Phóng to |
Hiệp hội Gas đề xuất giảm thuế nhập khẩu gas từ 5% xuống 0% sẽ giúp giá gas bán lẻ giảm 20.000 đồng/bình - Ảnh: T.T.D. |
Ông Nguyễn Tiến Thỏa (tổng thư ký Hội Thẩm định giá VN): Thuế nhập còn O%, giá gas giảm 20.000 đồng/bình Khi đưa thuế nhập khẩu về 0%, giá gas giảm khoảng 20.000 đồng/bình, không lớn nhưng cũng góp phần hỗ trợ người tiêu dùng trong bối cảnh khó khăn như hiện nay. Việc giảm thuế cũng chỉ là một biện pháp, nên điều quan trọng là cơ quan quản lý nhà nước cần phải có những biện pháp cấp bách khác. Cụ thể, cơ quan quản lý cần kiểm tra yếu tố hình thành giá của các doanh nghiệp gas xem họ tính toán có hợp lý hay không. Cộng với việc là các doanh nghiệp đầu mối phải có trách nhiệm rà soát chất lượng cũng như giá cả trong toàn hệ thống của mình từ đại lý đến khâu bán lẻ như quy định tại nghị định 107 năm 2009. Chứ không thể để tình trạng như hiện nay, nhiều đại lý bán lẻ tăng giá vô tội vạ. L.THANH |
Trả lời về việc giá gas tăng mạnh trong khi Tổng công ty Khí VN (PVGas) đang giữ vị thế độc quyền, liệu có khả năng giá gas tăng do trong nước ém hàng, thao túng giá, ông Nguyễn Xuân Chiến - vụ phó Vụ Thị trường trong nước Bộ Công thương - thừa nhận giá gas vừa tăng gây bức xúc không chỉ với hộ gia đình mà cả người sản xuất. Tuy nhiên, ông cho rằng giá gas trong nước tăng chủ yếu do giá thế giới tăng và để giảm giá, cần giảm thuế gas từ 5% xuống 0%.
Để hạn chế việc lợi dụng giá gas theo cơ chế thị trường để nâng giá tùy tiện, ông Chiến cho biết sắp tới Bộ Công thương dự kiến cùng Bộ Tài chính lập đoàn kiểm tra doanh nghiệp kinh doanh gas để xem xét yếu tố hình thành giá xem mức tăng có hợp lý, nếu sai phạm sẽ xử lý.
Cũng trong chiều 2-12, ông Nguyễn Thanh Bình - chánh thanh tra Sở Tài chính TP.HCM - cho biết trước tình trạng giá gas tăng mạnh, đơn vị sẽ tiến hành giám sát chặt chẽ quá trình đăng ký giá gas của các doanh nghiệp. Sau khi nhận được các hồ sơ đăng ký, trong tuần đơn vị sẽ tiến hành kiểm tra các công ty kinh doanh gas đầu mối cũng như các đại lý, tránh tình trạng bán gas không đúng giá công bố gây nhiễu loạn thị trường.
Trong khi đó ông Nguyễn Sỹ Thắng - chủ tịch Hiệp hội Gas VN - cho biết ngay sau khi nhận được thông tin giá gas thế giới chính thức tăng, hiệp hội đã có văn bản kiến nghị giảm thuế nhập khẩu gas từ 5% xuống 0%.
“Trước đây chúng tôi đã phản đối chính sách thiếu minh bạch đối với lượng gas cung ứng trong nước khi phần lớn lượng gas này rơi vào tay doanh nghiệp con của Tập đoàn Dầu khí VN. Còn hiện nay cách thức đấu thầu gas trong nước tương đối ổn, tránh được cơ chế xin cho như trước. Tuy nhiên, Nhà nước phải minh bạch lời lãi, sử dụng tiền lời cho các giải pháp chống những biến động bất ngờ của thị trường” - ông Thắng bày tỏ.
Cũng theo ông Thắng, giá gas thế giới dự kiến tiếp tục tăng do thời điểm này mới bắt đầu vào mùa đông, nhu cầu sử dụng gas các nước còn tăng mạnh. Do đó, Nhà nước cần có công cụ để điều chỉnh giá. Cụ thể, nếu giảm thuế nhập khẩu thì thị trường gas sẽ không tăng nóng.
Tuy nhiên, điều khiến dư luận bức xúc là vì sao lượng gas sản xuất trong nước chiếm đến hơn 50% thị trường, nhưng giá gas bán lẻ vẫn bị điều chỉnh theo giá thế giới?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Minh Loan, chủ tịch kiêm tổng giám đốc Công ty gas Anpha Petrol, khẳng định: “Hiện nay không có bất cứ văn bản luật nào quy định giá gas trong nước phải tính theo giá CP (giá gas nhập khẩu)”. Ông Loan cho biết thêm, việc áp dụng giá gas ngay sau khi chốt giá CP thế giới cũng chưa thật hợp lý. Nhiều quốc gia khác coi giá CP mang tính chất tham khảo. Nhà nước tính toán nhiều yếu tố như lượng nhập khẩu, tồn kho cũng như lượng gas cung ứng trong nước để đưa ra mức giá hợp lý.
“Việc này hoàn toàn minh bạch, tránh được những biến động đột ngột của thị trường. Bản thân doanh nghiệp cũng rất ngán ngẩm tình trạng trồi sụt khó lường” - ông Loan cho hay.
Một số ý kiến đề nghị phải tính bình quân giá gas sản xuất trong nước với giá thế giới khi tính toán cơ cấu giá thành gas. Về điều này, ông Nguyễn Tiến Thỏa - tổng thư ký Hội Thẩm định giá VN - cho rằng kiến nghị này rất đúng nhằm đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng trong nước.
“Điều tôi thấy băn khoăn là chúng ta cần phải rà soát để có những quy định cụ thể trong bối cảnh giá gas biến động. Đơn cử như trong tháng 12, giá gas thế giới sẽ tăng lên trên 1.000 USD/tấn. Nhưng thời điểm ngày 1-12, hầu hết doanh nghiệp chưa có hợp đồng mới, hàng chưa về thì làm sao có thể áp dụng theo giá của tháng 12 được. Hiện nay các doanh nghiệp đang bán hàng tồn của trước đây theo giá nhập cũ thì cơ quan quản lý phải có quy định cụ thể doanh nghiệp phải bán lượng hàng tồn theo giá cũ. Còn nếu doanh nghiệp tăng giá đón đầu thì sẽ gây thiệt hại cho người tiêu dùng” - ông Thỏa nhận định.
Liệu cơ quan quản lý có nắm được hàng tồn không? Ông Thỏa quả quyết chắc chắn Bộ Công thương - đơn vị quản lý mặt hàng này - nắm được số hàng tồn này. Điều quan trọng là cơ quan quản lý có yêu cầu doanh nghiệp báo cáo, có kiểm soát chặt chẽ hay không.
Doanh nghiệp gas lãi khủng Giá gas đã tăng một thời gian dài. Trong khi người tiêu dùng phải còng lưng gánh giá gas cao kỷ lục, lên đến gần 500.000 đồng/bình 12kg, các doanh nghiệp sử dụng gas trong quá trình sản xuất kinh doanh cũng bị thiệt hàng trăm triệu đồng mỗi tháng thì các công ty kinh doanh gas lại đạt lợi nhuận khủng. Trường hợp đầu tiên phải kể đến là Tổng công ty Khí VN (PV Gas). PV Gas là đơn vị cung cấp khí dầu mỏ hóa lỏng (tức khí gas) hàng đầu VN. PV Gas cho biết đang chiếm tới 70% thị phần tiêu thụ gas ở VN. Đây là nhà bán sỉ cho hầu hết doanh nghiệp kinh doanh gas ở VN như Petrolimex, Saigon Petro, Shell Gas VN, PVgas South, PVgas North... Không chỉ nhập khẩu, PV Gas còn là nhà bán sỉ gần như toàn bộ sản lượng gas của Nhà máy Dinh Cố và một phần của Nhà máy Dung Quất. Với vị trí thống lĩnh thị trường gas, cùng với các công ty con là những nhà bán buôn, bán lẻ gas hàng đầu, cùng với cung cấp khí thiên nhiên, PV Gas luôn nằm trong top doanh nghiệp có lợi nhuận khủng nhất trên thị trường chứng khoán. Chín tháng đầu năm nay, lợi nhuận sau thuế của PV Gas đã lên đến 10.451 tỉ đồng, tăng 39,23% so với cùng kỳ năm ngoái. Đứng trong tốp đầu của ngành gas đang niêm yết trên thị trường chứng khoán còn có Công ty cổ phần Kinh doanh khí hóa lỏng miền Nam (PVgas South). Doanh thu của công ty này trong chín tháng đầu năm nay chỉ tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, tức đạt 4.780 tỉ đồng. Trong đó doanh thu kinh doanh khí gas chiếm 66%. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế trong kỳ lại đạt tới 232,82 tỉ đồng, tăng tới 44% so với chín tháng đầu năm 2012. Tương tự, Tổng công ty Gas Petrolimex (PGC) cũng đã cán đích lợi nhuận năm 2013. Kết thúc quý 3-2013, doanh thu của công ty này đạt 2.343 tỉ đồng, giảm 2,29% so với chín tháng đầu năm 2012. Tuy nhiên, lợi nhuận của PGC lại tăng mạnh. Sau chín tháng, lợi nhuận trước thuế của PGC đạt 87,45 tỉ đồng, tăng 30,1% so với cùng kỳ 2012 và vượt lợi nhuận theo kế hoạch cho cả năm 2013 khoảng 2,9%. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh gas khác cũng công bố các thông tin về hoạt động sản xuất kinh doanh rất sáng sủa, so với bối cảnh chung rất ảm đạm của các doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn chứng khoán. Các báo cáo phân tích về ngành gas cho rằng lợi nhuận của doanh nghiệp kinh doanh gas tăng nhờ vào việc giá gas trên thị trường được thả nổi. Trong khi đây là mặt hàng thiết yếu, người tiêu dùng ít có sự lựa chọn. B.HOÀN |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận