20/10/2010 07:36 GMT+7

Khi ADB phát hành trái phiếu bằng nhân dân tệ...

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TT - Tin từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hôm 19-10 cho biết lần đầu tiên ADB phát hành tại Hong Kong (Trung Quốc) trái phiếu có thời hạn mười năm bằng đồng nhân dân tệ (NDT), lãi suất 2,85%/năm, đáo hạn ngày 21-10-2020.

Số khách thực mua đông gấp hai lần số khách đăng ký trước đó, khiến ADB phải tăng lượng trái phiếu phát hành từ 1 tỉ lên 1,2 tỉ NDT. Độ tin cậy của đợt phát hành này được xếp hạng “AAA” (an toàn cao nhất). Thật dễ hiểu tại sao trái phiếu này lại bán chạy như tôm tươi. “Ôm” trái phiếu bằng USD để “vỡ mặt” khi đáo hạn vì đồng USD ngày càng tự phá giá sao? Vào lúc ADB phát hành trái phiếu đột phá này, tỉ giá chính thức của NDT so với các đồng tiền khác là:

- 100 USD = 665,53 NDT- 100 euro = 930,14 NDT- 100 yen = 8,1957 NDT- 100 HKD (đôla Hong Kong) = 85,792 NDT- 100 bảng Anh = 1.059,15 NDT(nguồn: http://www.china.org.cn/business/TradeDisputes/node_7086509.htm)

Việc một định chế tài chính quốc tế như ADB chọn đồng NDT làm “bản vị” cho các trái phiếu của mình chính là đưa đồng NDT chính thức bước vào vũ đài quốc tế. Từ nay, ADB, và không chỉ ADB, sẽ còn phát hành những đợt trái phiếu nữa bằng đồng NDT thay cho đồng USD xanh như thường thấy. Vụ phát hành trái phiếu này cho thấy trọng lượng thực tế của đồng NDT. Đúng là đã và đang có một nhu cầu tích vốn bằng đồng NDT thay vì các ngoại tệ cố hữu khác mà nay đang ngày càng mất giá.

Tin báo hiệu sự lên ngôi của đồng NDT mang ý nghĩa đột phá ngang với tin đồng USD thôi không còn đổi được ra vàng, theo quyết định ngày 15-8-1971 của tổng thống Mỹ Nixon, tức Mỹ thôi bảo chứng đồng tiền của mình bằng vàng khiến thiên hạ chưng hửng do đang tin dùng đồng tiền này. Từ quyết định lịch sử đó, đồng USD “tuột dốc không thắng” so với vàng như đang thấy hiện nay.

Tuy nhiên, giống như một tấm mề đay, vụ phát hành trái phiếu của ADB cũng còn một “mặt sau”: ADB cho biết sẽ sử dụng số tiền thu được qua đợt phát hành lần này để chi cho các dự án của ADB tài trợ ở Trung Quốc như năng lượng sạch, nhất là năng lượng gió, xử lý nước và hạ tầng cơ sở...

Làm thế nào ADB lại phải vay nợ để tài trợ ODA cho Trung Quốc, nước đang là chủ nợ của thế giới? Không chỉ ADB, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đã và đang tài trợ một số dự án phát triển cho Trung Quốc. Nhật cũng thế...

Tân Hoa xã vẫn đều đều loan những tin như “WB cung cấp 1,51 tỉ USD tín dụng cho tài khóa 2008... qua bốn dự án giúp Trung Quốc giải quyết các thách thức xã hội và môi trường của mình”. Nghịch lý “nhà giàu đi vay” chính là điều mà từ lâu các nước nghèo cần viện trợ thầm “khiếu nại” khi cho rằng mình bị tước mất cơ may được thêm viện trợ.

Trong khi Trung Quốc đang tích lũy đến 2.400 tỉ USD và đang viện trợ hàng tỉ USD cho một số nước, thì Trung Quốc cũng nhận từ Tổ chức Global Fund 1 tỉ USD gọi là để chống bệnh AIDS, lao phổi và sốt rét, chiếm vị trí thứ tư trong danh sách các nước nhận tài trợ từ quỹ này, còn đứng cả trên những nước đang phải chịu nhiều các gánh nặng này như Ethiopia, Tanzania, Nam Phi... Trong khi đó, Trung Quốc năm nay lại cam kết viện trợ 10 tỉ USD cho châu Phi.

Thật ra không có gì lạ, trái lại rất hợp lý! Trung Quốc góp vốn nhiều cho các định chế tài chính quốc tế thì cũng có quyền vay vốn nhiều. Song đó lại là những điều mà các nước góp vốn lớn nhất khác như Mỹ, Nhật, Đức... không làm! Theo bản tin của ADB, ADB phát hành trái phiếu bằng NDT để... tài trợ phát triển cho Trung Quốc, quả là “hai mặt”!

DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên