20/03/2014 11:04 GMT+7

Huy động các nguồn lực vào nông nghiệp

NGUYỄN SINH HÙNG (Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội)
NGUYỄN SINH HÙNG (Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội)

TT - Nghị quyết trung ương 7 khóa X “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn” ban hành ngày 5-8-2008. Đến nay, sau tròn năm năm nghị quyết đi vào thực tiễn cuộc sống, trung ương quyết định sơ kết, đánh giá tình hình thực hiện để xác định đúng phương hướng, giải pháp tiếp tục triển khai trong thời gian tới.

Gấp rút giảm diện tích trồng lúa

WcebpLz3.jpgPhóng to
Dưa lưới được trồng trong nhà màng với quy trình tưới nhỏ giọt và phun sương tự động, đảm bảo yêu cầu xuất khẩu tại Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM - Ảnh: Nguyễn Trí

Nhân dịp này, Tuổi Trẻ xin trích đăng bài viết của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

Trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế

Trong thời gian năm năm qua, sự ra đời của nghị quyết đã thúc đẩy mạnh mẽ phát triển nông nghiệp và nông thôn. Nông nghiệp đã trở thành trụ đỡ quan trọng cho nền kinh tế, đảm bảo cho sự ổn định của đất nước ta trong điều kiện khó khăn do khủng hoảng, suy thoái kinh tế toàn cầu.

Thực tiễn cho thấy cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế trong thế giới tư bản đã phát lộ những trọng bệnh, như khủng hoảng nợ công, suy giảm niềm tin, gia tăng nạn thất nghiệp và sự bất an về chính trị, xã hội..., dẫn đến việc nhiều nước quay lại với các biện pháp bảo hộ, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và xuất nhập khẩu của những nước đang phát triển, trong đó có nước ta. Tuy nhiên, may mắn là VN có nền nông nghiệp khá vững chắc, bước đầu được công nghiệp hóa, phát huy được vai trò trụ đỡ cho nền kinh tế, nhất là trong tình huống khó khăn chung của kinh tế thế giới.

"Phương thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún đã đưa sản xuất nông nghiệp tới ngưỡng, khó có thể tăng trưởng bền vững nếu không có giải pháp mới"

Nông nghiệp tăng trưởng đáng kể cả về năng suất, sản lượng và giá trị, nông sản và sản phẩm chế biến từ nông sản xuất khẩu tăng từ 12 lên 16 mặt hàng, có thị trường tiêu thụ tại 160 nước và vùng lãnh thổ, tổng kim ngạch xuất khẩu năm năm đạt 115 tỉ USD (năm 2013 đạt 27,5 tỉ USD), tăng bình quân 15,2%/năm...

Tuy nhiên, việc triển khai nghị quyết trung ương còn chưa đồng bộ xét cả về nội dung, giải pháp và địa bàn, kết quả đạt được còn chưa được như mong muốn, vai trò chủ thể của nông dân chưa được phát huy đầy đủ, chậm tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện trên thực tế.

Các chính sách về thu mua tạm trữ, tiêu thụ nông sản, nhập khẩu muối, vật tư nông nghiệp, khai thác khoáng sản, khai thác, nuôi trồng thủy hải sản, bảo hiểm nông nghiệp chưa mang lại quyền lợi tương xứng cho nông dân.

Chính sách tín dụng ưu đãi tuy đã có nhưng nông dân khó tiếp cận, dẫn đến thiếu vốn sản xuất kinh doanh; chính sách về đất đai còn bất cập, việc thu hồi đất nông nghiệp, đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư chưa phù hợp, dẫn đến một bộ phận nông dân mất đất sản xuất, không có việc làm, đời sống gặp nhiều khó khăn, khiếu kiện kéo dài, phức tạp.

Tổ chức lại sản xuất nông nghiệp

Về các giải pháp và bước đi cụ thể, cần chú trọng mấy nội dung chủ yếu sau:

Một là, công tác quy hoạch, định hướng phát triển. Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu. Cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sản xuất nông nghiệp phù hợp với yêu cầu tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển thị trường hàng hóa nông nghiệp trong điều kiện hội nhập quốc tế và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việc này cần tiến hành từ cấp tổng thể toàn quốc tới từng tỉnh, huyện. Quy hoạch tổng thể, liên vùng, liên tỉnh phải đúng tầm, bảo đảm sự tương tác, hỗ trợ, khai thác và phát huy cao độ nguồn lực của đất nước.

Vùng đồng bằng coi trọng phát triển công nghệ cao; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung; quy hoạch các vùng chuyên canh lúa hàng hóa lớn, chất lượng cao (như vựa lúa, vựa tôm cá vùng đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa vùng đồng bằng sông Hồng), hiện đại hóa công nghiệp bảo quản, chế biến; đồng thời phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ phục vụ nông nghiệp, đặc biệt là phát triển các khu công nghiệp, các cụm, nhóm sản phẩm công nghiệp và dịch vụ công nghệ cao gắn với các đô thị lớn để hình thành các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, có tầm cỡ khu vực, có vai trò dẫn dắt và tác động lan tỏa đến sự phát triển các vùng khác.

Vùng trung du, miền núi phát triển mạnh sản xuất lâm nghiệp, cây công nghiệp, cây ăn quả, cây dược liệu và chăn nuôi đại gia súc, tạo thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, trước hết là cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu... Nông dân sẽ làm giàu từ rừng, đất rừng, bảo vệ và phát triển rừng, sử dụng khai thác hiệu quả đất rừng trong điều kiện tổ chức sản xuất lớn.

Vùng biển, ven biển và hải đảo đặc biệt chú trọng phát triển mạnh kinh tế biển tương xứng với vị thế và tiềm năng biển của nước ta, gắn phát triển kinh tế biển với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền vùng biển. Phát triển nhanh một số khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp năng lượng, đóng tàu, chế biến thủy sản chất lượng cao, du lịch sinh thái...

Hai là, đổi mới tổ chức sản xuất và lưu thông hàng hóa. Nông nghiệp phải được tổ chức sản xuất hiện đại, tiên tiến, khoa học, liên kết, hợp tác nhằm nâng cao hiệu quả, khả năng cạnh tranh, tăng sản lượng và giá trị hàng hóa tiêu thụ trong nước và xuất khẩu để thu nhập và đời sống nông dân ngày một cao hơn. Đổi mới cơ bản phương thức tổ chức kinh doanh nông sản, trước hết là kinh doanh lúa gạo, cần tổ chức tốt các sàn giao dịch nông sản hàng hóa kết hợp với quá trình xây dựng thương hiệu sản phẩm và doanh nghiệp VN. Bảo đảm hợp tác chặt chẽ và phân phối lợi ích hợp lý trong suốt quá trình từ cung cấp giống, tổ chức sản xuất đến thu hoạch, bảo quản, đóng gói tiêu thụ trong nước và xuất khẩu (trong đó có các công ty cổ phần mà nông dân tham gia cổ đông), trên cơ sở đó mới khắc phục được điệp khúc “được mùa, rớt giá” và bảo đảm được mùa, ổn định giá.

Ba là, đẩy nhanh ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ hiện đại trong sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ hàng hóa; ưu tiên ứng dụng công nghệ sinh học để tạo ra và chủ động được nhiều giống cây trồng, vật nuôi và quy trình sản xuất đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, tăng nhanh giá trị gia tăng trên mỗi đơn vị diện tích canh tác. Phương thức tổ chức sản xuất mới, tiên tiến phải được quán triệt sâu sắc trong nông nghiệp và tất cả các ngành, các tổ chức liên quan (như các viện nghiên cứu khoa học, giống cây trồng, vật nuôi) và tổ chức thực hiện theo những phương thức, quy trình phù hợp, hiệu quả cao đối với từng ngành, từng loại sản phẩm nông nghiệp tại từng khu vực, địa bàn.

Bốn là, phát huy vai trò của Nhà nước trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhất là trong quy hoạch, xây dựng, ban hành chủ trương, chính sách, cơ chế và tổ chức thực hiện sáng tạo, tạo nên bước đột phá mới. Nông nghiệp có thể ví như trụ đỡ của nền kinh tế nước ta, nhưng việc làm ra sản phẩm lại hết sức khó khăn và thường có giá trị thấp, lại chịu nhiều rủi ro. Bởi vậy, trước hết cần khẳng định tư tưởng chủ đạo về chính sách nông nghiệp, nông dân, nông thôn là hỗ trợ, bao gồm các phương thức hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp qua đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, kinh tế - xã hội, các cách thức hỗ trợ trước và sau sản xuất, hỗ trợ nhanh khi bị rủi ro (thông qua hoạt động bảo hiểm và tài trợ).

Năm là, trong xây dựng nông thôn mới, ưu tiên nguồn lực phát triển sản xuất, sớm đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng thiết yếu như giao thông, thủy lợi và cần chú ý nhiều hơn đến phát triển hạ tầng xã hội: trường học, trạm xá, nhà văn hóa, bảo vệ môi trường, bảo đảm sự phát triển toàn diện và bền vững nông thôn VN.

Đổi mới cơ chế chính sách

Mặt khác, Nhà nước tổ chức, tạo điều kiện phát triển các ngành công nghệ phục vụ sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp, các ngành dịch vụ, nhất là dịch vụ cao cấp ở nông thôn, như mạng lưới ngân hàng, bảo hiểm. Có chính sách đặc thù khuyến khích cho vùng trồng lúa và người trồng lúa đảm bảo an ninh lương thực quốc gia... Đặc biệt là đổi mới cơ chế chính sách, huy động các nguồn lực đa dạng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, khuyến khích mạnh mẽ sự tham gia đầu tư của các thành phần kinh tế, huy động nhiều hơn các nguồn vốn trong nước và nước ngoài (như ODA, FDI...) đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để tạo sự đồng bộ giữa chủ trương, chính sách với nguồn lực tài chính và công nghệ từ các nước tiên tiến.

NGUYỄN SINH HÙNG (Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên