18/07/2014 10:10 GMT+7

Sơ tán dân tránh bão

LÂM HOÀI - TUẤN PHÙNG
LÂM HOÀI - TUẤN PHÙNG

TTO - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trưởng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương (PCLBTƯ) Cao Đức Phát đề nghị các địa phương và lực lượng chức năng vận động những người dân ở các chòi canh, lồng bè nuôi thủy sản phải vào bờ trong ngày hôm nay (18-7).

* Điều động tàu cứu nạn trực ở Quảng Ninh, Hải Phòng* Quảng Ninh: tàu đã vào bờ an toàn

Isfq0oqC.jpgPhóng to
Bộ trưởng Cao Đức Phát, Trưởng Ban chỉ đạo PCLBTƯ chủ trì cuộc họp sáng 18-7 - Ảnh: T.Phùng

"Kể từ 18 giờ trường hợp nào không vào sẽ tiến hành cưỡng chế". Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo PCLBTƯ sáng nay, ông Phát nhấn mạnh như vậy và lưu ý đặc biệt mưa lớn do bão gây ra khiến các tỉnh miền núi phía Bắc nguy cơ bị lũ quét, sạt lở gây thiệt hại về người nặng nề hơn cả bão.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo PCLBTƯ triển khai phòng chống bão Thần Sấm sáng nay (18-7), Trung tâm Điều phối Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về Hỗ trợ nhân đạo và Quản lý thảm họa (AHA) đã cử 2 cán bộ đến dự họp. Theo ông Cao Đức Phát trung tâm AHA cử người đến dự họp nhằm theo dõi diễn biến của bão, hoạt động triển khai phòng chống của Việt Nam và sẽ phối hợp, cử lực lượng trợ giúp khi cần thiết

Ông Lê Thanh Hải - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương (NCHMF) - cho biết sau khi đi qua Philipines vào biển Đông, đến 7 giờ sáng nay bão Rammasun ( Thần Sấm- bão số 2 trên biển Đông) đã mạnh lên cấp 13-14, giật cấp 16 -17 do được bổ sung năng lượng từ nước biển ấm. “Hiện nay các cơ quan khí tượng dự báo khá thống nhất là bão sẽ đi theo hướng Tây Tây Bắc qua giữa đảo Hải Nam và bán đảo Lôi Châu ( Trung Quốc) vào Vịnh Bắc bộ. Khoảng 4 giờ sáng 19-7 bão vào phía Đông Bắc của Vịnh Bắc, lúc đó cường độ còn mạnh cấp 11-12 và đi lệch một chút về phía Nam. Dự kiến từ trưa 19-7 bão bắt đầu đổ bộ vào bờ với sức gió cấp 10-11 giật cấp 12- 13” – ông Hải nhận định.

NCHMF nhận định mưa do bão gây ra vào đêm nay sẽ tập trung từ Đông Bắc của Bắc bộ rồi lan dần lên các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Bắc với cường độ từ 200-300mm, một số nơi cao hơn. Vì vậy, các tỉnh miền núi, đặc biệt ở khu vực dưới chân dãy Hoàng Liên Sơn như Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái... hết sức đề phòng lũ quét. Theo ông Hải, bão đổ bộ vào thời điểm thủy triều thấp, nước biển dâng 1,8-2m nhưng phải đề phòng sóng cao 5-6 m tàn phá ven biển.

Báo cáo của Văn phòng Ban chỉ đạo PCLBTƯ cho biết, các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định đều đã có lệnh cấm đi biển từ sáng và đầu giờ chiều 17-7. Riêng Nghệ An cấm từ 13 giờ hôm nay.

* Xem thêm:

Vì sao bão Thần Sấm (Rammasun) cực mạnh?Bão cách Móng Cái 570km, giật cấp 16, 17Bão mạnh cấp 13 đe dọa Bắc bộSơ tán dân trước 16g ngày 18-7 tránh bão RammasunBão Rammasun áp sát Hoàng Sa, gió giật cấp 16Bão Rammasun tấn công Manila, 10 người chết

Các tỉnh, thành phố ven biển đã rà soát và có kế hoạch di dời 118.453 người tại các khu vực có nguy cơ ảnh hưởng của bão. Trong đó: Quảng Ninh 2.259 người, Hải Phòng 21.460 người, Thái Bình 89.086 người, Nam Định: 10.881 người, Ninh Bình 1.286 người. Đến hết ngày 17-7, các tỉnh đã tổ chức di dời 1.492 người (Quảng Ninh 1.342 người; Hải Phòng 150 người).

Theo báo cáo của Bộ đội Biên phòng, tính đến 6 giờ sáng nay (18-7), Biên phòng các tỉnh, thành phố tuyến biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 73.395 tàu, thuyền, lồng, bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản/236.676 lao động biết diễn biến của bão để chủ động phòng tránh.

Trong đó khu vực Hoàng Sa có 2 tàu số hiệu QNg 96077/12 người và QNg96399/16 người của Quảng Ngãi đang neo đậu tại đảo Lưỡi Liềm . Số neo đậu tại các bến từ Quảng Ninh đến Quảng Bình là 30.036 tàu/104.805 người.

Đến sáng nay số tàu thuyền hoạt động ven biển và đang di chuyển vào bờ là 1.914 tàu/ 6.775 người Cụ thể: Quảng Ninh 16 tàu/ 48 người đang trên đường vào đảo Ngọc Vừng, Hải Phòng 152 tàu/ 344 người hoạt động ở cửa sông Văn Úc (Cát Bà, Cát Hải), Thái Bình 23 tàu/ 50 người.

Bộ trưởng Cao Đức Phát nhận định bão Thần Sấm là cơn bão rất mạnh, ngay cả khi đi vào đất liền vẫn còn mạnh. Dù bão di chuyển lệch về phía Quảng Ninh nhiều hơn nhưng ông Phát yêu cầu vùng trọng điểm ảnh hưởng trực tiếp của bão vẫn là Quảng Ninh – Hải Phòng và đề nghị Ủy ban Quốc gia TKCN đưa lực lượng, phương tiện quân đội ém sẵn ở Hải Phòng- Quảng Ninh để sẵn sàng ứng phó.

Ông Phát yêu cầu tiếp tục tập trung kêu gọi tàu thuyền và ngư dân hoạt động trên biển vào bờ trong ngày hôm nay. Đặc biệt, phải vận động, giúp đỡ người lao động ở hàng ngàn lồng bè, chòi canh thủy sản từ Thanh Hóa đến Quảng Ninh vào bờ tránh bão. Nếu đến 18 giờ ngày hôm nay người nào không vào bờ thì thực hiện cưỡng chế.

Ông Phát cũng đặc biệt lưu ý nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi phía Bắc xảy ra rất cao. Vì vậy, đề nghị các địa phương miền núi rà soát, di dời dân ở nơi xung yếu. Ban chỉ đạo sẽ có công điện nhắc nhở việc này. “Thực tế những năm qua cho thấy bão vào thì trên biển, ven biển ít thiệt hại về người, có trận không chết ai nhưng lũ, lũ quét do bão gây ra ở miền núi lại làm chết hàng chục người nên phải hết sức đề phòng”- ông Phát nói.

Chiều nay đoàn công tác của Ban chỉ đạo PCLBTƯ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ xuống Quảng Ninh chỉ đạo, đôn đốc việc triển khai phòng chống bão.

* Tại cuộc họp Ban chỉ đạo PCLBTƯ sáng nay (18-7), thiếu tướng Phạm Hoài Giang -Cục trưởng Cục cứu hộ, cứu nạn kiêm Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia TKCN- cho biết Bộ Quốc phòng đã điều 1 tàu TKCN từ Hải Phòng tăng cường ra trực tại Cửa Ông (Quảng Ninh).

Thành phố Hải Phòng điều tàu SAR411 và tàu CN-09 ra trực tại đảo Cát Bà. Ngoài ra, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Quân khu 3 đã cử các đoàn công tác kiểm tra chống bão tại Hải Phòng, Quảng Ninh và một số đơn vị cơ động.

Đến sáng 18-7, Bộ Quốc phòng và các đơn vị, bộ ngành liên quan đã huy động 122.928 bộ đội, dân quân tự vệ, lực lượng TKCN Hàng hải và 3.076 phương tiện gồm 6 máy bay, 243 tàu, 886 xuồng, 1.776 ô tô, 70 xe lội nước, 32 phà, 5 xe đặc chủng và 76 bộ xuồng VSN-1500 sẵn sàng ứng phó với bão.

Quảng Ninh: Tàu cá, tàu khách đã vào bờ trú bão an toàn

Trưa 18-7, có mặt tại khu vực Bãi Cháy, thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), chúng tôi ghi nhận quang cảnh đìu hiu, vắng vẻ tại đây- trái ngược với không khí đông đúc tấp nập hàng ngày.

cLlWVTZn.jpgPhóng to
Các tàu neo đậu trú bão an toàn trong khu vực nhà máy đóng tàu Hạ Long - Ảnh: Lâm Hoài

Trước đó, trưa 17-7, cảng tàu Bãi Cháy đã ngừng cấp giấy phép rời cảng cho tất cả các tàu tham quan Vịnh Hạ Long. Đến nay ghi nhận tại các khu vực cảng ở Hạ Long, toàn bộ các tàu du lịch, một số tàu cá đã di dời sâu vào âu tàu trú bão an toàn.

UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã yêu cầu dừng toàn bộ các chuyến tàu tham quan và nghỉ đêm trên Vịnh Hạ Long cho đến khi bão tan, các chủ phương tiện, tour tuyến tạm dừng các hoạt động tham quan, du lịch trên Vịnh Hạ Long trong thời gian đang có bão. Ngoài ra các khách du lịch tại các khu vực khác như Vân Đồn, Cô Tô cũng được yêu cầu di chuyển về nơi an toàn. Thống kê của tỉnh, hiện nay đã có 109 chuyến tàu khách và hơn 2000 khách di chuyển vào bờ an toàn.

VbkDyRWS.jpg
Khu vực cảng tàu Bãi Cháy vắng hoe - Ảnh: Lâm Hoài

Trong khi đó, theo chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Sở NN&PTNT Quảng Ninh) hiện nay 229 tàu, thuyền đánh cá tuyến khơi của tỉnh đã về nơi tránh trú ẩn an toàn tại các điểm trú bão ở Cát Bà, Đồ Sơn (Hải Phòng), các khu vực Cửa Đại, Cô Tô, Đảo Trần (thành phố Móng Cái); khu vực Vụng Lão Vọng, bến Cái Rồng (Vân Đồn), bến Chiến Thắng, cảng Cô Tô (huyện Cô Tô), các bến của Hòn Gai, Cát Bà.... Ngoài ra 8.471 tàu có công suất dưới 90CV đều đã neo đậu tại các vụng, vịnh, các bến cá, bến sông kín gió tại các khu trú bão của 12 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh và các bến Cát Bà, Đồ Sơn của TP Hải Phòng.

Đến nay tỉnh Quảng Ninh cũng chỉ đạo các địa phương rà soát xong các vị trí xung yếu của đê biển Hà Nam (thị xã Quảng Yên), các tuyến đê khác ở các huyện Vân Đồn, Cô Tô, Hải Hà, Tiên Yên, Móng Cái, Đầm Hà.. Một số điểm điểm trọng yếu tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở, một số điểm nguy cơ ngập lụt do nước triều dâng dọc sông Ba Chẽ (huyện Ba Chẽ) cũng đã được huyện này gấp rút chằng chồng, gia cố, đồng thời di dời và triển khai các phương án bảo vệ các khu dân cư và trường học.

Dự kiến chiều và tối nay, đoàn công tác của phó thủ tướng Hoàng Trung Hải và bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát sẽ trực tiếp tới Quảng Ninh để kiểm tra công tác chuẩn bị, phòng chống bão tại đây.

LÂM HOÀI - TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên