08/04/2014 05:11 GMT+7

"Đừng làm nông theo kiểu chắp vá"

HOÀNG TRÍ DŨNG thực hiện
HOÀNG TRÍ DŨNG thực hiện

TT - GS-TS Võ Tòng Xuân - hiệu trưởng Trường đại học Nam Cần Thơ, chuyên gia hàng đầu về nông nghiệp - đã nói như vậy khi trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ xung quanh câu chuyện “nông dân khóc ròng vì trồng lúa, rau màu... bán không được”. GS Xuân nói:

Liên kết cùng chia sẻ lợi íchNợ “đè” người trồng rauNgười trước thua lỗ, người sau vẫn nuôi

uyJlfbFN.jpgPhóng to
Hàng trăm xe tải chở dưa hấu xuất khẩu qua Trung Quốc bị ùn ứ tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) khiến nông dân nhiều vùng trồng dưa trong nước điêu đứng - Ảnh: Q.Thế
fxVyDKLX.jpg
GS Võ Tòng Xuân - Ảnh: H.T.DŨNG

- Chuyện nông dân trồng lúa, rau màu, trái cây, nuôi cá được mùa mất giá bán không được không là chuyện mới. Nhà nước, cụ thể là Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương, không cung cấp được những thông tin thị trường chính xác cho nông dân... Mặt khác lâu nay lãnh đạo ta đi xuống các địa phương khuyến khích tỉnh lo sản xuất lúa, cá... nhưng không chỉ được ai sẽ mua cho nông dân cả. Còn người sản xuất (nông dân) vẫn giữ đặc tính cố cựu là thấy ai bán được gì bắt chước sản xuất thứ ấy, không cần biết thị trường có nhu cầu không. Có khi thương lái đến đặt cọc cho mình trồng, nhưng bản thân thương lái cũng không biết chắc thị trường có tiêu thụ không. Đến khi thu hoạch, có khi thị trường ứ đọng thì lại bỏ tiền cọc chạy lấy người.

* Lâu nay hễ nông sản của nông dân làm ra bán không được, ngành nông nghiệp luôn đổ trách nhiệm cho nông dân là trồng không theo quy hoạch, cung quá cầu. Liệu có công bằng không, thưa giáo sư?

- Họ phải nói thế vì không dám mạnh dạn nhận khuyết điểm của chính họ. Dĩ nhiên khi trúng mùa họ sẽ nhận là công của họ chỉ đạo. Quy hoạch của ngành nông nghiệp nước ta từ trước đến nay được thực hiện theo mong muốn của các nhà lãnh đạo chứ không theo căn cứ khoa học chân chính, nghĩa là theo điều kiện thị trường và điều kiện thích nghi của môi trường. Vì vậy nếu nông dân làm theo quy hoạch thì có khi tiêu thụ sản phẩm được, nhưng nhiều khi không có lợi bằng trồng thứ khác mà thị trường đang nóng bỏng.

"Chúng ta không thể hô hào trồng cây này cây kia rồi lại bỏ đó mặc cho nông dân “đem lúa cho vịt ăn” nữa. Từng cán bộ khuyến nông phải có trách nhiệm với những lời khuyên của mình đối với nông dân, bảo người ta trồng gì thì phải chuẩn bị sẵn ai sẽ tiêu thụ cái đó"

GS.TS VÕ TÒNG XUÂN

* Theo giáo sư, vai trò trách nhiệm của ngành nông nghiệp trong định hướng, quy hoạch, dự báo thị trường ở đâu trong chuyện này khi để nông dân mù mờ trong sản xuất?

- Như trên đã nói, vai trò Nhà nước thời gian qua vô cùng mờ nhạt, vắng bóng, để dân muốn làm gì thì làm. Vai trò Nhà nước, cụ thể là Bộ NN&PTNT thời gian qua, hành động theo kiểu chắp vá, thấy hư đâu sửa đấy, không có một chiến lược dài hạn khả thi một cách đồng bộ có hệ thống. Chờ đến khi nào có bệnh dịch, khi nông dân kêu ca bán lúa, bán rau không được, bộ đề nghị cho doanh nghiệp vay không lãi để mua lúa tạm trữ, thấy vài nơi có cánh đồng mẫu lớn để bán thuốc bán phân cho dễ thì bộ cũng hô hào xây dựng cánh đồng mẫu lớn, và bây giờ thì đang đề nghị “tái cơ cấu nông nghiệp” trồng cây khác thay cho lúa.

Một yếu kém nữa là trong thực tế mọi chương trình phát triển nông nghiệp, Bộ NN&PTNT khuyến khích mạnh ai nấy làm: anh khuyến nông thì hô hào trồng giống này, nuôi con kia mà không mua, anh bán thuốc bán phân thì lo hô hào nông dân mua dùng, và nông dân thì mạnh ai nấy lo, trăm người trăm vẻ, khi thu hoạch có hàng chục giống, mặc sức cho hàng trăm thương lái ép giá.

Vì vậy theo tôi, Nhà nước tổ chức sản xuất mỗi ngành hàng (lúa gạo, thủy sản, trái cây nhiệt đới, chăn nuôi...) một cách có hệ thống chuỗi giá trị từ khâu tìm hoặc mở thị trường rồi về tổ chức lại cho nông dân kết hợp với nhau sản xuất theo cùng một quy trình GAP. Liên kết với doanh nghiệp có đầu ra để bao tiêu sản phẩm nguyên liệu để sản xuất hàng có thương hiệu bán cho thị trường đó. Nhà nước sẽ có chính sách khuyến khích và nâng đỡ áp dụng cho từng công đoạn của cả chuỗi giá trị đó.

Quan trọng nhất là Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương nên tái cơ cấu các tổng công ty thành đơn vị gồm có nhiều chuyên viên thông thạo ngoại ngữ và sành sỏi các thị trường quốc tế, trước mắt là thị trường Trung Quốc và thị trường châu Phi, để giới thiệu sản phẩm mới của VN hoặc tìm đơn đặt hàng cho ta để trở về giao cho các công ty con lo sản xuất cho các đơn đặt hàng đó.

HOÀNG TRÍ DŨNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên