26/07/2005 07:04 GMT+7

Trung Quốc tăng giá đồng nhân dân tệ: Ai được, ai mất?

 Tiến sĩ VŨ THÀNH TỰ ANH (giám đốc nghiên cứu của Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, TP.HCM)  HUỲNH THẾ DU
 Tiến sĩ VŨ THÀNH TỰ ANH (giám đốc nghiên cứu của Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, TP.HCM)  HUỲNH THẾ DU

TT - Đối với VN, như nhiều chuyên gia đã phân tích, lợi ích lớn nhất của việc TQ nâng giá đồng NDT là chúng ta có thể mở rộng thị trường xuất khẩu sang những nước mà thị phần của TQ có thể bị giảm.

RdGJTwk6.jpgPhóng to

Dưới sức ép gay gắt trong suốt hai năm trở lại đây của Mỹ và một số đối tác thương mại chủ yếu khác như Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, cuối cùng vào ngày 21-7 vừa qua, Trung Quốc (TQ) đã quyết định thực hiện một cải cách ban đầu đối với chính sách tỉ giá hối đoái.

TQ áp dụng chế độ thả nổi tỉ giá có kiểm soát, đồng thời giá trị của đồng nhân dân tệ (NDT) không chỉ gắn với riêng USD như từ năm 1994 trở lại đây mà được tham chiếu với một “giỏ ngoại tệ” bao gồm cả một số đồng tiền mạnh khác.

Theo thông báo của Ngân hàng Trung ương TQ, giá giao dịch chính thức giữa đồng NDT và đồng USD giảm 2,1%, tức là từ 8,28 NDT = 1 USD xuống còn 8,11 NDT = 1 USD. Các giao dịch hoán đổi liên ngân hàng giữa đồng NDT và USD được phép dao động xung quanh mức giá công bố với biên độ 0,3%, và 1,5% đối với các ngoại tệ khác.

Tại sao TQ nâng giá NDT?

Có nhiều cách giải thích (không nhất thiết loại trừ lẫn nhau) cho sự kiện này. Theo ông Châu Tiểu Xuyên, thống đốc Ngân hàng Trung ương TQ, việc nước này từ bỏ chế độ neo tỉ giá NDT vào USD là vì trong mấy năm trở lại đây giá trị của USD biến động mạnh do những khó khăn nội tại của nền kinh tế Mỹ mà nổi bật là tình trạng thâm hụt lớn về ngân sách và cán cân thương mại.

Ông Châu cũng cho rằng TQ chuyển đổi sang cơ chế tỉ giá thả nổi có kiểm soát vì mục tiêu tăng trưởng và ổn định của nền kinh tế chứ hoàn toàn không phải do sức ép từ bên ngoài.

Phát biểu của ông Châu có một phần sự thật. Đúng là với việc tăng giá đồng NDT một cách tương đối so với USD và một số đồng ngoại tệ khác, sức mua của toàn nền kinh tế của TQ sẽ gia tăng.

Tuy nhiên, chính sách mới sẽ làm tăng giá các sản phẩm xuất khẩu, và vì vậy làm giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp TQ trên thị trường quốc tế. Điều này chắc chắn sẽ làm giảm thặng dư thương mại, vốn là nhân tố quan trọng tạo ra tốc độ tăng trưởng thần kỳ của TQ bấy lâu nay.

Việc thay đổi chính sách tỉ giá sẽ đặt Ngân hàng Trung ương TQ trước một thách thức không nhỏ - đó là phải giữ vững được tỉ giá này, một mặt để giữ uy tín cho chính mình trong tương lai, mặt khác để tránh một sự tấn công đầu cơ vào đồng NDT (do các nhà đầu cơ đồng loạt mua đồng NDT với kỳ vọng là đồng tiền này sẽ tăng giá đáng kể trong một tương lai không xa). Lưu ý rằng Mỹ và EU muốn TQ tăng giá đồng NDT từ 10 - 15%.

Còn trên thị trường tiền tệ thì ngay ngày hôm sau (22-7), giá giao dịch kỳ hạn một năm của đồng NDT trên thị trường Singapore là 7,64 NDT = 1 USD, cao hơn gần 8% so với mức giá cố định trước đây. Tương tự như vậy, Ngân hàng Đầu tư Merrill Lynch cũng dự báo tỉ giá NDT vào cuối năm nay sẽ là 7,5 NDT = 1 USD.

Tuy vậy, nếu không có sức ép từ nhiều phía, đặc biệt là từ phía Mỹ, thì TQ sẽ không chịu nâng giá NDT như họ đã làm trong suốt 11 năm qua. Hôm 19-7, Quốc hội Mỹ đã ra hạn cho TQ 90 ngày để định giá lại đồng tiền của mình, nếu không sẽ chịu một mức áp thuế đồng loạt đối với các hàng hóa xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Mức thuế dự kiến này sẽ đúng bằng tỉ lệ phần trăm phá giá của đồng NDT so với giá trị thực của nó. Theo tính toán trong một dự luật mới đây của hai thượng nghị sĩ, Charles Schumer của đảng Dân chủ (bang New York) và Lindsey Graham của đảng Cộng hòa (bang South Carolina), con số này là 27,5%.

Tất nhiên mức áp thuế sẽ được điều chỉnh hằng năm tùy theo sự “hợp tác” của TQ trong việc định giá lại đồng tiền của mình.

Tại sao chỉ là 2,1% và vào thời điểm này?

Tại sao TQ chỉ nâng giá đồng NDT 2,1% chứ không phải là 10 hay 15% như yêu sách của Mỹ và một số nước khác? Có lẽ một phần là do “tính cách” của người TQ luôn theo đuổi các cuộc cải cách tiệm tiến theo kiểu “dò đá qua sông”.

Trên thực tế, từ phía TQ cũng có một đề xuất tăng giá đồng NDT thêm 5% nhưng bị bác bỏ vì theo tính toán mức tăng này sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng 1,4%, đồng thời giảm chỉ số giá tiêu dùng 1,4% - một nguy cơ dẫn tới thiểu phát.

Có lẽ phía TQ tính toán rằng mức nâng giá 2,1% đủ để làm cho Mỹ và các đối tác thương mại của TQ “hạ hỏa”, đồng thời báo hiệu rằng đồng NDT sẽ còn được điều chỉnh trong tương lai. Một nguyên nhân nữa không thể không kể đến là chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch TQ Hồ Cẩm Đào vào tháng chín tới.

Khi ấy, chủ tịch TQ sẽ đến Mỹ với tấm thảm đỏ được dệt bởi những “thiện chí hợp tác” (không chỉ trong kinh tế mà còn trong lĩnh vực tôn giáo, nhân quyền, y tế...), đồng thời lại không gây nên một “phản cảm” rằng TQ vì muốn qua sông nên phải lụy đò!

Những ảnh hưởng

Nói chung, việc TQ nâng giá đồng NDT được đón nhận tích cực từ tất cả các đối tác thương mại. Ở Mỹ, mặc dù chưa thật sự hài lòng với mức 2,1% nhưng dư luận chung đều cho rằng điều này giúp cải thiện cán cân thương mại và làm nhẹ bớt sức ép thất nghiệp.

Chính sách tỉ giá của TQ sẽ như thế nào trong tương lai? Ở thời điểm này có lẽ khó có thể nói một cách chính xác về quĩ đạo của nó. Vì lợi ích của chính mình, TQ sẽ cố gắng duy trì chế độ tỉ giá thả nổi có kiểm soát như đã tuyên bố.

Trong ngắn hạn, những bằng chứng hiện nay cho thấy xác suất để TQ chuyển hẳn sang chế độ thả nổi tỉ giá là rất nhỏ. Tuy nhiên, do sức ép từ Mỹ và EU vẫn gần như còn nguyên vẹn nên chắc chắn TQ sẽ phải tiếp tục định giá lại đồng NDT. Mâu thuẫn và xung đột lợi ích giữa TQ với Mỹ và EU sẽ quyết định quĩ đạo và biên độ của những thay đổi này trong tương lai.

Khi đồng NDT được nâng giá đủ lớn thì thay bằng việc nhập khẩu từ TQ, Mỹ sẽ nhập khẩu từ các nền kinh tế đang phát triển khác, như khu vực Đông Nam Á hay châu Mỹ Latin chẳng hạn. Điều này về cơ bản cũng đúng đối với các nước EU.

Tuy nhiên, ngay cả khi cán cân thương mại của Mỹ không được cải thiện đáng kể thì Mỹ vẫn có động cơ to lớn nhằm gây sức ép buộc đồng NDT phải tiếp tục tăng giá. Nền kinh tế TQ giờ đây đã nằm trong danh sách 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Thực lực và tham vọng về kinh tế, chính trị và quân sự của TQ luôn là một nguy cơ đối với Mỹ và là điểm nóng trong mối quan hệ giữa hai nước. Nước Mỹ rất lo ngại về sự lớn mạnh dường như không gì cưỡng lại nổi của TQ đã làm thay đổi cán cân quyền lực và ảnh hưởng không chỉ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà còn trên phạm vi toàn thế giới.

Vì vậy, gây sức ép buộc đồng NDT tăng giá, qua đó làm giảm thặng dư thương mại của TQ là một cách từ chối tiếp tục “tiếp tay cho địch”.

Nhìn chung việc thay đổi chính sách tỉ giá của TQ là có lợi cho các nước Đông Nam Á. Nhưng với Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ khó dự đoán hơn.

Đối với VN, như nhiều chuyên gia đã phân tích, lợi ích lớn nhất của việc TQ nâng giá đồng NDT là chúng ta có thể mở rộng thị trường xuất khẩu sang những nước mà thị phần của TQ có thể bị giảm.

Những tác động khác như thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, gánh nặng nợ, sự ổn định của hệ thống tài chính... có lẽ sẽ bị tác động không đáng kể.

 Tiến sĩ VŨ THÀNH TỰ ANH (giám đốc nghiên cứu của Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, TP.HCM)  HUỲNH THẾ DU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên