08/10/2013 10:44 GMT+7

Giá vàng trong nước "lặng sóng"

H.NHỰT
H.NHỰT

TTO - Mặc cho giá vàng thế giới có những phiên biến động, giá vàng trong nước những ngày qua “đủng đỉnh” trước ngưỡng 37,60 triệu đồng/lượng.

HanIUzsW.jpgPhóng to
Ảnh minh họa: T.Đạm

Bộ phận nghiên cứu và khảo sát thị trường của Công ty vàng Bảo Tín Minh Châu (Hà Nội) cho rằng, trong vòng nửa tháng trở lại đây, giá vàng SJC chưa có lúc nào vượt xa được mốc 37,60 triệu đồng/lượng.

Tuy nhiên, nếu xem chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới là một “thước đo” về sự chênh lệch cung-cầu trên thị trường vàng, có thể thấy nhu cầu vàng của thị trường vẫn đang ở mức cao. Thực tế các phiên đấu thầu vàng miếng do Ngân hàng Nhà nước tổ chức gần đây, số lượng tồn dư mỗi phiên nhiều lắm là 400 lượng SJC.

Trong phiên hôm nay, giá mua vàng của các doanh nghiệp tăng 50.000 đồng, trong khi giá bán giữ nguyên mức 37,55 triệu đồng/lượng so với sáng qua. Giá vàng trong nước hiện chênh lệch so với thế giới khoảng 3,75 triệu đồng/lượng.

Ngược với xu hướng đi ngang của giá vàng trong nước, giá vàng giao tháng 12-2013 tại Mỹ đêm qua tăng mạnh 1,2% lên tại 1.325,1 USD/ounce.

Tại châu Á, giá vàng sáng nay tăng 3,80 USD lên mức 1.326,20 USD/ounce, tương đương 33,70 triệu đồng/lượng.

Giá vàng thế giới “có sóng” trở lại trong ngày hôm qua và là phiên tăng đầu tiên trong vòng 3 phiên trở lại đây do nhu cầu trú ẩn an toàn khi bế tắc ngân sách khiến Mỹ có thể vỡ nợ. Hiện tại, Hạ viện Mỹ vẫn chưa đi đến thỏa thuận nâng trần nợ trong khi chính phủ Mỹ vẫn tiếp tục đóng cửa.

Chủ tịch FED Ben S. Bernanke: Tôi không hiểu nổi giá vàng!

Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Ben S. Bernanke thốt lên rằng ông không thể nào hiểu được giá vàng. Nếu những đồng nghiệp của ông tại các ngân hàng trung ương khác chú ý, hẳn họ sẽ dừng lại việc mở rộng quỹ dự trữ đến nay đã "bốc hơi" 545 tỉ USD giá trị kể từ khi đạt đỉnh điểm hồi năm 2011.

Theo Bloomberg, hồi tháng 7-2013 ông Ben S. Bernanke đã nói trước Ủy ban Ngân hàng Quốc hội rằng "không một ai thực sự hiểu được giá vàng và tôi không giấu diếm mình cũng vậy".

Hội đồng Vàng thế giới tại London (Anh) ước tính các ngân hàng trung ương, hiện sở hữu 18% lượng vàng khai thác, trong năm nay sẽ mua thêm 350 tấn vàng trị giá 15 tỉ USD. Họ đã mua 535 tấn trong năm 2012, nhiều nhất kể từ năm 1964. Nga là người mua mạnh nhất, mở rộng quỹ vàng lên đến 20% kể từ khi giá vàng đạt kỷ lục 1.921,15 USD/ounce vào tháng 9-2011. Vàng đến nay đã giảm 31%.

Ngân hàng Morgan Stanley cho biết lượng vàng nắm giữ của các ngân hàng trung ương hiện nay đạt giá trị 1,35 nghìn tỉ USD và tổng cộng là 1,9 nghìn tỉ USD vào tháng 9-2011 với giá lúc đó. Các quốc gia sẽ mua thêm hơn 500 tấn vàng vào năm 2018. Dữ liệu Bloomberg cho biết thị hiếu của họ trái ngược với giới đầu tư, những người đã và đang cắt giảm 43% giá trị cổ phần nắm giữ trong các quỹ ETP trong năm nay, tương đượng 81,4 tỉ USD.

Trong khi các nhà làm luật mua vào thì giới đầu tư đang mất niềm tin vào kim loại quý, đó không còn là nơi trú ẩn an toàn. Tỉ phú Warren Buffett, người giàu thứ 4 thế giới trên bảng xếp hạng Bloomberg Billionaires Index và là nhà đầu tư thành công nhất thế giới, khẳng định vàng không còn sinh lợi. Dữ liệu của Bloomberg cho thấy giá trị của các sản phẩm giao dịch liên kết năm nay giảm 60,4 tỉ USD, tương đượng 43% và gây thiệt hại nặng nề cho quỹ phòng vệ của tỉ phú John Paulson. Tỉ phú đầu tư George Soros năm nay cũng đã phải bán cổ phần trong quỹ vàng ETP lớn nhất thế giới và các công ty khai thác mỏ cũng giảm giá trị tài sản ít nhất là 26 tỉ USD.

Theo Bloomberg, các nhà làm luật, những người chịu trách nhiệm che chắn cho nền kinh tế khỏi bão lạm phát, thường có những quyết định đầu tư vàng vào những thời điểm không thích hợp, mua cao - bán thấp. Họ đang giảm lượng nắm giữ khi vàng dùng sàn 20 năm hồi năm 1999 và khi giá vàng tăng gấp 4 lần trong vòng 9 năm tiếp theo. Các ngân hàng trung ương đã trở thành người mua ròng ngay trước thời kỳ vàng đạt đỉnh cao vào năm 2011.

Nhà chiến lược đầu tư đứng đầu tại Commonfund Group ở Wilton, bang Connecticut nhận định: "Ngân hàng trung ương thường mua khi mọi người có thể bán và bán khi mọi người có thể mua. Thị trường sẽ trở nên khó khăn và đôi khi giá vàng lại bị điều khiển bởi cảm xúc hơn là các yếu tố cơ bản. Ngân hàng trung ương là những nhà mua vàng tồi tệ". Nhà chiến lược thị trường Quincy Krosby hiện đang giám sát khối tài sản 1 nghìn tỉ USD nhận định: "Có những chỉ thị trái chiều khi ngân hàng trung ương mua và bán, nhưng họ không phải là thương nhân. Một số ngân hàng xem vàng như một loại tiền tệ thay thế nhằm chống lại áp lực lạm phát tiềm năng từ các việc triển khai nới lỏng định lượng và lãi suất thấp".

Vàng trên sàn London, tính từ đầu năm 2013 đến ngày 4-10, đã giảm đến 21% còn 1.316,28 USD/ounce, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1981. Các nhà dự đoán chính xác nhất cho biết thị trường vàng sẽ tiếp tục giảm sâu. Goldman Sachs Group Inc. trụ sở New York cho biết giá sẽ giảm còn 1.110 USD trong vòng 12 tháng và Societe Generale SA dự báo giá vàng trung bình của năm 2014 là 1.125 USD/ounce. Còn theo tính toán của 12 nhà phân tích do Bloomberg thống kê cho biết giá vàng quý IV sẽ xoay quanh con số 1.300 USD/ounce, mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua.

Trong khi các quốc gia từ Mỹ đến Anh thông qua tiêu chuẩn vàng từ thế kỷ XIX để giới hạn lạm phát thì không có một ngân hàng trung ương hay tổ chức chính phủ nào còn gắn chặt đồng tiền vào kim loại quý này.

H.NHỰT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên