17/03/2012 07:11 GMT+7

Giật mình với trái cây tươi lâu

TRẦN MẠNH - DŨNG TUẤN
TRẦN MẠNH - DŨNG TUẤN

TT - Những ngày gần đây, nhiều người dân hoang mang trước những loại trái cây, trong đó chủ yếu là trái cây nhập khẩu, để hàng tháng trời ở nhiệt độ thường nhưng vẫn còn tươi nguyên.

Lê, táo để hai tháng vẫn tươi

Thực tế hiện nay việc kiểm soát chất lượng trái cây nhập khẩu vào VN gần như buông lỏng.

UdqKn931.jpgPhóng to

Hai trái táo của gia đình chị Sông Ngân ở P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, TP.HCM dù để hai tháng nhưng nhìn vẫn còn tươi - Ảnh: Thuận Thắng

Tại các chợ đầu mối TP.HCM, mỗi ngày có hàng ngàn tấn trái cây ngoại được nhập về, phần lớn trong số này là các loại trái cây có dán nhãn mác Trung Quốc, thế nhưng chỉ cần nộp phí đậu xe cho ban quản lý các chợ đầu mối, các xe vận chuyển trái cây ngoại sẽ được “thả” tự do vào.

Dễ dàng vào VN

Xuất đi khó, nhập vào dễ

Theo TS Nguyễn Hữu Đạt - giám đốc Cơ quan kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2 (Bộ NN&PTNT), sau khi gia nhập WTO, VN bắt đầu tiếp cận với một số thị trường trái cây khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU... và gặp phải rào cản kỹ thuật rất gắt gao. Để vào được các thị trường này, trái cây VN phải chứng minh được quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn của nhà nhập khẩu, phải đáp ứng được các tiêu chuẩn về an toàn dịch bệnh và bị kiểm tra về an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhận thấy hàng rào mà các nước dựng lên ngày càng nhiều nhưng ngược lại VN lại quá dễ dãi nên cơ quan chức năng VN cũng bắt đầu đàm phán với các nước về xem xét lại quy trình đánh giá nguy cơ dịch hại với trái cây nhập khẩu vào VN.

Khoảng 1g sáng, tại chợ đầu mối Hóc Môn, hàng chục chiếc xe tải nườm nượp kéo về cổng chính chợ. Tại đây các xe phải dừng lại nộp phí đậu xe cho ban quản lý chợ, sau đó các xe tiến thẳng vào khu vực kho bãi hoặc các vựa trái cây đã đợi sẵn để bốc dỡ hàng.

Theo quan sát của chúng tôi, mỗi đêm có khoảng vài chục chiếc xe vận chuyển trái cây ngoại nhập (chủ yếu xuất xứ từ Trung Quốc) đổ về chợ này. Trái cây thường được đóng gói kín đáo trong các thùng cactông có ghi rõ nguồn gốc, bên trong bọc thêm lớp nilông hoặc xốp mỏng. Mặc dù vận chuyển đường dài, lại đựng trong các thùng kín nhưng hầu hết trái cây vẫn còn tươi nguyên, không có dấu hiệu bị dập nát hay ẩm mốc. Tại chợ nông sản Thủ Đức, các xe tải cũng chỉ cần đóng phí qua cổng 20.000-30.000 đồng/xe là có thể tự do vào thả hàng cho các vựa.

Anh Hưng, một chủ vựa chuyên lấy trái cây từ cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) về TP.HCM, cho hay: “Các công ty bên mình (VN) thường sang tận Trung Quốc để gom hàng. Sau khi làm thủ tục nhập khẩu, hàng sẽ được phân phối đi khắp mọi miền”. Cũng theo anh Hưng, các loại trái cây có xuất xứ Trung Quốc (chủ yếu là táo, lê) chỉ cần được dán tem, nhãn mác đầy đủ theo quy định của hải quan là có thể nhập vào VN. “Sau khi qua cửa khẩu, trong suốt quá trình vận chuyển về chợ, tôi chưa thấy có cơ quan nào kiểm tra chất lượng cả” - anh Hưng khẳng định.

Theo các chủ vựa phân phối trái cây, họ thường mua hàng đã đóng hộp kín nên không biết trước khi bán phía Trung Quốc có tẩm hóa chất gì để bảo quản hay không. Chỉ có điều đặc biệt là trái cây Trung Quốc tươi rất lâu vì ngoài thời gian để bên Trung Quốc thì khi qua cửa khẩu vận chuyển mất 3-4 ngày, sau đó lại để ở các nơi bán lẻ trong thời gian khá lâu nhưng ít thấy bị hư hại, dập nát. “Trái cây Trung Quốc để tươi trong thời gian dài nên chủ vựa tại chợ đầu mối không cần phải sử dụng bất kỳ chất bảo quản nào khác để chống mốc hoặc hư hại” - anh T. cho biết. Khi được hỏi về việc quản lý chất lượng, vệ sinh thực phẩm trái cây, anh T. nói ngay: “Chẳng thấy kiểm tra bao giờ!”.

Quản lý lỏng lẻo

Theo TS Nguyễn Văn Phong - trưởng bộ môn công nghệ sau thu hoạch Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, bản thân các loại trái cây ôn đới như táo, lê đã có thời gian bảo quản lâu hơn nhiều loại trái cây nhiệt đới. Tuy nhiên, nếu để trái cây ở nhiệt độ thường trong điều kiện phía Nam mà sau hai tháng vẫn còn tươi là điều bất thường. TS Phong cho biết thông thường người ta dùng thuốc diệt nấm để bảo quản trái cây vì đây là nguyên nhân chủ yếu làm trái cây hỏng nhanh. Ngoài ra, tùy từng mục đích để trong bao lâu họ tính toán dùng thêm các cách khác như màng bọc để bảo quản. Về nguyên tắc, tất cả chất bảo quản trái cây đều phải được cơ quan chức năng cho phép sử dụng, nhưng nhiều người sử dụng cả những chất cấm như thuốc trừ cỏ để bảo quản trái cây do rẻ tiền và hiệu quả cao. “Muốn biết chất bảo quản có hại cho sức khỏe hay không thì ngoài việc kiểm soát chặt chẽ quá trình thu hoạch, đóng gói phải lấy mẫu phân tích” - TS Phong nói.

Tuy nhiên, với điều kiện tại VN hiện nay, việc kiểm tra dư lượng các hóa chất trong trái cây cũng như hóa chất bảo quản là rất khó thực hiện. Một quan chức ngành nông nghiệp cho biết trước khi gia nhập WTO, trách nhiệm kiểm tra dư lượng thuốc trong rau quả nhập khẩu thuộc nhiều bộ khác nhau. Về nguyên tắc, một loại trái cây nhập khẩu về VN thì ngoài kiểm tra của hải quan tại cửa khẩu còn chịu sự kiểm tra về dịch hại và dư lượng chất bảo vệ thực vật. Nhưng theo ông Phạm Minh Sang - phó giám đốc Trung tâm kiểm định thuốc (Cục Bảo vệ thực vật Bộ NN&PTNT), theo Luật an toàn thực phẩm, nhiệm vụ kiểm tra tồn dư hóa chất trong trái cây mới chuyển về cho Bộ NN&PTNT từ tháng 7-2011. Do đó, với một lượng hàng nông sản nhập khẩu rất lớn mà trong một thời gian ngắn được chuyển giao sẽ khó kiểm soát hết mọi đơn hàng nhập khẩu. “Một trung tâm kiểm định thuốc phía Nam nhưng chỉ có năm máy kiểm tra dư lượng thuốc, so với các nước và lãnh thổ trong khu vực như Thái Lan, Đài Loan thì cơ sở kiểm định dư chất bảo vệ thực vật của VN chẳng thấm vào đâu. Ví dụ như Đài Loan, chỉ một địa phương của họ đã có hàng trăm máy tự động hoạt động suốt ngày đêm” - ông Sang nói.

Không chỉ thiếu máy móc mà kinh phí thực hiện phân tích cũng quá eo hẹp nên có muốn cũng không thể làm nhiều. Ông Sang giải thích chi phí để kiểm tra dư lượng của 25 loại thuốc bảo vệ thực vật thông thường trong một mẫu kiểm nghiệm tốn 3-5 triệu đồng. Trong khi đó theo Luật an toàn thực phẩm, tiền thực hiện phân tích kiểm tra này là của Nhà nước. Do vậy, sau khi lấy mẫu ngẫu nhiên các lô hàng nhập khẩu thì mỗi mẫu cũng chỉ kiểm tra được khoảng bảy loại hóa chất, một con số quá nhỏ nhoi so với trên 200 hóa chất mà các nước như Mỹ, Eu, Nhật... kiểm tra.

Ngoài ra, theo ông Sang, có hàng trăm loại chất bảo quản khác nhau và nhiều loại mới được nghiên cứu thêm trên khắp thế giới. Nếu như chất bảo quản không nằm trong danh mục kiểm tra thì cơ quan chức năng cũng chịu.

Trái cây để 4 tháng chưa hư...

Sau khi Tuổi Trẻ đưa tin “Lê, táo để hai tháng vẫn tươi” (Tuổi Trẻ ngày 15-3), nhiều bạn đọc đã gọi điện, email đến báo Tuổi Trẻ thông tin thêm về nhiều trường hợp tương tự.

Bạn đọc tên Bình Anh và bạn đọc tên Nguyễn cho biết đều mua táo và lê cách đây bốn tháng nhưng tới nay vẫn còn y nguyên, nhìn ngoài vỏ vẫn tươi như lúc mua từ chợ về.

Ông Sang (ngụ ở P.An Bình, Q.Ninh Kiều, TP Cần Thơ) cũng lấy làm lạ khi quả dưa hấu vỏ vàng mua từ trước Tết Nguyên đán đến nay đã gần hai tháng vẫn chưa hư. Ông cho biết vỏ quả dưa vẫn tươi, cuống không rụng mà chỉ hơi héo.

Bạn đọc tên Nhân Tâm cũng rất sợ khi cho biết vợ anh mua mâm ngũ quả về chưng tết, trái cây nào chưng được vài ngày cũng hư nhưng hai trái táo và một trái lê vẫn tươi rất lâu (để hơn một tháng rưỡi vẫn chưa hư).

Chị Nguyễn Thị Kim Phụng lo lắng vứt mớ táo mua từ tết bỏ trong tủ lạnh mà đến giờ vẫn tươi như lúc mới mua. Chị cho hay sẽ bỏ hết vì sợ trẻ con trong nhà ăn phải nguy hiểm. Bạn đọc Trung Thành cũng mua cà chua ngoài chợ về, chỉ nấu một ít và bỏ quên hai quả bên ngoài. Một tuần sau nhớ ra thì quả cà chua vẫn chưa bị thối, vỏ chỉ hơi nhăn, trong khi mua cà chua ở siêu thị để 4-5 ngày là hư.

TRẦN MẠNH - DŨNG TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên