29/06/2014 08:14 GMT+7

Dồn sức gỡ khó cho doanh nghiệp

Q.THANH - TRẦN VŨ NGHI - ĐÌNH DÂN
Q.THANH - TRẦN VŨ NGHI - ĐÌNH DÂN

TT - Chính sách thúc đẩy, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) còn chậm chạp, chưa đi vào thực tế.

Doanh nghiệp bớt khó khăn“Đừng để nợ đọng văn bản kéo dài, nói hoài nghe nhức xương”

eY3LSZ3c.jpg
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói chuyện với doanh nhân sáng 28-6 - Ảnh: T.T.D.

Đó là ý kiến đưa ra tại buổi làm việc của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM với các DN, hiệp hội ngành hàng trên địa bàn TP.HCM, tổ chức sáng 28-6.

Khẳng định Nhà nước luôn sát cánh cùng DN trong thời điểm khó khăn hiện nay, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang yêu cầu những người tham dự buổi tiếp xúc cần nói thẳng, nói đúng bản chất, “không sợ và không né tránh”.

Muốn nghe tiếng “kêu” cho sự phát triển

Lắng nghe cộng đồng DN TP trong suốt buổi sáng, Chủ tịch nước cho rằng tất cả tiếng “kêu” của DN được nêu ra tại buổi tiếp xúc là tiếng “kêu” cho sự phát triển. Tuy nhiên, Chủ tịch nước nói ông luôn muốn tìm kiếm, lắng nghe (“kêu”) nữa mà tìm hoài không được, thậm chí xuống tận phường cũng không gặp, thấy lạ. Nhưng khi về Hà Nội, xem lại số liệu thống kê của các ngành lại thấy một bộ phận DN rất khó khăn. Theo Chủ tịch nước, ông mong muốn nghe thật sự tình trạng của số DN này như thế nào.

Chủ tịch nước đồng tình với đánh giá tình hình kinh tế có khá dần lên, nhưng ông thẳng thắn nhận xét: “Nhìn chung chưa thoát được giai đoạn còn căng kéo giữa phát triển chậm và phát triển nhanh, bền vững. Nói cụ thể hơn là tình trạng trì trệ vẫn còn”. Chủ tịch nước cho rằng kinh tế vĩ mô đã khá rồi nhưng phục hồi đà tăng trưởng còn là một thách đố. Theo Chủ tịch nước, nếu nói như Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường (“luật pháp VN phức tạp nhất thế giới”) thì nghe cường điệu, đâu đến nỗi tệ như vậy, nhưng “đúng là mới nghe sơ sơ thì thấy còn nhiều rối rắm, nghe DN nói từ hồi sáng giờ thì thấy hơi mệt”. Qua phản ảnh của DN, Chủ tịch nước đề nghị các cơ quan chức năng phải “tác chiến” ngay để trao đổi, tháo gỡ cho DN. Riêng những khoản “nợ khó đòi” về các văn bản, quy định hướng dẫn dưới luật tạo nên những vướng mắc, gây khó khăn, ách tắc cho DN, Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Đại biểu Quốc hội nói vấn đề này nghe rất nhức xương”.

Chủ tịch nước sốt ruột khi chỉ còn một năm rưỡi nữa thôi (từ 1-1-2016) sẽ tự do hóa thương mại hoàn toàn, thuế suất gần như bằng không nhưng nếu với tình cảnh lình xình thế này thì không bao lâu nữa hàng hóa của Trung Quốc sẽ tràn ngập VN. Với ngành dệt may, tổng số lao động khoảng 6 triệu người (trong đó lao động trực tiếp hơn 3 triệu người), góp phần giải quyết lớn nhu cầu công ăn việc làm, Chủ tịch nước cảnh báo: “Nếu tình trạng công nghiệp phụ trợ tiếp tục tái diễn thế này thì VN vẫn là một nền kinh tế gia công”.

Chủ tịch nước khẳng định quyết tâm là phải chuyển từ gia công sang sản xuất, đồng thời chắc chắn phải có thêm những chính sách để bung lên mạnh mẽ công nghiệp phụ trợ. Chủ tịch nước khẳng định với vai trò là đại biểu Quốc hội, ông tiếp thu tất cả ý kiến, kiến nghị, đề đạt của các DN. Ông yêu cầu những vấn đề thuộc thẩm quyền của TP, các cơ quan chức năng và các hiệp hội ngành nghề tiếp tục phối hợp giải quyết, tháo gỡ cho DN. Còn với những kiến nghị, đề xuất thuộc thẩm quyền của trung ương, Đoàn đại biểu Quốc hội TP sẽ tiếp thu và chuyển đến các bộ ngành trung ương, Chính phủ để giải quyết kịp thời.

Doanh nghiệp “vẫn ổn” nhưng chưa vững

Trước đó, phát biểu tại buổi tiếp xúc với Chủ tịch nước, ông Trần Việt Anh - phó chủ tịch Hiệp hội Cao su nhựa TP.HCM - cho biết DN ngành nhựa hiện rất mong chờ các dự án về hóa chất, hóa dầu triển khai nhanh chóng để giảm nhập khẩu nguyên liệu. Đáng chú ý, dù nguyên liệu nhựa các DN không bị lệ thuộc nhập khẩu nhiều từ Trung Quốc, nhưng có đến 80% DN hiện đang phụ thuộc rất lớn vào thiết bị, máy móc, công nghệ nhập khẩu từ Trung Quốc. “Đây là vấn đề cần được các cơ quan chức năng trong ngành cơ khí quan tâm, bởi ngay tại Trung Quốc, các DN của chính nước họ cũng được khuyến khích sử dụng công nghệ, máy móc có xuất xứ từ Đức, Nhật, chứ không như ở VN mình” - ông Việt Anh lưu ý.

Ông Vũ Văn Minh, đại diện Hội Da giày TP, cho rằng muốn chủ động được nguồn nguyên phụ liệu, Nhà nước cần hỗ trợ và khuyến khích đầu tư mạnh cho công nghiệp phụ trợ trong ngành giả da “vì 60-70% các DN sản xuất giày dép trong nước đang phải nhập khẩu từ nước ngoài, chủ yếu là từ Trung Quốc”.

Trong khi nền kinh tế nội địa vẫn đang khó khăn, “giờ phát sinh vụ biển Đông, mua Trung Quốc không bán, mà bán Trung Quốc không mua, nhiều DN gặp tôi nói về việc giải thể” - ông Huỳnh Văn Minh, chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM, thông tin.

Chủ tịch Hội DN Q.11 (TP.HCM) Hàng Vay Chi khẳng định cần có lãi suất công bằng với các DN vừa và nhỏ, mức lãi suất mà khối DN này vay luôn cao hơn so với các DN lớn từ 1-3%. Hệ thống ngân hàng hiện nay chưa thật sự có ngân hàng công nghiệp đúng nghĩa, hiếm khi DN được vay vốn để mua máy móc thiết bị. “DN vừa và nhỏ khi thế chấp chỉ được ngân hàng chấp nhận nhà xưởng, còn máy móc thiết bị và sản phẩm làm ra khó được chấp nhận” - ông Chi băn khoăn.

Q.THANH - TRẦN VŨ NGHI - ĐÌNH DÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên