14/03/2014 08:00 GMT+7

Làm nông nghiệp sạch để bán "không khí"

SƠN LÂM - CHÍ QUỐC
SƠN LÂM - CHÍ QUỐC

TT - Ngoài việc nuôi heo, làm vườn, hàng trăm nhà nông ở TP Cần Thơ cũng đầu tư làm hầm biogas, không đốt củi, tiết kiệm điện... nhằm hạn chế phát ra khí thải carbon (CO2) để... bán chỉ số carbon.

Kiếm tiền tỉ từ nông nghiệp không khó Những nông dân làm khácRa mắt nhà máy "xanh" đầu tiên ở Singapore

gzblbGkF.jpgPhóng to
Ông Lê Hoàng Thanh cùng các nghiên cứu sinh của dự án lắp đặt hệ thống biogas trong vườn nhà mình - Ảnh: Sơn Lâm

Mô hình đang được nhân rộng theo dự án Phát triển nông thôn dựa trên cơ chế phát triển sạch (CDM) do Trường đại học Cần Thơ và Trung tâm nghiên cứu thế giới của Nhật Bản về khoa học nông nghiệp (JIRCAS) phối hợp thực hiện. Và đây là dự án đầu tư “tín chỉ carbon” đầu tiên được triển khai tại ĐBSCL.

Đầu tư “tín chỉ carbon”

Ngày 20-12-2013, Việt Nam và Quỹ đối tác carbon (CPF) của Ngân hàng Thế giới đã ký thỏa thuận mua tín chỉ giảm thải carbon của Dự án năng lượng tái tạo (REDP) do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Theo thỏa thuận, quỹ đối tác CPF cùng với Thụy Điển, Na Uy và Tây Ban Nha sẽ mua 3 triệu tấn tín chỉ giảm thải carbon của chương trình phát triển thủy điện nhỏ thuộc REDP. Tổng tín dụng cho REDP là 202 triệu USD được cấp bởi Hiệp hội Phát triển quốc tế, là cơ quan của nhóm Ngân hàng Thế giới cung cấp tài chính ưu đãi.

Từ ngày tham gia dự án, ngoài một số loại cây trồng như dâu, cam, sầu riêng và chăn nuôi heo, 5.000m2 vườn của ông Lê Hoàng Thanh (ấp Mỹ Thuận, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) đã có thêm sáu hệ thống biogas bằng túi nhựa, được đầu tư từ tiền của dự án. Với những hầm biogas cung cấp khí đốt, từ nhiều năm nay gia đình ông Thanh sử dụng để thay thế tất cả bình gas, củi lửa nấu nướng trong gia đình. “Nhờ hệ thống có sẵn, hiện chỉ cần đào rãnh đặt túi khí, nhét phân heo vào chờ phân hủy là có ngay khí đốt” - ông Thanh cho biết.

Không chỉ tiết kiệm được một lượng lớn gas, mà lượng khí ông thu được từ hệ thống biogas còn được chia lại cho các nhà hàng xóm xung quanh sử dụng nấu nướng. Ngoài ra, vườn ông Thanh còn là nơi để Trường đại học Cần Thơ thí nghiệm xây dựng hệ thống biogas bằng túi nhựa với nhiên liệu là rơm hoặc bèo. “Cũng tương tự như phân heo, mình nhét rơm hoặc bèo vào túi nhựa chờ cho phân hủy, khi nào thấy túi nhựa phồng căng đầy khí là bắt đầu dẫn khí đốt ra để nấu nước, thắp đèn... rất tiện lợi” - ông Thanh nói.

Gia đình ông Thanh là một trong 401 hộ tại Cần Thơ đã được JIRCAS tài trợ các túi biogas theo dự án CDM. ThS Trần Sỹ Nam - giảng viên khoa môi trường và tài nguyên thiên nhiên Đại học Cần Thơ, một trong những người chuyên trách dự án - cho biết chỉ cần đồng ý tham gia dự án, cam kết thực hiện việc sử dụng khí đốt từ hệ thống biogas thay cho bình gas, củi lửa trong vòng bảy năm, sẽ được tài trợ một túi biogas trị giá hơn 2 triệu đồng.

Ông Nam cho biết tại những hộ nông dân tham gia dự án này đều có một nhóm kiểm soát viên thường xuyên thăm dò việc hạn chế xả khí thải bằng phiếu mỗi tháng một lần. Các phiếu này sẽ cho ra số lượng thống kê người dân đang giảm được bao nhiêu lượng bình gas hằng tháng, hoặc số củi không còn dùng từ khi có hệ thống biogas. Cả lượng phân do chăn nuôi được dùng để làm nguyên liệu cho hệ thống biogas nếu có thay đổi cũng phải nắm, vì như thế mới định hình được lượng tín chỉ carbon.

Nhiều lợi ích

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Chiếm - giảng viên khoa môi trường và tài nguyên thiên nhiên Đại học Cần Thơ, đại diện dự án JIRCAS, dự án CDM được thực hiện tại huyện Phong Điền và hai quận Bình Thủy, Cái Răng (TP Cần Thơ) từ năm 2009, với mục đích sẽ đầu tư cho 1.000 hộ nông dân làm vườn, sử dụng hệ thống biogas dạng túi để tham gia giảm phát khí thải. “Theo dự án CDM, JIRCAS sẽ đầu tư vốn để các nhà nông làm vườn bằng các biện pháp sạch, giảm tối đa việc phát thải khí CO2 ra môi trường. Việc giảm phát khí này sẽ được đo lại và quy ra tín chỉ carbon. Sau khi giữ ổn định tín chỉ carbon trong các nhà vườn, JIRCAS sẽ tiếp thị ra thế giới để bán tín chỉ này” - ông Chiếm cho biết.

Trong năm 2014, JIRCAS cam kết tiếp tục việc hỗ trợ khoảng 1.000 hộ nông dân trên địa bàn Cần Thơ tham gia chương trình với 1.000 túi biogas được triển khai. Và mỗi năm có thể tạo ra được khoảng 3.000 tín chỉ carbon. Dự kiến năm 2015 bắt đầu thống kê tín chỉ carbon và sẽ đem bán chúng cho thị trường carbon thế giới. “Tiền bán các tín chỉ carbon từ dự án thu được cũng sẽ hỗ trợ các hộ dân trong dự án như cung cấp hệ thống lọc nước sạch, sử dụng năng lượng mặt trời, hỗ trợ canh tác nông nghiệp...” - ông Chiếm nói.

Theo ước tính của ông Nam, một túi biogas với sức chứa 2m3 trong mỗi gia đình như hộ ông Thanh có thể giảm thải khoảng hơn 3 tấn CO2 (tương đương 3 tín chỉ carbon) trong một năm. “Ngoài việc tạo ra nguyên liệu đốt, hệ thống biogas còn giúp đảm bảo môi trường sạch, chất thải có thể dùng làm phân bón sạch, góp phần tạo ra tín chỉ carbon trong từng hộ dân” - ông Nam nói.

PGS.TS Lê Anh Tuấn - phó viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu Trường đại học Cần Thơ - cho biết việc giảm phát khí thải tại Việt Nam đã được thực hiện bởi nhiều dự án phi chính phủ nhưng chủ yếu là tại các thủy điện và các vườn quốc gia. Việc đầu tư tín chỉ carbon tại các hộ nông dân chủ yếu ở hình thức làm sao để người dân hạn chế việc tiêu thụ khí đốt, điện, và xả thải phân trong quá trình vệ sinh chuồng trại. “Phương thức sử dụng mô hình biogas sẽ giải quyết được vấn đề này nên được lựa chọn là cách thức trọng tâm của dự án. Người dân được hưởng rất nhiều cái lợi từ dự án và cũng ý thức hơn vào việc bảo vệ môi trường” - ông Tuấn cho biết.

Ai phải mua tín chỉ carbon?

Theo ông Chiếm, “tín chỉ carbon” là một khái niệm được ra đời năm 1997, từ hội nghị các bên tham gia công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu lần 3 tại Tokyo. Theo đó, cơ chế phát triển sạch cho phép các quốc gia phát triển thực hiện kế hoạch cắt giảm hoặc giới hạn mức khí thải nhà kính thấp hơn mức mà nghị định thư Kyoto đề ra, đồng thời các dự án cơ chế phát triển sạch có thể bán tín chỉ giảm phát thải. Một tín chỉ carbon tương đương 1 tấn CO2. Những nước hoặc nhà máy, đơn vị sản xuất... nếu có lượng khí thải CO2 xả ra môi trường vượt mức quy định thì phải mua tín chỉ carbon ở những nơi khác tiết kiệm được để bù vào.

Tính đến tháng 3-2010, Việt Nam có 24 dự án cơ chế phát triển sạch được đăng ký. Trong đó 12 dự án về thủy năng, 5 dự án về phục hồi khí mêtan, 2 dự án về thu nhập khí khải từ bãi rác và 2 dự án về xử lý nước thải. Như dự án xử lý nước thải bằng phương pháp kỵ khí tại nhà máy chế biến tinh bột sắn Việt Mã (Tây Ninh) đang giảm được hơn 42.000 tấn CO2/năm, dự án thủy điện Phú Mẫu (Lào Cai) giảm được hơn 13.000 tấn CO2/năm...

SƠN LÂM - CHÍ QUỐC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên