16/04/2014 05:50 GMT+7

Xoay xở để thoát bẫy thu nhập trung bình

CẦM VĂN KÌNH
CẦM VĂN KÌNH

TT - Tại hội thảo “Tránh bẫy thu nhập trung bình ở VN” do Ban Kinh tế trung ương và Ban Tuyên giáo trung ương đồng tổ chức ngày 15-4, nhiều chuyên gia đã đồng tình rằng bẫy thu nhập trung bình (TNTB) là vấn đề nghiêm trọng và VN cần hành động thực chất hơn để tránh hoặc thoát khỏi bẫy.

VN “sập bẫy” thu nhập trung bình Thụy Sỹ giúp Việt Nam tránh “bẫy” thu nhập trung bìnhBẫy thu nhập trung bình trong “thế kỷ châu Á”

b1QhN8Us.jpgPhóng to
Nhiều chuyên gia cho rằng VN cần thiết kế lại chiến lược công nghiệp hóa cho 30 năm tới - Ảnh: Đ.Dân

Phát biểu tại hội thảo, ông Vương Đình Huệ - trưởng Ban Kinh tế trung ương - không khẳng định VN đã “sập bẫy” TNTB chưa nhưng công nhận bẫy TNTB xảy ra khi một quốc gia phát triển chững lại hay trì trệ sau khi đã đạt mức TNTB.

Vấn đề này thường nảy sinh với các nền kinh tế đang phát triển, khi mức lương tăng trong khi tính cạnh tranh về giá hàng hóa giảm.

Ông Huệ cũng cảnh báo bẫy TNTB là trạng thái “tiến thoái lưỡng nan” trong xây dựng và thực hiện các chính sách phát triển kinh tế. Nó có khả năng làm giảm hiệu quả các nỗ lực phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Công nghiệp: chỉ gia công, lắp ráp...

"VN cần đi từ những việc nhỏ như bảo vệ doanh nghiệp nhỏ, bảo vệ nhà thầu nhỏ... trước những doanh nghiệp lớn để tăng cạnh tranh, phát triển lành mạnh"

ÔngNGUYỄN ĐỨC THÀNH

Trong khi đó, ông Trần Đình Thiên - viện trưởng Viện Kinh tế VN - đồng tình với GS Kenichi Ohno - Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản - khi nhận định VN đã rơi vào bẫy TNTB.

Sau bao năm đổi mới, ông Thiên cho rằng đẳng cấp nền công nghiệp VN vẫn ở mức thấp nhất: khai thác tài nguyên, gia công, lắp ráp. Đẳng cấp này đã kéo dài rất lâu và chắc còn lâu VN mới thoát khỏi.

Sau bảy năm vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), ông Thiên nhấn mạnh VN đã có cơ hội thay đổi nhưng lại chưa làm được, nền kinh tế gặp vấn đề.

“Có thể VN sẽ không thích nhắc đến việc bị “mắc bẫy” vì “sĩ diện”, nhưng cần coi đây là một hiểm họa thật sự để thoát ra” - ông Thiên lưu ý.

Ông Nguyễn Đình Cung, viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, nêu không chỉ tăng trưởng GDP giảm mà VN đang tụt hậu về thu nhập bình quân đầu người so với các nước trong khu vực.

Năng suất lao động của VN đã tăng nhưng vẫn thấp hơn các nước, chỉ bằng 13% Nhật Bản, 35% Thái Lan, 54% Trung Quốc và khoảng 50% Indonesia.

Phân tích nguyên nhân, theo ông Cung, vốn của VN đang chảy vào khu vực doanh nghiệp nhà nước với hiệu quả đầu tư thấp, lao động thì chảy vào khu vực năng suất thấp.

“Đây là dấu hiệu bất thường, phân bổ nguồn lực méo mó”, ông Cung nói và cho rằng tại VN nhiều khu vực gần như không tạo giá trị gia tăng nào nhưng thu nhập lại rất cao. “Cần giao lại quyền phân bổ nguồn lực cho thị trường” - ông Cung nhấn mạnh.

Thực tế, VN chỉ giữ được tốc độ tăng GDP cao, khoảng 7,5%/năm trong 10 năm, trong khi nhiều nước giữ được trong 30 năm, mà ở mức còn cao hơn.

TS Lưu Bích Hồ, nguyên viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, lên tiếng báo động mạnh mẽ về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, bởi họ chỉ chuyển giao công nghệ cao có 5-6%, 75-80% là công nghệ trung bình, 14-15% là công nghệ thấp kém. “Như vậy làm sao có thể dựa vào nguồn vốn FDI để vượt bẫy TNTB được?”.

Chính sách phải đến doanh nghiệp

Trao đổi với báo chí bên lề hội thảo về quan điểm của GS Kenichi Ohno cho rằng VN thường hay tổ chức hội thảo, kiến nghị rất nhiều, nhưng làm lại không được bao nhiêu, ông Nguyễn Đức Thành - giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách - lý giải sở dĩ có chuyện này là do khi chuyển từ thảo luận sang thực thi, thường có đụng chạm đến lợi ích của một số nhóm. Vì vậy chính sách đã bị chặn lại. Cần bảo vệ để các chính sách tốt có thể thực thi, mà muốn thế VN cần xây dựng một nhà nước pháp quyền.

Ông Phạm Bích San, phó tổng thư ký Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật VN, cũng cho rằng phiên bản kinh tế thị trường của VN từ năm 1986-2015 có một số chuyện như các nguyên lý thị trường chưa được áp dụng đầy đủ, bộ máy nhân viên quá nhiều, chính sách lại không nhất quán, trách nhiệm không rõ.

Vì vậy, cần phải tiến tới phiên bản kinh tế thị trường dựa vào kinh tế tư nhân, đồng thời thiết kế lại chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa cho 30 năm tới...

Về giải pháp, ông Lưu Bích Hồ cho rằng VN đang tái cơ cấu cũng là để tránh bẫy TNTB. Để phát huy cần phát triển theo kinh tế thị trường hiện đại, đi cùng là phát huy dân chủ thực thụ chứ không phải hình thức, thực hiện công bằng xã hội.

VN cũng cần khảo sát lại các cơ chế chính sách bởi qua tiếp xúc doanh nghiệp, ông Hồ cho biết nhiều doanh nghiệp khẳng định có những chính sách tốt thì lại không được thực thi, không đến doanh nghiệp.

Tăng trưởng giảm, chi bộ máy tăng...

TS Nguyễn Đức Thành, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách, Đại học Kinh tế Hà Nội, cũng đồng tình việc chu kỳ tăng trưởng của nền kinh tế VN đã đi xuống từ năm 2005 và đến nay chưa có dấu hiệu cải thiện dù có một số chỉ số vừa tốt lên. Để thoát khỏi bẫy TNTB, điều cốt yếu phải tăng được năng suất lao động. Điều này lại cần cải cách để tạo động lực cho sáng tạo, cải thiện hiệu quả sử dụng vốn. Tuy nhiên, ông Thành cho rằng thời gian gần đây, xã hội VN gần như không có sự sáng tạo, không có cải cách thật sự đáng kể. Trong khi đó, VN giảm đầu tư công nhưng chi thường xuyên cho bộ máy lại tăng rất mạnh, có dấu hiệu không kiểm soát được. Nghĩa là ngày càng tốn nhiều chi phí để quản lý xã hội. “Cơ cấu chi tiêu gần như đã quay lại như hồi đầu VN mới bắt đầu cải cách” - ông Thành nói.

CẦM VĂN KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên