13/10/2010 19:23 GMT+7

Nhiều mặt hàng thiết yếu tăng giá

N.BÌNH
N.BÌNH

TTO - Ngay sau khi TP.HCM kết thúc tháng khuyến mãi diễn ra trong tháng 9 cùng với việc giá vàng và USD tăng mạnh trong những ngày qua, một số nhóm hàng tiêu dùng và thực phẩm cũng tăng theo.

HaRwjsFq.jpgPhóng to
Giá nhiều mặt hàng thiết yếu tăng mạnh tạo gánh nặng cho bà nội trợ - Ảnh: NH.B.

Rau lá tăng mạnh

Hiện nay tại các siêu thị mặt hàng dầu ăn đã tăng thêm 5-8%. Tuy đây là mặt hàng nằm trong diện bình ổn nhưng do giới hạn trong một, hai thương hiệu lẫn sản phẩm, chiếm thị phần khá nhỏ nên việc tăng giá lần này khiến nhiều bà nội trợ phải đắn đo trong chi tiêu.

Các siêu thị, trung tâm thương mại cho biết đã nhận được đề nghị tăng giá hàng trăm mặt hàng, nhất là nhóm hàng nhập khẩu. Lý do tăng giá được hầu hết các nhà cung cấp đưa ra là do ảnh hưởng tỉ giá và chi phí nguyên liệu sản xuất, nhân công tăng.

Trong khi đó, các mặt hàng lương thực, thực phẩm trong nước cũng bắt đầu bán với giá mới. Sau đợt tăng mạnh dịp Tết Trung thu, hiện nay giá đường cũng nhích thêm 1.000 đồng/kg, dao động từ 20.000-22.000 đồng/kg. Giá đường liên tục đứng mức cao kéo theo giá các mặt hàng bánh, kẹo tăng theo 5%.

Thời tiết mưa liên tục, bão lũ ảnh hưởng đến nguồn cung rau cho thành phố. Theo các tiểu thương chợ đầu mối Tam Bình (Q.Thủ Đức), lượng rau củ về chợ giảm khiến giá rau củ quả bất ngờ tăng mạnh trong hai ngày qua. Các loại rau lá đều tăng thêm 700-3.000 đồng/kg, chênh lệch giá bán giữa chợ sỉ và chợ lẻ lên đến 8.000-15.000 đồng/kg. Chị Thanh Phương (Q.Bình Thạnh) cho biết khi hỏi mua 3.000 rau muống người bán từ chối vì bó rau tối thiểu có giá 4.000 đồng!

Tại chợ đầu mối Bình Điền (Q.8), giá một số hải sản cũng tăng do lượng hàng về ít, sức mua tăng như mực tăng thêm 10.000 đồng/kg, sò lông tăng 3.000 đồng/kg, nấm rơm tăng 5.000 đồng/kg. Gạo tẻ trắng thường giá 10.000 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg, gạo trắng thơm 14.000 đồng/kg, gạo nàng thơm chợ Đào 16.000 đồng/kg, nếp sáp 17.000 đồng/kg, tăng bình quân 500-1.500 đồng/kg. Theo Cục Quản lý thị trường TP.HCM, hiện tượng tăng giá gạo chỉ mang tính cục bộ, xảy ra ở một số điểm.

Tăng cường biện pháp bình ổn

Để đảm bảo đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 6,5%, chỉ số giá tiêu dùng cả năm ở mức 8%, Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ thị yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường thực hiện biện pháp bình ổn giá cả, thị trường những tháng cuối năm.

Theo đó chậm nhất trong quý 4, các bộ Công thương, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Y tế, Xây dựng phải công bố quy hoạch phát triển sản xuất và hệ thống phân phối các sản phẩm chủ yếu như xăng dầu, phân bón, thép xây dựng, ximăng, lương thực, thuốc chữa bệnh.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ đạo nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành. Bộ Công thương chịu trách nhiệm bảo đảm cân đối cung, cầu các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phục vụ sản xuất, tiêu dùng từ nay đến quý 1-2011 và nhu cầu hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Tân Mão 2011.

Bộ Tài chính kiểm soát các yếu tố hình thành giá và việc xác định giá bán các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng thuộc diện bình ổn giá; điều hành giữ ổn định giá điện, giá than bán cho các hộ sản xuất ximăng, phân bón, giấy.

N.BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên