21/12/2013 09:01 GMT+7

Tung hàng mới kéo khách sắm tết

D.TUẤN
D.TUẤN

TT - Dù đối mặt với nhiều rủi ro trong bối cảnh sức mua rất kém hiện nay, nhưng không ít doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng thời trang vẫn nỗ lực kéo khách đến với thương hiệu của mình bằng việc tung ra các sản phẩm, mẫu mã mới.

0QphsXej.jpgPhóng to
Hàng loạt sản phẩm mới được chuỗi hệ thống thời trang Việt Thy tung ra thị trường phục vụ dịp lễ sắp tới - Ảnh: Thanh Đạm

Những nỗ lực này được các doanh nghiệp dồn sức tối đa để “đánh cú chót” với thị trường Giáng sinh và Tết Nguyên đán đang cận kề từng ngày trước mặt.

Nhiều mẫu mới, giá không tăng

Những ngày gần đây, hơn 10 cửa hàng chính của thương hiệu thời trang Việt Thy tại các con phố trung tâm đã hoàn tất việc thay đổi cách bài trí với gam màu ánh cam trẻ trung bắt mắt. Bên trong cửa hàng Việt Thy trên đường Hai Bà Trưng (Q.3, TP.HCM), gần 70 mẫu mã mới của hai bộ sưu tập dành cho Giáng sinh và Tết Nguyên đán được trưng bày ở nơi ấn tượng nhất. “Dù sức mua dự báo sẽ giảm 20-25% so với năm ngoái, nhưng chúng tôi vẫn tung ra các sản phẩm mới để kéo khách” - bà Đặng Quỳnh Đoan, giám đốc thương hiệu thời trang Việt Thy, nói.

Saigon Co.op khai trương nhiều siêu thị

Hệ thống Saigon Co.op vừa đưa vào hoạt động Co.op Mart Vũng Tàu 2 (diện tích hơn 6.000m²) tại đường Lê Hồng Phong, TP Vũng Tàu và Co.op Mart Hoàng Mai (P.Thịnh Liệt, Q.Hoàng Mai, Hà Nội), diện tích trên 11.000m². Cả hai siêu thị mới này đều kinh doanh trên 30.000 mặt hàng gồm thực phẩm, hóa phẩm, may mặc thời trang, đồ chơi, đồ dùng gia đình, điện máy gia dụng... Như vậy, hệ thống Co.op Mart hiện đã đạt con số 67 siêu thị trong cả nước.

Mức giá cho tất cả sản phẩm mới tung ra thị trường bán tết của Việt Thy hiện dao động 249.000-259.000 đồng cho áo sơmi, 259.000-399.000 đồng cho quần jean, bằng với năm ngoái, bất chấp chi phí đầu vào đã tăng rất mạnh trong thời gian qua. “Phần lớn các doanh nghiệp đều chấp nhận huề vốn, thậm chí chịu lỗ, nếu không muốn hàng bị ngâm lâu hơn. Không một ai nghĩ đến việc tăng giá bán cho mùa vụ kinh doanh này” - bà A.K., phụ trách marketing thương hiệu thời trang V., nói.

Chuỗi hệ thống của thương hiệu thời trang N&M thuộc Công ty thời trang Việt cũng vừa cho lên kệ hàng loạt sản phẩm áo thun, váy dài, quần jean và các phụ kiện thời trang đi kèm.

Trong khi đó, dù số lượng cửa hàng không nhiều như các doanh nghiệp khác nhưng thương hiệu PT 2000 đã cố gắng làm mới bằng mọi cách trong điều kiện có thể. Có mức giá khá sát với Việt Thy, Ninomaxx và cả Blue Exchange, phong cách thiết kế của PT 2000 phù hợp với độ tuổi thanh niên khi sử dụng nhiều chất liệu và các kiểu phối màu rất nhã cho hầu hết sản phẩm chủ lực của mình.

Cạnh tranh bằng chính sách hậu mãi

Theo các doanh nghiệp may mặc trong nước, các sản phẩm ở phân khúc trung bình khá trở lên đã không còn “sợ” bị hàng Trung Quốc chèn ép nữa. “Nếu so với mặt bằng giá và chất lượng ở cùng phân khúc sản phẩm, giá bán của các doanh nghiệp trong nước cũng rất cạnh tranh với hàng Trung Quốc, chưa kể sản phẩm Thái Lan, Malaysia” - bà Đoan khẳng định. Với mức giá phổ biến 490.000-650.000 đồng/sản phẩm của hàng Trung Quốc, 500.000-800.000 đồng/sản phẩm hàng từ Thái Lan và 700.000-800.000 đồng/sản phẩm của Malaysia, rõ ràng giá bán của các doanh nghiệp thời trang trong nước mềm hơn khá nhiều.

Nhưng điểm yếu nhất của hàng may mặc trong nước chính là mẫu mã và kiểu dáng chưa thể “chạy” theo kịp sản phẩm của các nước nói trên. Bà Thu Loan, chủ sạp bán áo quần chợ An Đông, cho hay nếu so với tốc độ cập nhật mẫu, “hàng trong nước chậm lắm dù đường kim mũi chỉ tốt hơn hàng Trung Quốc rất nhiều”. Theo bà Thu Loan, do năm nay bán chậm nên việc lấy hàng không cần gấp gáp, “chứ nếu hàng bán chạy, chỉ cần buổi sáng đặt mẫu thì buổi chiều mối bỏ hàng đã đến tận sạp châm hàng chứ không phải chờ đợi như khi lấy hàng trong nước bán”.

Để bù lại điểm yếu này, dù khó khăn nhưng không ít doanh nghiệp chấp nhận đổ tiền ra để “o bế” các dịch vụ hậu mãi, nhận diện thương hiệu của mình. Chẳng hạn, thương hiệu Blue Exchange sẵn sàng trả lại tiền cho khách hàng sau hai tuần đã mua và sử dụng sản phẩm, chỉ với điều kiện nhãn mác vẫn còn nguyên. “Chỉ cần người tiêu dùng mua về, sau đó vì lý do gì không còn thích sản phẩm của chúng tôi nữa cứ mang ra trả và sẽ nhận lại tiền” - ông Lâm Quang Thái, giám đốc Blue Exchange khẳng định. PT 2000 cũng lưu ý khách giữ lại hóa đơn thanh toán để tiện việc đổi, trả.

D.TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên