11/05/2010 07:25 GMT+7

Nhộn nhịp sáp nhập trên sàn chứng khoán

HOÀI GIANG
HOÀI GIANG

TT - Nhiều công ty trên sàn chứng khoán đã sáp nhập với các công ty khác để mở rộng quy mô, khai thác lợi thế của nhau. Vụ mới nhất là Công ty CP Kinh Đô (KDC) thông qua phương án sáp nhập Công ty CP Kinh Đô miền Bắc (NKD) và Công ty CP Kido vào KDC.

dEL489WK.jpgPhóng to
Công ty Kinh Đô kỳ vọng sẽ tăng năng lực sản xuất sau khi sáp nhập - Ảnh: H.Đăng

Hoạt động sáp nhập và mua lại (M&A) đang trở thành trào lưu trên thị trường chứng khoán VN thời gian gần đây và dự báo sẽ sôi động trong thời gian tới.

Sáp nhập để mở rộng ngành nghề

M&A được viết tắt bởi hai từ tiếng Anh là Mergers (sáp nhập) và Acquisitions (mua lại). Theo Luật cạnh tranh, sáp nhập là việc “một hay một số doanh nghiệp chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình sang một doanh nghiệp khác, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp bị sáp nhập”.

Mua lại doanh nghiệp là việc “một doanh nghiệp mua toàn bộ hoặc một phần tài sản của doanh nghiệp khác để kiểm soát, chi phối toàn bộ hoặc một ngành nghề của doanh nghiệp bị mua lại”.

Ngày 8-5, đại hội đồng cổ đông KDC đã thông qua phương án sáp nhập NKD và Công ty CP Kido vào KDC. Theo đó, KDC sẽ phát hành 18 triệu cổ phiếu để hoán đổi với cổ phiếu NKD và Kido. Một ngày trước đó, cổ đông cả NKD và Kido đã thông qua phương án sáp nhập nêu trên.

Theo ông Trần Lệ Nguyên - tổng giám đốc KDC, đây là bước khởi đầu cho định hướng xây dựng KDC thành tập đoàn không chỉ hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh bánh kẹo, kem, sữa chua... mà còn mở sang nhóm hàng thực phẩm có tiềm năng và lợi nhuận cao khác. “Chúng tôi đã đưa vào tầm ngắm một số công ty trong lĩnh vực thực phẩm, khi cơ hội chín muồi sẽ tiếp tục sáp nhập. Trong đó Vinabico là doanh nghiệp tiếp theo trong danh sách này...” - ông Nguyên nói.

Cuối tháng 4-2010, thương vụ mua lại 100% cổ phần của Công ty CP Công nghệ viễn thông Sài Gòn (SGT), do Công ty CP phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) thực hiện, cũng diễn ra suôn sẻ. Đều là thành viên của Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn, với lĩnh vực hoạt động khá tương đồng và có nhiều khả năng bổ trợ lẫn nhau, KBC được kỳ vọng sẽ được nâng tầm nếu tận dụng được những lợi thế của nhau.

Đây là hai trong nhiều thương vụ M&A thành công trong thời gian gần đây. Trước đó, các thương vụ sáp nhập Công ty CP Ximăng Hà Tiên 2 (HT2) vào Công ty CP Ximăng Hà Tiên 1 (HT1), Công ty CP Mirae Fiber (KMF) vào Công ty CP Mirae (KMR), Công ty CP Đầu tư khoan dầu khí VN (PVD Invest) vào Tổng công ty CP Khoan và dịch vụ khoan dầu khí (PVD)... cũng đã thành công, trong đó một số công ty đang trong quá trình hoàn tất thủ tục sáp nhập.

Thôi cạnh tranh lẫn nhau

Đều là thành viên trong nhóm của Kinh Đô, nhưng theo ông Trần Lệ Nguyên, thời gian qua mỗi doanh nghiệp trong nhóm đều phải đặt lợi ích của đơn vị mình lên hàng đầu. Khi tung ra thị trường sản phẩm mới, KDC ưu tiên cho thị trường phía Nam trước rồi mới đến NKD ở khu vực phía Bắc và ngược lại. Mỗi doanh nghiệp phải bỏ ra khoản phí khá lớn cho nghiên cứu cũng như làm thị trường cho sản phẩm riêng...

Sau sáp nhập, không những chi phí nghiên cứu, tiếp thị sản phẩm sẽ giảm mạnh do được quy về một đầu mối, mà cơ hội thành công của sản phẩm cũng sẽ tăng lên khi cùng được tung ra đồng loạt tại tất cả các khu vực.

Tương tự là trường hợp của HT1 và HT2, hai đối thủ cạnh tranh trên thị trường ximăng dù đều là những đơn vị thành viên của Tổng công ty Công nghiệp ximăng VN.

Thị trường chủ yếu tập trung tại khu vực miền Tây, nhưng HT2 có lợi thế về nguồn nguyên liệu clinker. Ngược lại, HT1 có một hệ thống phân phối rộng khắp thị trường TP.HCM và khu vực Đông Nam bộ, nhưng mỗi năm phải chi ra một khoản lớn ngoại tệ để nhập khẩu clinker.

Dù muốn hay không, cả HT1 và HT2 đều khó có khả năng mở rộng thị trường sang khu vực của đối thủ do chi phí vận chuyển khá lớn. Trong thời gian tới, sau khi HT2 sáp nhập vào HT1, câu chuyện “gà nhà đá nhau” sẽ không còn. Với quy mô vốn mới, thương hiệu ximăng Hà Tiên sẽ có cơ hội mở rộng tầm ảnh hưởng hơn nữa lên thị trường.

Theo ông Trần Lệ Nguyên, với quy mô vốn sau sáp nhập, KDC sẽ có nhiều lợi thế hơn trong việc thương lượng về giá cả, chất lượng nguyên liệu cũng như thời gian giao hàng... Chưa kể việc hỗ trợ nhau cũng tốt hơn, như điều tiết vốn, thiết bị sản xuất để khai thác tối đa công suất thiết bị...

Theo một số chuyên gia, ngoài sức mạnh về vốn, tùy từng lĩnh vực khác nhau, những doanh nghiệp mới sau sáp nhập cũng có nhiều cơ hội phát huy các lợi thế khác nhau. Chẳng hạn đối với HT1 và HT2 là sự hỗ trợ nhau về nguồn nguyên liệu, đầu ra của sản phẩm (thống nhất về thị trường, giá cả sản phẩm). KBC sẽ phát huy tốt hơn sức mạnh về lĩnh vực bất động sản, mở rộng ảnh hưởng sang các thị trường miền Trung và phía Nam, lãnh địa của SGT. Ngược lại, các dự án công nghệ thông tin trong những dự án phát triển đô thị của KBC là cơ hội để SGT phát huy thế mạnh.

Sáp nhập chỉ là khởi đầu

Theo ông Đinh Quang Hoàng - giám đốc tư vấn tài chính doanh nghiệp Công ty chứng khoán Bản Việt, nhu cầu tái cấu trúc của doanh nghiệp hiện nay rất lớn, đặc biệt là những doanh nghiệp đã “sinh” ra nhiều công ty thành viên và những đơn vị này hoạt động chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng.

Ngoài ra, khi thị trường phát triển đến ngưỡng bão hòa, không còn khả năng mở rộng hơn nữa, nhiều doanh nghiệp sẽ tính tới phương án “kết hôn” với những doanh nghiệp có những tương đồng về lĩnh vực ngành nghề, thị trường... để mở rộng quy mô. Đây là cơ sở để dự báo hoạt động M&A sẽ sôi động hơn trong thời gian tới, sau khi một số thương vụ M&A thành công thời gian qua.

Tuy nhiên, việc sáp nhập hay hợp nhất chỉ là bước khởi đầu, khả năng tận dụng hay phát huy lợi thế của thời kỳ “hậu sáp nhập” mới quyết định đến tương lai của doanh nghiệp. Nó phụ thuộc vào năng lực quản trị của đội ngũ lãnh đạo các công ty.

Một chuyên gia cho rằng nếu lãnh đạo các doanh nghiệp không đáp ứng được việc điều hành một tập đoàn hay doanh nghiệp lớn, với sự xung đột trong quản trị, định hướng kinh doanh, sự khác biệt về văn hóa công ty..., cổ đông khó có thể kỳ vọng về hiệu quả tốt hơn ở những doanh nghiệp “hậu sáp nhập”.

HOÀI GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên