Nhiều doanh nghiệp cho rằng mức lãi suất cho vay hiện tại dù có giảm hơn so với trước nhưng vẫn còn cao so với kỳ vọng của doanh nghiệp. Trong ảnh: Công nhân Lê Thị Thùy Trang kiểm hàng cặp học sinh tại Công ty TNHH LilaMiti, TP.HCM - Ảnh: Thanh Đạm |
Trong khi đó, các ngân hàng (NH) khẳng định đã giảm lãi suất (LS) cho vay về mức thấp nhất có thể, đồng thời đưa ra nhiều lý do để giải thích việc chậm giảm LS.
Doanh nghiệp than lãi suất cao
"Lãi suất giảm hết mức rồi nên rất khó giảm thêm nữa" Ông Nguyễn Hữu Đặng (tổng giám đốc HDBank) |
Ông Cao Tiến Vị, tổng giám đốc Công ty CP Giấy Sài Gòn (SGP), cho biết công ty vay NH 1.200 tỉ đồng để đầu tư dự án nhà máy giấy tại Khu công nghiệp Mỹ Xuân A (Bà Rịa - Vũng Tàu), LS bình quân 11,4 - 12,6%/năm. Đến nay mức LS này vẫn giữ nguyên, chỉ có khoản vay 500 tỉ đồng sau này mới được NH áp dụng LS 9%/năm.
Tuy nhiên, để vay với mức LS 9%/năm, doanh nghiệp (DN) phải làm thủ tục từ tháng 8-2013, đến tháng 4-2014 mới được giải ngân sau khi NH thẩm định kỹ và DN chứng minh được hiệu quả sản xuất kinh doanh. “Nếu công ty không đạt doanh số hơn 1.000 tỉ đồng trong năm vừa qua, không có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả và kế hoạch thị trường khả thi thì chắc chắn sẽ không được NH cho vay” - ông Vị nói.
Ông N.K.T., giám đốc DNTN ngành văn phòng phẩm P, cho biết khoản vay 6,5 tỉ đồng vốn lưu động vừa tới kỳ đáo hạn nhưng NH vẫn giữ nguyên LS vay cũ là 10,5%/năm.
“NH đâu có giảm LS cho các khoản vay cũ như chỉ thị. Chúng tôi dù tính toán chi li, quản lý sát sao nhưng lợi nhuận làm ra cũng chẳng có dư để trả lãi” - ông N.K.T. nói. Theo ông T., ngay cả LS cho vay dù có hạ vẫn còn cao so với kỳ vọng của DN và DN chưa thể có đủ sự tích lũy để đẩy mạnh năng lực sản xuất kinh doanh.
“Theo tôi, LS cho vay phải được đưa về dưới mức 8%/năm. Mức này sẽ phù hợp với tình hình sản xuất hiện nay của DN cũng như phù hợp với thực tế sức mua vẫn chưa khởi sắc, trong khi chi phí đầu vào cho sản xuất không hề giảm” - ông T. đề xuất.
Cũng có DN đã được giảm LS các khoản vay cũ nhưng không nhiều. Ông Nguyễn Thanh Trung, tổng giám đốc Công ty CP Tôn Đông Á, cho biết khoản vay 500 tỉ đồng để xây dựng nhà máy tôn mạ màu vừa được giảm LS từ 11% còn 10%/năm từ đầu tháng 4. Theo ông Trung, việc vay vốn của DN không gặp trở ngại, nhưng LS vẫn chưa giảm xuống mức như DN kỳ vọng.
“Nếu NH chỉ tìm DN tốt để cho vay thì không cách gì nền kinh tế hồi phục hay phát triển được. Trong khi các DN vừa và nhỏ lại đang rất khát vốn” - ông Trung nói. Ông Cao Tiến Vị cũng cho rằng hiện có nghịch lý là hai NH quốc doanh thuộc vào hàng lớn nhất hiện nay không mấy mặn mà trong việc cơ cấu nợ cho DN. “Chúng tôi có đề nghị được cơ cấu lại khoản vay cũ, đang phải chịu LS lên đến 25%/năm, nhưng không được NH chấp nhận” - ông Vị bức xúc.
Ngân hàng dùng “chiêu” neo lãi suất
Tuy nhiên theo nhiều NH, trong bối cảnh hiện nay khó NH nào dám áp dụng LS cao vì khách hàng sẽ chuyển sang NH khác. Ông Nguyễn Thanh Toại, phó tổng giám đốc NH ACB, cho biết NH xem xét giảm LS cho khách hàng khi đến hạn, nếu chưa đến hạn thì đặt vấn đề này hơi khó. “Tuy nhiên cũng còn tùy thuộc vào hợp đồng và mối quan hệ của khách hàng với NH” - ông Toại nói.
Ông Nguyễn Hữu Đặng, tổng giám đốc HDBank, cũng cho biết LS cho vay ngắn hạn của NH hiện dưới 9%/năm, LS cho vay trung - dài hạn từ 12-13%/năm. Theo ông Đặng, LS hiện nay đã ở mức cực thấp, ngang bằng với giai đoạn 2005-2006, chỉ có khoản cho vay tiêu dùng mới áp dụng LS 12-13%/năm.
Tổng giám đốc một NH cho biết LS cho vay DN sản xuất kinh doanh hiện nay phổ biến 7-8%, cao nhất 9%/năm. Còn LS các khoản vay sản xuất kinh doanh cũ khoảng 10-10,5%/năm và đang giảm dần, trừ các khoản vay bất động sản, chứng khoán. Ông này cũng thừa nhận LS các khoản vay cũ sẽ được điều chỉnh giảm dần nhưng không thể bằng các khoản vay mới. “Khi LS xuống, nhiều người chớp thời cơ gửi kỳ hạn dài 24-36 tháng nên NH vẫn còn vướng các khoản huy động LS khá cao, do vậy LS các khoản vay cũ sẽ giảm nhưng cần có lộ trình” - ông này nói.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, còn một lý do khác khiến LS các khoản vay cũ chậm giảm là do quy định về kỳ hạn điều chỉnh LS. Trước đây khi LS tăng, nhiều NH ký hợp đồng cho vay theo LS thả nổi, mỗi tháng điều chỉnh một lần. Khi LS cho vay liên tục giảm, nhiều NH quy định thời gian điều chỉnh LS là ba hoặc sáu tháng, nên dù cơ quan quản lý đã có yêu cầu giảm LS nhưng nhiều NH vẫn lấy lý do chưa đến kỳ hạn để trì hoãn việc giảm LS cho DN.
Ngoài ra, một số NH cũng dùng “tiểu xảo” đẩy LS huy động kỳ hạn 13 tháng lên mức cao, do đây là kỳ hạn mà các NH lấy làm căn cứ để cộng thêm biên độ khi ấn định LS cho vay. Hiện nay LS các kỳ hạn dài chỉ trên mức 7%/năm, nhưng nhiều NH đẩy LS kỳ hạn 13 tháng lên đến 8-8,5%/năm.
Có NH chỉ niêm yết LS huy động kỳ hạn 13 tháng chứ không huy động hoặc chỉ huy động khi khách hàng gửi số tiền cực lớn. “Do mức LS làm cơ sở tính toán LS cho vay cao, cộng với biên độ cộng thêm cũng khá cao nên LS cho vay vẫn neo ở mức cao và khó về ngang mức LS của các khoản cho vay mới” - lãnh đạo một NH tiết lộ.
Lãi suất trên 13%/năm chủ yếu là cho vay bất động sản, tiêu dùng Ông Nguyễn Hoàng Minh, phó giám đốc NH Nhà nước TP.HCM, cho biết hiện các khoản cho vay LS trên 13%/năm chiếm 15-16% tổng dư nợ, chủ yếu là các khoản cho vay bất động sản và tiêu dùng. Các khoản vay LS dưới 13% chiếm 84-85% tổng dư nợ, trong đó các khoản vay dưới 10% chiếm 70%. “So với các địa phương khác, LS cho vay tại TP.HCM tương đối thấp, các NH cũng đã giảm hết cỡ rồi” - ông Minh nói. Cũng theo NH Nhà nước TP.HCM, đến ngày 30-4 dư nợ cho vay trên địa bàn đã tăng 1,47% so với cuối năm ngoái, cao hơn nhiều so với mức tăng bình quân của cả nước. Trong đó, tỉ trọng tăng tín dụng của năm nhóm lĩnh vực ưu tiên lên đến 7,7%. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận