dành tặng dân làng Cơtu.

Theo Thanh niên
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên