Phóng to |
Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh (bìa phải) trao đổi với các nhà đầu tư bên lề buổi gặp - Ảnh: Bá Sơn |
Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì hướng dẫn doanh nghiệp bảo hiểm đưa thiệt hại của các doanh nghiệp kể trên vào phạm vi được bảo hiểm; khẩn trương xác định giá trị thiệt hại để thực hiện bồi thường theo thủ tục đơn giản, rút gọn. Thậm chí cho phép ứng trước tiền bồi thường đối với những trường hợp đã xác định rõ thuộc phạm vi, đối tượng được bảo hiểm.
Miễn tiền thuê đất
Bộ Tài chính cũng phải chỉ đạo cơ quan thuế, hải quan căn cứ thiệt hại thực tế của doanh nghiệp để gia hạn thời hạn nộp thuế và các khoản phải nộp phát sinh trước tháng 5-2014 mà chưa nộp, tương ứng với mức độ thiệt hại (thời gian gia hạn tối đa là hai năm). Bộ Tài chính cũng được yêu cầu phải chỉ đạo cơ quan hải quan miễn, giảm, hoàn thuế xuất nhập khẩu đối với những hàng hóa bị tổn thất. Thậm chí, hải quan sẽ phải cho phép thông quan các lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu của các doanh nghiệp bị thiệt hại đang có nợ thuế.
Đặc biệt, Thủ tướng cho phép doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần thiệt hại không được bồi thường hoặc không thuộc phạm vi bồi thường (kể cả phần trả lãi vay góp vốn điều lệ cho việc khắc phục hậu quả thiệt hại).
Doanh nghiệp bị thiệt hại cũng được giảm tối đa 30% số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp trong năm 2014 (nhưng không vượt quá giá trị tài sản bị thiệt hại sau khi được bồi thường).
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu UBND tỉnh, TP thực hiện việc miễn, giảm tiền thuê đất đối với doanh nghiệp bị thiệt hại. Ngoài ra, để đáp ứng yêu cầu cấp bách về lao động, Thủ tướng cho phép áp dụng ngay quy định chuyên gia nước ngoài vào làm việc tại VN chỉ cần có trình độ đại học, cử nhân trở lên hoặc có ít nhất năm năm kinh nghiệm trong lĩnh vực dự kiến làm việc.
Đối với các doanh nghiệp bị thiệt hại chưa thể hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại và không có khả năng trả tiền lương cho người lao động từ tháng 4 đến tháng 6-2014 thì Bộ Lao động - thương binh và xã hội và Bảo hiểm xã hội VN, UBND các tỉnh phải chỉ đạo rà soát danh sách, vận dụng chế độ bảo hiểm thất nghiệp để trả nợ lương cho công nhân.
Cũng theo chỉ đạo của Thủ tướng, UBND các tỉnh, TP có doanh nghiệp bị thiệt hại phải cử cán bộ làm việc trực tiếp với từng doanh nghiệp để nắm chắc thực tế tình hình, đồng thời công bố ngay bộ phận đầu mối tiếp nhận, giải quyết các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính, nhất là hỗ trợ khôi phục, xác nhận... giúp doanh nghiệp xác định giá trị tài sản bị thiệt hại.
Phóng to |
Công nhân Công ty Poong In Vina (huyện Tân Uyên, Bình Dương) trở lại làm việc sau những ngày phải nghỉ - Ảnh: Hữu Khoa |
Hoạt động trở lại
Cũng trong ngày 21-5, đoàn công tác của Chính phủ và các bộ ngành do Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh dẫn đầu đã làm việc với các ngành chức năng của Bình Dương và các nhà đầu tư để triển khai các giải pháp khắc phục thiệt hại.
Ông Lee Jong Hoe - chủ tịch Hiệp hội Thương mại và đầu tư Hàn Quốc tại VN - cho rằng sau khi Chính phủ VN ban hành các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, các nhà đầu tư đã yên tâm hơn, mong muốn của các doanh nghiệp là các giải pháp này sẽ được thực hiện nhanh chóng, đặc biệt là việc chi trả bảo hiểm, bồi thường cho các doanh nghiệp bị thiệt hại. Riêng bà Đỗ Thị Kim Loan, phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, kiến nghị nên cho phép các doanh nghiệp được thành lập các đội tự quản trong công ty của mình. Lực lượng này cần được các đơn vị chuyên môn như công an, quân đội huấn luyện về nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy, có thể sẵn sàng giữ gìn an ninh trật tự và làm một số nhiệm vụ khác khi cần thiết. Ông Hàng Vay Chi, tổng giám đốc Khu công nghiệp Việt Hương, cho biết khách hàng tại các khu công nghiệp của ông chủ yếu là doanh nghiệp Đài Loan, tới nay trên 90% doanh nghiệp đều đã trở lại hoạt động. Dù nhiều chủ doanh nghiệp vẫn chưa có mặt tại VN nhưng đã điều hành từ xa để doanh nghiệp hoạt động trở lại. Ông Chi cho biết vừa qua ông đã tiếp xúc với 15 nhà đầu tư Đài Loan và họ vẫn mong muốn đầu tư, mở rộng sản xuất tại VN.
Ông Lê Thanh Cung - chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - cho biết tới nay trên toàn tỉnh ngoại trừ một số doanh nghiệp bị đốt thì trên 90% doanh nghiệp còn lại đã đi vào hoạt động. Kết luận buổi làm việc, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết ngoài những giải pháp đã được Chính phủ ban hành bằng văn bản thì các doanh nghiệp, địa phương trong quá trình thực hiện có vướng mắc gì có thể phản ảnh kịp thời để Chính phủ xem xét. Chính phủ VN chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp và cam kết đảm bảo môi trường đầu tư an toàn, không để tái diễn tình trạng đáng tiếc như vừa qua. Phó thủ tướng đề nghị các nhà đầu tư ổn định tâm lý, yên tâm đầu tư sản xuất trở lại.
Đồng Nai: cam kết bảo vệ an toàn cho doanh nghiệp Ngày 21-5, UBND tỉnh Đồng Nai đã gặp gỡ gần 200 doanh nghiệp đóng trên địa bàn để lắng nghe và đưa ra các giải pháp nhằm giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất sau các vụ đập phá tài sản của doanh nghiệp vừa qua. Theo ông Đinh Quốc Thái - chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, thống kê đã có 166 doanh nghiệp bị phá, trong đó có 130 doanh nghiệp Đài Loan. Đến nay đã có hơn 90% doanh nghiệp làm việc trở lại bình thường. Ông Thái yêu cầu các sở ngành liên quan phối hợp với ban quản lý các khu công nghiệp nhanh chóng đưa ra các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp, công nhân đang ngưng việc theo quy định pháp luật. Đồng thời yêu cầu các lực lượng bảo vệ pháp luật cần đúc kết các kinh nghiệm đối với sự việc vừa xảy ra. Tổ chức tuần tra kiểm soát, xây dựng đường dây nóng, bổ sung lực lượng an ninh và bảo vệ ở các khu công nghiệp, thắt chặt an ninh trật tự, đảm bảo tuyệt đối an toàn tài sản cho các doanh nghiệp. |
Phó Thủ tướng VŨ VĂN NINH: “Tạo mọi điều kiện cho nhà đầu tư” Trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề buổi làm việc tại Bình Dương, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết: - Chủ trương nhất quán của VN là khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân cả trong nước và ngoài nước phát triển sản xuất, làm giàu chính đáng, đóng góp cho lợi ích của các nhà đầu tư và đất nước. Trước sự kiện xảy ra vừa qua, một số đối tượng đã có hành vi vi phạm pháp luật, Chính phủ VN không dung túng và sẽ xử lý nghiêm. * Ngoài các giải pháp trong thông báo vừa rồi, Chính phủ sẽ có những biện pháp cụ thể nào trong thẩm quyền của mình, cũng như kiến nghị Quốc hội để hỗ trợ các doanh nghiệp? - Hiện nay, các địa phương đang cùng các nhà đầu tư nắm lại tình hình thiệt hại. Trong phạm vi thẩm quyền của mình, những giải pháp Chính phủ đưa ra trong thông báo vừa rồi cũng đã giải quyết cơ bản những khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư. Chúng tôi hi vọng với những giải pháp đó thì các doanh nghiệp sớm trở lại sản xuất được. Trong quá trình thực hiện những giải pháp này, nếu có điều gì vướng mắc vượt quá thẩm quyền của Chính phủ thì chúng tôi sẽ báo cáo Quốc hội quyết định. Trong các giải pháp Chính phủ đưa ra cũng đã có những giải pháp cụ thể về thuế, thủ tục xuất nhập khẩu... để hỗ trợ doanh nghiệp. Những giải pháp này sẽ căn cứ vào tình hình của từng doanh nghiệp để thực hiện. Tôi lấy ví dụ thiệt hại về sản phẩm, thì tùy từng sản phẩm thiệt hại đó liên quan đến các loại thuế nào chúng ta sẽ có những biện pháp để xử lý như giảm thuế VAT, hoàn thuế đầu vào cho doanh nghiệp, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt... tương ứng với những thiệt hại cụ thể. |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Thủ tướng kết luận phương án hỗ trợ doanh nghiệp bị thiệt hại TP.HCM: sẽ giảm thuế, hỗ trợ doanh nghiệpCam kết bảo đảm an toàn cho nhà đầu tư Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất trở lại
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận