14/03/2011 06:47 GMT+7

Giảm lãi suất, không thể lỗi hẹn

T.TU.
T.TU.

TT - Những ngày gần đây, Ngân hàng (NH) Nhà nước liên tục ban hành những quy định để giúp các NH có thể giảm lãi suất huy động, qua đó giảm lãi suất cho vay.

Nặng ký nhất là quy định về trần lãi suất huy động. Các năm trước, NH Nhà nước tuy muốn áp đặt nhưng lại tránh tiếng, đẩy cho Hiệp hội NH và các NH. Lần này, trần lãi suất được ban hành dưới dạng thông tư, quy định pháp lý, NH nào vi phạm, NH Nhà nước sẽ xử phạt.

Với NH, bị phạt hành chính không chỉ là nộp tiền phạt, mà quan trọng hơn là không thể mở rộng hoạt động vì NH Nhà nước không cấp phép nghiệp vụ cho những đơn vị vừa bị xử phạt vi phạm hành chính.

Trần lãi suất được ban hành bởi NH Nhà nước cũng giúp các NH mạnh dạn từ chối những đề nghị được thỏa thuận lãi suất từ người gửi tiền. Đúng hơn, nếu vận dụng tốt, NH không còn bị bên gửi tiền dẫn dắt lãi suất như thời gian qua.

Không chỉ thế, NH Nhà nước cũng giúp xóa bỏ tình trạng người gửi tiền mặc cả lãi suất bằng cách “hăm” sẽ rút tiền gửi trước hạn ở NH có lãi suất thấp sang gửi NH khác có lãi suất cao hơn.

Với quy định mới, từ nay nếu rút trước hạn, NH nơi đang nhận tiền gửi buộc phải áp mức lãi suất thấp nhất của tiền gửi không kỳ hạn, một hình thức phạt do phá vỡ kỳ hạn gửi tiền, mà không còn trả lãi suất theo thời gian thực gửi như trước. Như vậy, người gửi rút trước hạn để gửi nơi khác có lãi suất cao hơn chút đỉnh nhưng chưa hẳn đã bù đắp được khoản bị “phạt” do rút trước hạn.

Một quy định khác về kiểm soát tín dụng cũng sẽ buộc một số NH tới đây phải rời đường đua lãi suất huy động do không thể mở rộng cho vay.

Khác với các năm trước, áp lực tăng lãi suất huy động còn do các NH chạy đua hút vốn để cho vay. Nay NH Nhà nước cũng đã siết luôn đầu ra, NH nào cho vay nhiều quá, có thể làm vỡ kế hoạch kiểm soát tăng trưởng tín dụng không quá 20% sẽ bị chế tài phải tăng dự trữ bắt buộc. Đầu ra bị khống chế ắt NH cũng sẽ phải hạn chế huy động.

Với các quy định trên, hơn lúc nào hết, các NH có điều kiện giảm lãi suất cho vay, giảm gánh nặng cho doanh nghiệp và nền kinh tế, một nhiệm vụ mà hơn ba năm qua NH không thực hiện được.

Nhưng cũng không thể chủ quan cho rằng các quy định mới có thể kéo lãi suất giảm ngay. Bởi lẽ trong quá trình thực hiện, không loại trừ tình trạng xé rào, như đã từng xảy ra trong những năm qua. Mới đây, chỉ vài ngày sau khi trần lãi suất huy động có hiệu lực, đã xuất hiện trở lại những lời than phiền từ một số NH khi bị NH khác xé trần lãi suất để lôi kéo khách hàng.

Nếu phản ánh từ các NH là đúng thì sớm muộn gì cũng kéo nhiều NH cùng tham gia, nguy cơ giảm lãi suất cho vay vẫn chỉ là mục tiêu phải phấn đấu thực hiện.

Chưa hết, tới đây NH Nhà nước cũng phải làm rất nhiều việc để các NH thực hiện nghiêm quy định về tăng trưởng tín dụng.

Rồi chuyện trả lãi thấp cho người gửi tiền rút trước hạn cũng có thể bị xé rào vì trên thực tế nhiều NH muốn trả đủ lãi cho người rút trước hạn như một cách để lôi kéo người gửi tiền...

Doanh nghiệp đang theo dõi mọi diễn biến lãi suất để quyết định phương hướng làm ăn trong thời gian tới. Chắc chắn người vay không thể chấp nhận lãi suất vẫn cao mà nguyên nhân là do các NH không thực hiện nghiêm các giải pháp để giảm lãi suất.

Nhiều chuyên gia NH cho rằng bên cạnh giải pháp hành chính cũng cần có giải pháp mang tính kinh tế để giảm lãi suất. Các quy định mà NH Nhà nước vừa ban hành chỉ giải quyết vấn đề giữa NH và người gửi tiền.

NH Nhà nước cũng phải xử lý một số vấn đề mang tính nội bộ giữa các NH để đảm bảo thanh khoản cho một số NH. Sau khi tình hình trở lại bình thường, cần dỡ bỏ những giải pháp mang tính hành chính, để thị trường trở lại vận hành theo quy luật cung - cầu.

T.TU.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên