Phóng to |
Bà Camilla Mellander - đại sứ Thụy Điển (bìa phải) - và bà Victoria Kwakwa - giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (bìa trái) - trao đổi bên lề lễ kỷ niệm 20 năm ODA cho Việt Nam - Ảnh: H.Giang |
Năm 1993, khi dòng vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) được cộng đồng quốc tế nối lại cho Việt Nam tại hội nghị bàn tròn ở Paris, Việt Nam là một trong những nước nghèo nhất thế giới.
Từ 100 USD/người/năm lên 1.700 USD/người/năm
2013: trên 7 tỉ USD vốn ODA Tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết sáu tháng đầu năm 2013 đạt 3,834 tỉ USD (trong đó vốn vay là 3,769 tỉ USD; viện trợ không hoàn lại là 65 triệu USD), tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong các tháng còn lại của năm 2013, dự kiến tổng giá trị ODA và vốn vay ưu đãi ký kết đạt khoảng 2,409 tỉ USD. Như vậy nếu không có thay đổi lớn, tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết của cả năm 2013 ước đạt trên 7 tỉ USD, tăng 19,3% so với mức của năm 2012 và cao nhất từ trước đến nay. Tổng số ODA cam kết sau 20 năm là 78,195 tỉ USD.Nguồn: Bộ Kế hoạch - đầu tư |
Lúc đó, thu nhập bình quân đầu người chưa đầy 100 USD/người/năm. Các chỉ số về phát triển con người như giáo dục, y tế cũng vô cùng khiêm tốn. Sau 20 năm, khoảng 30 triệu người đã rời khỏi tình cảnh đói nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt xấp xỉ 1.700 USD. Cứ mỗi ngày suốt 10 năm qua lại có thêm 9.000 người dân Việt Nam được tiếp cận điện lưới.
Đó là một vài con số cụ thể mà bà Victoria Kwakwa, đại diện nhà tài trợ đa phương lớn nhất là Ngân hàng Thế giới, nêu lên để minh chứng những thành tựu nổi bật mà Việt Nam đạt được. Bà cho biết thậm chí một số chỉ số của Việt Nam còn cao hơn các nước có thu nhập tương đồng hoặc cao hơn: tỉ lệ người biết đọc biết viết cao hơn Bolivia hay Sri Lanka, tỉ lệ người tiếp cận nước sạch cao hơn Philippines và Indonesia...
“Thành công của Việt Nam trước hết đến từ sự lãnh đạo có tầm nhìn và đầy quyết tâm của Chính phủ cũng như nỗ lực vượt khó của người dân Việt Nam” - bà Kwakwa nói. Bà cho biết đến nay đã có khoảng 52 tỉ USD vốn ODA được ký kết cho Việt Nam, trong đó 66% dành cho lĩnh vực cơ sở hạ tầng và còn lại cho lĩnh vực nông thôn, xã hội, y tế, môi trường.
Tương tự, các đối tác phát triển khác đều đánh giá cao tinh thần tự chủ và quyết tâm của Việt Nam trong tiếp nhận, sử dụng và quản lý ODA. Cộng đồng các nhà tài trợ cũng đồng nhất trong việc ca ngợi Việt Nam đã vận dụng tri thức, kinh nghiệm của quốc tế một cách linh hoạt và sáng tạo để phù hợp với bối cảnh ở Việt Nam. Ông Hiroshi Fukada - đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, nhà viện trợ song phương lớn nhất - cho biết Nhật Bản sẵn sàng dùng ODA để giúp Việt Nam vượt qua giai đoạn kinh tế khó khăn, tái cơ cấu kinh tế, phát triển nguồn nhân lực và cải thiện cơ sở hạ tầng.
Dùng ODA thực hiện các đột phá chiến lược
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dành cả buổi sáng lắng nghe tất cả phát biểu của các đại diện từ cộng đồng tài trợ quốc tế. Đáp lại, Thủ tướng cảm ơn chính phủ các nhà tài trợ vì sự ủng hộ mạnh mẽ, những nguồn lực to lớn và hỗ trợ kỹ thuật quý báu dành cho Việt Nam suốt hai thập niên qua. Thủ tướng nhận định nguồn vốn ODA thời gian qua đã góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Thông qua việc thực hiện các chương trình, dự án, nguồn vốn ODA đã góp phần nâng cao năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh của một số ngành; tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để thúc đẩy thương mại, đầu tư và khu vực kinh tế tư nhân; mở rộng và tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế.
“Đối với chúng tôi, sự hỗ trợ của các bạn không chỉ là những đồng vốn quý báu lúc Việt Nam còn nghèo, những hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn chính sách phát triển khi Việt Nam còn rất khó khăn trong chuyển đổi nền kinh tế mà còn mang đậm tính nhân văn, tinh thần cộng đồng tương trợ lẫn nhau và thật sự xúc động khi sự giúp đỡ đó không chỉ đến từ các chính phủ, các tổ chức tài trợ mà còn là sự đóng góp của rất nhiều người dân, khi mà chính đất nước các bạn cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn của khủng hoảng kinh tế” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.
Thủ tướng cũng thẳng thắn thừa nhận quá trình quản lý, sử dụng ODA ở Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập và hạn chế, thể hiện ở năng lực hấp thụ viện trợ quốc gia chưa cao, tiến độ thực hiện và giải ngân vốn ODA còn chậm so với kế hoạch.
Trong giai đoạn phát triển tiếp theo của Việt Nam, Thủ tướng cho biết Việt Nam chủ trương dựa vào nội lực là chính, đồng thời đa dạng hóa các nguồn lực cho phát triển, mở rộng sự tham gia của các chủ thể công và tư, thực hiện chính sách hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện để tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài, trong đó nguồn lực ODA luôn giữ vai trò quan trọng để hỗ trợ thực hiện các ưu tiên phát triển, các đột phá chiến lược. Do đó, ODA trong thời gian tới sẽ được tập trung vào thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình và dự án trên các lĩnh vực phát triển hạ tầng, xây dựng chính sách và phát triển thể chế, tăng cường năng lực con người, chăm sóc sức khỏe cho người dân...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận