Với số lượng phát hành thêm trong đợt chào bán này hơn 6,55 triệu cổ phiếu và giá bán 20.000 đồng/cổ phiếu, tổng số tiền mà DVD đã thu được của nhà đầu tư lên tới hơn 110 tỉ đồng (trong trường hợp đã bán hết).
Theo báo cáo của DVD vào cuối tháng 12-2010, tổng số tiền mà các nhà đầu tư mua cổ phiếu DVD yêu cầu hoàn trả là hơn 69 tỉ đồng. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư bức xúc cho rằng thiệt hại của những cổ đông nắm giữ cổ phiếu để hưởng quyền mua cổ phiếu phát hành của DVD rất lớn, lên tới hàng trăm tỉ đồng.
“Thiệt đơn, thiệt kép”
Cụ thể, tại thời điểm chốt quyền mua cổ phiếu DVD ngày 8-9-2010, giá cổ phiếu DVD đã được điều chỉnh xuống còn 100.000 đồng/cổ phiếu, giảm 44.000 đồng/cổ phiếu so với mức giá 144.000 đồng vào ngày 7-8-2010. Đây là động thái điều chỉnh kỹ thuật tại ngày chốt quyền theo nguyên tắc đảm bảo giá trị vốn hóa thị trường của doanh nghiệp tại cùng thời điểm, theo quy định hiện hành (giá cổ phiếu luôn bị điều chỉnh theo tỉ lệ tương ứng tại ngày chốt quyền trả cổ tức, thưởng cổ phiếu, phát hành thêm...).
Nhiều nhà đầu tư tính toán: chẳng hạn cổ đông A nắm giữ 1.000 cổ phiếu DVD ngày 7-9 với mức giá 144.000 đồng/cổ phiếu, tổng giá trị trong tài khoản của nhà đầu tư là 144 triệu đồng. Vào ngày chốt quyền 8-9, nhà đầu tư A được mua thêm 550 cổ phiếu DVD (theo tỉ lệ 100: 55) với giá ưu đãi 20.000 đồng/cổ phiếu.
Cùng ngày, toàn bộ 1.000 cổ phiếu DVD trong tài khoản của nhà đầu tư đều bị điều chỉnh xuống còn 100.000 đồng/cổ phiếu, tổng giá trị số cổ phiếu (cũ) này chỉ còn 100 triệu đồng.
Do đợt phát hành này vừa bị hủy, nhà đầu tư A không được mua thêm 550 cổ phiếu DVD và được hoàn trả 11 triệu đồng (550 cổ phiếu x 20.000 đồng) đã nộp. Tuy nhiên, tổng giá trị trong tài khoản của nhà đầu tư A bị mất đi 44 triệu đồng vào ngày 8-9, tức là nhà đầu tư A đã bị thiệt đến 44 triệu đồng. Và với số lượng cổ phiếu niêm yết của DVD là 11,91 triệu cổ phiếu, tổng số tiền bị “bốc hơi” do giá bị điều chỉnh kỹ thuật trong ngày chốt quyền lên tới hơn 524 tỉ đồng!
Ai phải chịu trách nhiệm?
“Nhiều cổ đông của DVD đã bị mất tiền oan. Nhưng không có một cơ quan chức năng nào đứng ra giải thích hay nhận trách nhiệm về những sai sót dẫn đến hậu quả này...” - một chuyên gia chứng khoán nói.
Theo chuyên gia này, điều mà dư luận vẫn đang băn khoăn là vì sao DVD vẫn được tiến hành chốt quyền chào bán chứng khoán dù trước đó SSC đã có động thái ngăn chặn đợt phát hành này?
Cụ thể, ngày 7-9 SSC đã có công văn yêu cầu tạm dừng đợt phát hành cổ phiếu của DVD do công ty đã công bố thông tin sai lệch về bản cáo bạch chào bán cổ phiếu ra công chúng, đồng thời yêu cầu DVD phải giải trình về vấn đề này.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong công văn “khẩn” gửi SSC cùng ngày, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) cho biết không thể tạm dừng đợt chào bán cổ phiếu của DVD với lý do không thể sửa đổi được.
Theo HoSE, các dữ liệu cần thiết đã được nhập vào hệ thống trong ngày 7-9 theo quy trình và việc xử lý trên hệ thống đã được hoàn tất trước 12g cùng ngày. Các dữ liệu này cũng đã được chuyển cho các công ty chứng khoán để thực hiện điều chỉnh giá cổ phiếu ngày 8-9. Trong khi đó, đến 15g30 ngày 7-9, HoSE mới nhận được yêu cầu của SSC về việc tạm dừng đợt chào bán của DVD.
Một số chuyên gia cho rằng việc sửa chữa sai sót (giá trần, giá sàn...) sau khi dữ liệu đã nhập vào hệ thống là một khâu cực kỳ quan trọng, được quy định một cách cụ thể và chặt chẽ trong quy trình kiểm tra dữ liệu hằng ngày trên hệ thống giao dịch của HoSE. Câu hỏi được đặt ra là liệu HoSE đã làm hết trách nhiệm để tránh gây tổn thất cho nhà đầu tư?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận