09/11/2013 11:01 GMT+7

Hàng Tết dỏm đang tràn ngập, hàng thật lao đao

LÊ SƠN - DŨNG TUẤN
LÊ SƠN - DŨNG TUẤN

TT - Còn hơn hai tháng nữa mới tới Tết Nguyên đán, nhưng ngay từ thời điểm này, hàng loạt mặt hàng tiêu dùng như bánh kẹo, đường, mỹ phẩm nhập lậu, giả, nhái, kém chất lượng đã nhộn nhịp tập kết để phân phối, tỏa đi khắp nơi tiêu thụ.

Hàng giả chủ yếu sản xuất ở Trung Quốc

d9B0bUvx.jpgPhóng to
Quản lý thị trường phát hiện hàng ngàn chai sữa tắm nhập lậu tại cơ sở kinh doanh mỹ phẩm ở Q.2, TP.HCM - Ảnh: L.Sơn

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp trong nước phải đau đầu với bài toán hàng lậu, hàng giả tràn lan ngoài thị trường.

Tràn lan hàng không rõ nguồn gốc

Mới đầu tháng 11, nhưng dạo một vòng quanh chợ đầu mối Bình Tây, TP.HCM có thể thấy bánh kẹo đã về đầy ngất tại các sạp với đủ chủng loại, màu sắc sặc sỡ. Với lý do lấy hàng về bán tạp hóa, chúng tôi ghé vào một sạp la liệt các loại kẹo màu, bánh được đóng thành từng bịch nilông lớn. Bà chủ tên Hòa hỏi ngay: “Lấy loại nào, bánh kẹo xá về đóng gói hay hộp ngoại?”. Thấy khách mua còn lúng túng không biết chọn mua loại nào, bà chủ tiếp lời: “Mua bánh xá về đóng hộp bán, muốn bán sao cũng được. Vỏ hộp thì muốn lấy loại nào cũng có, nhưng số lượng lớn mới xuất được”.

Các loại bánh đóng hộp rất đa dạng về xuất xứ, tiếng Anh, tiếng Trung, nhãn hiệu Thái Lan, Indonesia, Đan Mạch... Giá cả cũng được các tiểu thương niêm yết rất đa dạng, bánh hộp gắn mác ngoại nhưng chỉ 60.000-80.000 đồng/hộp. Tuy nhiên, các mẫu hộp đều cũ kỹ, thậm chí nhiều hộp hạn sử dụng chỉ còn 3-4 tháng. Còn các loại bánh kẹo xá được bán theo ký với mức giá 30.000-50.000 đồng/kg.

Dạo quanh một vòng chợ có thể quan sát thấy mặt hàng đường trắng cũng bắt đầu rục rịch vận chuyển đi các tỉnh, nhưng chủ yếu được đóng trong các loại bịch nilông lớn mà không có nhãn mác gì. Ghé sạp của bà P.A., đường trắng được bày ngay trước cửa sạp với mức giá chỉ 14.000-16.000 đồng/kg. “Muốn mua bao nhiêu, đóng hàng đi tỉnh hay sao?” - chủ sạp hỏi liền. Theo bà P.A., mặt hàng đường bán chạy nhất khoảng tháng 7 trở đi khi bước vào vụ sản xuất bánh kẹo tết, còn thời điểm này chủ yếu xe hàng từ các tỉnh mua về trữ hàng bán dịp tết. “Lấy sớm đi, bữa nay hàng rẻ, mấy bữa nữa không có giá này mà lấy đâu” - bà chủ sạp rao.

Nhộn nhịp không kém, tại các sạp kinh doanh mỹ phẩm ở chợ An Đông, Bình Tây, các mặt hàng mỹ phẩm ghi xuất xứ Malaysia, Đức, Thái Lan được đóng thành những thùng lớn 20-35 chai/thùng liên tục được chuyển đi giao cho khách đặt hàng. Đặc biệt, mặc dù mang mác mỹ phẩm nhập khẩu song hầu hết sản phẩm đều không có nhãn phụ bằng tiếng Việt. Bà M., chủ sạp kinh doanh mỹ phẩm tại chợ Bình Tây, khẳng định: “Hàng nhập khẩu cả đấy nhưng lu bu quá không có thời gian dán nhãn phụ. Chú cứ mua hàng, nếu cần chúng tôi in nhãn về tự dán vào. Hiện nay khu vực miền Trung, Tây nguyên đang chuộng mặt hàng này lắm”.

Giá các mặt hàng mỹ phẩm, đặc biệt là sữa tắm, như ma trận. Một chai sữa tắm cá ngựa loại 350ml “nhập khẩu tại Đức” có giá dao động 35.000-70.000 đồng. Theo bà M., loại rẻ nhất do Trung Quốc sản xuất, sữa tắm có mùi hắc, đậm hơn. Còn lại hầu hết được sản xuất chui trong nước với tem nhãn đầy đủ nhưng thông tin về đơn vị sản xuất đều là công ty, địa chỉ “ma”.

Doanh nghiệp bất an

Mới đây, Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an Đồng Nai đã kiểm tra cơ sở sản xuất kẹo Hải Âu đóng tại khu phố 4, phường Tam Hiệp, TP Biên Hòa và phát hiện cơ sở này đang tái chế số lượng lớn kẹo đã hết hạn sử dụng. Vào thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện tại khu vực sản xuất đang có 5 tạ kẹo cô đặc được đựng trong nhiều bao tải đã hết hạn sử dụng. Chủ cơ sở thừa nhận thu gom các loại kẹo hết hạn sử dụng rồi đem tái chế, thay đổi bao bì, hạn sử dụng để đưa tiêu thụ.

Ông Phan Văn Thiện, phó tổng giám đốc Công ty Bibica, cho biết có rất nhiều đơn vị trong nước mua bánh xá từ nước ngoài không rõ chất lượng, nguồn gốc đem về VN đóng gói, bán giá rẻ. Người tiêu dùng chỉ biết đó là bánh ngoại nhưng không có cơ sở nào để đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là điểm bất lợi cho việc cạnh tranh cùng ngành hàng tết của các doanh nghiệp nói chung.

Đại diện một doanh nghiệp bánh kẹo khác đánh giá hiện tình trạng bánh ngoại không rõ nguồn gốc đang ồ ạt về TP.HCM bày bán rất dễ dàng. Chưa kể nhiều cơ sở sản xuất bánh kẹo nhỏ lẻ trong nước mua bánh kẹo hàng xá với số lượng lớn, mua bao bì, nhãn mác đóng gói rồi tuồn ra thị trường bán vào thời điểm tết với nhãn mác, hạn sử dụng nhập nhèm. Việc này không chỉ gây ảnh hưởng tới người tiêu dùng mà còn làm các doanh nghiệp bánh kẹo rất vất vả trong việc sản xuất kinh doanh.

Theo ông Lê Công Tạo - trưởng phòng kinh doanh - marketing Công ty CP Đường Biên Hòa, năm nay công ty buộc phải tạm ngưng thực hiện chính sách in giá bán lẻ trực tiếp lên sản phẩm như năm trước do những bất ổn thị trường dịp cao điểm. “Việc in giá lên sản phẩm được người tiêu dùng rất hoan nghênh do ngăn chặn được tình trạng đại lý, cửa hàng tự ý tăng giá. Tuy nhiên, với tình trạng đường nhập lậu không được kiểm soát chặt hiện nay, chúng tôi khó có thể điều chỉnh giá cả một cách linh động để ứng phó”. Theo ông Tạo, để ứng phó công ty buộc phải cân nhắc chương trình khuyến mãi, giảm giá khác để điều chỉnh thị trường.

Ông Nguyễn Hữu Phước - giám đốc Công ty mỹ phẩm Thanh Nga (quận 6, TP.HCM), chủ thương hiệu mỹ phẩm Aihao - cho biết đơn vị khá dè dặt trong việc sản xuất lượng hàng phục vụ dịp tết. “Dịp tết là cơ hội để công ty chúng tôi đẩy hàng bù đắp cho khoảng thời gian kinh doanh èo uột trong năm. Nhưng rồi cũng chỉ dám tăng sản lượng 5-10% chứ không dám mạo hiểm vì hàng lậu, giả, nhái hiện nay tràn ngập thị trường. Chúng tôi từng phối hợp với cơ quan chức năng phát hiện hàng giả, hàng nhái nhưng triệt phá điểm này, điểm khác mọc lên quy mô còn lớn hơn!” - ông Phước bức xúc.

Hàng lậu chủ yếu từ Trung Quốc

Ngày 8-11, tại hội thảo “Chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại” được Bộ Công thương tổ chức ở Đà Nẵng, nhiều đại biểu bày tỏ lo ngại về tình trạng hàng giả ở VN ngày càng nhiều, phần lớn có xuất xứ từ Trung Quốc.

Theo ông Lê Thế Bảo - chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu VN, hiện nay chỉ cần đưa mẫu cho các cơ sở sản xuất ở nước ngoài thì chỉ trong vòng 15-30 ngày đã nhận được sản phẩm mới, làm y hệt sản phẩm thật, khó phân biệt đâu là thật đâu là giả. Đã là hàng giả thì chất lượng không cao, nhưng nguồn hàng dồi dào, giá rẻ, mẫu mã đẹp, phong phú nên dễ bán. Cái khó nhất của chúng ta là hàng nhái, hàng giả từ nước ngoài đưa vào đến 60-70%, chỉ cần qua các đường mòn biên giới là có thể lọt vào các khu chợ và di chuyển sâu vào nội địa.

Trong tham luận gửi tới hội thảo, ông Phan Hoàn Kiếm - chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM - khẳng định hàng giả phần nhiều được sản xuất từ Trung Quốc nhập lậu vào VN dạng nguyên chiếc hoặc linh kiện, bao bì rời. Các mặt hàng may mặc, hàng bằng da hoặc giả da như giày dép, vali, đồng hồ, mắt kính, mỹ phẩm... chiếm tỉ lệ cao nhất trong số các loại hàng giả đã được cơ quan chức năng phát hiện. Theo ông Kiếm, số vụ truy cứu trách nhiệm hình sự, đưa ra tòa xét xử rất ít, nên chưa có tính răn đe.

HỮU KHÁ

LÊ SƠN - DŨNG TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên