19/03/2014 08:18 GMT+7

Kéo vali nặng là phản cảm

LÊ NAM
LÊ NAM

TT - Đại diện Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) khẳng định chuyện “cấm tổ bay mang vali to ra nước ngoài” chỉ nhằm cụ thể hóa các quy định nghiêm cấm việc mang hành lý, vận chuyển hàng hóa sai quy định của tổ bay đã có từ trước.

Cấm tổ bay mang vali to ra nước ngoài

U8iS5w11.jpgPhóng to
Hạn chế tổ bay mang vali to ra nước ngoài nhằm giữ gìn hình ảnh và đảm bảo an toàn chuyến bay - Ảnh: Thuận Thắng

Ông Lê Trường Giang, người phát ngôn VNA, cho rằng những quy định này luôn được cập nhật và nhắc nhở nhưng vẫn có vài cá nhân vi phạm và đã bị xử lý rất nặng.

Đã xử lý nhiều tổ bay vi phạm

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, nội dung “lưu ý túi đựng áo khoác phải cho vào vali/cặp bay” là cập nhật từ thực tế một số thành viên tổ bay đã mang theo túi đựng áo khoác nhưng không dùng cho mục đích đựng áo khoác mà để đựng hàng hóa, vật dụng nên lần quy định này VNA phải đưa thêm thông tin này để yêu cầu các thành viên tổ bay phải thực hiện.

Theo quy định trong nghị định 66/2002 của Chính phủ quy định về hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh và quà biếu tặng nhập khẩu được miễn thuế thì định mức được miễn thuế của người nhập cảnh là: rượu từ 22 độ trở lên (1,5 lít), rượu dưới 22 độ (2 lít), đồ uống có cồn, bia (3 lít); thuốc lá điếu (400 điếu), xì gà (100 điếu), thuốc lá sợi (100 điếu), chè (5kg), cà phê (3kg); quần áo, đồ dùng cá nhân (số lượng phù hợp phục vụ cho mục đích chuyến đi). Các vật phẩm khác ngoài danh mục nêu trên (không nằm trong danh mục hàng cấm nhập khẩu hoặc nhập khẩu có điều kiện) có tổng trị giá không quá 5 triệu đồng.

Một lãnh đạo VNA cho biết trong nội bộ hãng đã có những vụ xử lý dừng bay từ vài tháng đến cả năm, giáng chức các tiếp viên, phi công do mang quá nhiều hành lý, hàng hóa về VN sau các chuyến bay. “Chúng tôi từng xử lý những thành viên tổ bay không hề bị cơ quan chức năng như hải quan, công an của nước ngoài hay VN phát hiện bắt giữ, lập biên bản nhưng khi có thông tin nội bộ đã cho dừng bay đến sáu tháng, có người bị giáng chức vì vi phạm quy định của hãng để răn đe và làm gương” - vị này khẳng định.

Ông Phạm Ngọc Minh, tổng giám đốc VNA, khẳng định không nhân nhượng cho bất cứ hành vi sai trái nào của tổ bay. Theo đó, các quy định phải siết chặt hơn nữa để không tạo cơ hội cho các nhân viên lạm dụng làm những điều sai với quy định chung của hãng. Theo ông Minh, hãng đã nghiên cứu rất kỹ nhu cầu của các thành viên tổ bay để đưa ra quy định này ở một đường bay ngắn/trung kích cỡ của vali trong quy định là phù hợp với nhu cầu của thời gian công tác ở nước ngoài.

Còn ông Nguyễn Hồng Lĩnh, trưởng đoàn bay 919, VNA cho rằng ngoài việc tuân thủ quy định, tổ bay còn có nhiệm vụ giữ gìn hình ảnh, uy tín của hãng hàng không quốc gia và trên hết phải đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối cho các chuyến bay, đặc biệt sau vụ máy bay Malaysia mất tích vấn đề an toàn, an ninh phải được đặt lên hàng đầu. Hơn nữa, kích cỡ vali đề cập trong chỉ thị hoàn toàn đủ cho thành viên tổ bay để các quần áo giữ ấm, chống lạnh trong thời gian công tác, “thậm chí là dư sức để quần áo ấm trong vali này”.

Làm nghiêm khó lọt hàng lậu

Bà Phạm Thị Phương Hải, trưởng đoàn tiếp viên VNA, cho rằng không phải tiếp viên nào cũng mua và mang nhiều hàng hóa mà mua hàng hóa cho nhu cầu cá nhân chính đáng, nhưng thật sự cũng có những người mua và mang vác quá nhiều, khệ nệ, kéo vali nặng trịch “trông rất phản cảm”.

Theo quy định của Chính phủ, người thường xuyên nhập cảnh theo tính chất công việc (người điều khiển máy bay, nhân viên phục vụ trên các chuyến bay quốc tế) không được hưởng định mức hành lý miễn thuế cho từng lần nhập cảnh đối với vật phẩm, mà cứ 90 ngày mới được hưởng định mức miễn thuế một lần. Một tiếp viên trưởng VNA cho biết cứ ba tháng họ được mua hai chai rượu, hai cây thuốc lá (400 điếu) và khai với hải quan kèm theo thông tin hộ chiếu để kiểm tra.

Trưởng đại diện một hãng hàng không quốc gia trong khu vực ASEAN có văn phòng tại TP.HCM cho biết mỗi hãng có quy định khác nhau về hành lý cho tổ bay nên cũng khó nói hãng này quy định quá ít, hãng kia cho mang theo nhiều hành lý. Việc tổ bay có mang hàng hóa trái quy định nhập cảnh vào nước sở tại là vấn đề mà hãng hàng không nào cũng gặp phải. “Quan trọng là hải quan và các lực lượng kiểm soát ở sân bay có thật sự công tâm, giám sát chặt để các thành viên tổ bay này không thể lợi dụng, qua mặt để đưa hàng hóa nhập cảnh hay không” - ông này chia sẻ.

Trao đổi với Tuổi Trẻ về vấn đề này, một lãnh đạo Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết nếu tiếp viên mang hàng lậu về VN bị phát hiện cũng sẽ bắt ngay. Theo vị này, Hải quan Tân Sơn Nhất còn có máy riêng để chuyên kiểm tra thành viên tổ bay, chẳng những nhằm giải phóng nhanh cho lượng hành khách làm thủ tục tại sân bay mà còn tăng cường kiểm soát kỹ hàng hóa xuất nhập cảnh.

Trả lời Tuổi Trẻ câu hỏi liệu có sự dung túng của một số cá nhân nhân viên hải quan để thành viên tổ bay có thể mang hàng hóa nhập lậu sai quy định, vị lãnh đạo này khẳng định “không thể có việc thành viên tổ bay buôn lậu, có là chúng tôi giữ lại, lập biên bản ngay. Có những trường hợp tiếp viên mang quá quy định thì lập biên bản buộc phải đóng thuế, tái xuất. Còn hàng hóa mang về trong quy định dưới 5 triệu đồng thì hải quan không thể cấm”.

LÊ NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên