Phóng to |
Nhiều doanh nghiệp khi ra cảng làm thủ tục hải quan mới biết đã áp dụng quy định máy móc cũ nhập khẩu phải được Bộ KH&CN đồng ý mới được thông quan - Ảnh: B.Hoàn |
Hàng nằm tại cảng, chi phí mỗi ngày một đội lên, trong khi DN vẫn loay hoay chưa biết “xin ý kiến” như thế nào. Theo các DN, quy định máy móc, thiết bị cũ muốn được nhập khẩu phải đáp ứng yêu cầu của Bộ KH&CN xuất phát từ chỉ thị 17 của Thủ tướng về việc tăng cường quản lý, kiểm soát nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị của DN, nhưng đến nay Bộ KH&CN chưa có hướng dẫn khiến hàng loạt DN bị ảnh hưởng.
Hoàn toàn bị động
Ngày 25-9, ông Ngô Chí Tâm, phụ trách nhập khẩu một công ty thương mại chuyên nhập khẩu máy móc thiết bị về thị trường VN, đến cảng Cát Lái để “nghe ngóng” tình hình xem có thể lấy hàng ra khỏi cảng trong vài ngày tới hay không. Tuy nhiên, khi có mặt tại cảng, ông Tâm vẫn chưa làm được thủ tục hải quan vì lãnh đạo phụ trách thủ tục nhập khẩu tại Chi cục hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I cho biết vẫn chưa nhận được hướng dẫn của Bộ KH&CN.
Ông Tâm cho biết công ty có một container 40 feet hàng nhập khẩu máy chuyên dùng gồm xe cẩu, xe xúc đã qua sử dụng nhập về từ Mỹ đã về cảng Cát Lái từ ngày 14-9. Đã 11 ngày nay hàng vẫn nằm tại cảng. “Cơ quan hải quan yêu cầu phải xin ý kiến của Bộ KH&CN mà chúng tôi không biết phải xin cái gì. Bộ không có văn bản hướng dẫn rõ ràng. Tôi đã liên lạc qua điện thoại ra bộ hai lần nhưng vẫn bảo chờ. Hàng để tại cảng, mỗi ngày chúng tôi mất khoảng 500.000 đồng tiền phí lưu bãi. Chưa kể do chậm giải phóng nên công ty có nguy cơ bị mất khách hàng, phải bán giảm giá” - ông Tâm lo lắng.
Theo ông Tâm, sáng 25-9, khi liên lạc ra bộ, cơ quan này cho biết đã có công văn hướng dẫn, yêu cầu DN làm cam kết với chi cục hải quan nơi mở tờ khai để nhập hàng, trừ trường hợp hàng nhập từ Trung Quốc phải do bộ xét duyệt. Tuy nhiên, trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo hải quan cảng Cát Lái cho biết đến trưa 25-9 vẫn chưa nhận được công văn hướng dẫn của Bộ KH&CN.
Ông Nguyễn Xuân Thanh, nhân viên xuất nhập khẩu Công ty TNHH sản xuất thương mại Hòa Lực (TP.HCM), cho biết hai container máy móc đã qua sử dụng nhập khẩu từ Nhật, trị giá hơn 300 triệu đồng đã kẹt tại cảng Cát Lái từ hơn một tuần qua. “Khi đi làm thủ tục mới biết hàng không lấy ra được vì hải quan nói có quy định mới về nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng. Nếu tính tiền phạt do lưu bãi, lưu kho quá thời gian quy định thì công ty phải mất thêm 400.000 đồng/ngày” - ông Thanh nói.
Ông Thanh cho biết nhu cầu sử dụng các loại máy móc, thiết bị đã qua sử dụng hiện rất lớn. Bởi không phải DN nào cũng có tiền để mua máy mới. “Dù đã qua sử dụng nhưng so với một số máy móc kém chất lượng xuất xứ Trung Quốc thì hàng đã qua sử dụng của Nhật, Đức, Thụy Sĩ còn tốt hơn nhiều” - ông Thanh so sánh.
Quy định chung chung làm khó DN
Một cán bộ hải quan cảng Cát Lái cho biết rất nhiều DN nhập khẩu máy móc thiết bị từ Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản... thường xuyên làm thủ tục qua hải quan cảng Cát Lái. Hiện cơ quan hải quan chưa làm thủ tục nhập khẩu, chưa cho DN mở tờ khai nhập máy móc cũ. Vì thế, các DN nhập hàng đều bị ảnh hưởng, hàng hóa ùn ứ tại cảng là đương nhiên.
Theo tìm hiểu, từ giữa tháng 9-2013, Tổng cục Hải quan đã có công văn gửi Bộ KH&CN, trong đó khẳng định do Bộ KH&CN chưa ban hành các tiêu chuẩn yêu cầu trong trường hợp nhập khẩu máy móc thiết bị đã qua sử dụng nên hải quan chưa có cơ sở để giải quyết thủ tục nhập khẩu cho các lô hàng này. Trong khi chờ ban hành tiêu chuẩn, cơ quan hải quan chỉ thông quan cho những lô hàng đã có ý kiến đồng ý của Bộ KH&CN.
Ông Đỗ Phước Tống - phó chủ tịch Hội Cơ khí TP.HCM - cho rằng chỉ thị 17 về cơ bản là cần thiết, nhất là đối với các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Tuy nhiên, chỉ thị không nói rõ chủng loại thiết bị, thậm chí cả thành phần DN nào mới cần phải đáp ứng các yêu cầu theo hướng dẫn của Bộ KH&CN, vô tình đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến nhu cầu được trang bị vật tư, phương tiện máy móc phù hợp với năng lực tài chính của các DN vừa và nhỏ.
Các cơ quan hải quan ở TP.HCM cũng cho rằng việc siết nhập khẩu máy móc thiết bị là cần thiết, vì thời gian qua đã có nhiều DN nhập khẩu máy móc cũ, quá lạc hậu, ảnh hưởng đến môi trường khi đưa vào vận hành. Tinh thần của chỉ thị 17 nhằm vào các công ty nhà nước, do thời gian qua đã có nhiều đơn vị nhập máy móc lạc hậu. Tuy nhiên, do quy định chung chung, lại thực hiện ngay, trong khi cơ quan chịu trách nhiệm chưa ra hướng dẫn cụ thể nên tất cả các DN đều bị “vạ lây”.
Theo ông Tống, để tháo gỡ kịp thời các vướng mắc cho DN, Bộ KH&CN cần nhanh chóng có công văn hướng dẫn thật chi tiết, rõ ràng trong đó cần nêu rõ các sở KH&CN của từng địa phương phải làm gì để hỗ trợ DN. Các giải pháp này, theo ông Tống, chỉ nên là các giải pháp tình thế. Về lâu dài, nếu không quy định rõ thành phần DN, chủng loại thiết bị, máy móc thuộc diện bắt buộc phải kiểm tra, vô hình trung sẽ rơi vào tình trạng bộ sẽ phải giải quyết, có ý kiến từng mặt hàng rất lẻ mẻ.
Siết chặt với doanh nghiệp nhà nước Ngày 25-9, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đỗ Hoài Nam - vụ trưởng Vụ Đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ Bộ KH&CN - cho hay khi xây dựng chỉ thị 17, Bộ KH&CN chỉ nhắm đến các tổng công ty, tập đoàn nhà nước (DN nhà nước). Sau đó, Bộ KH&CN đã điều chỉnh để áp dụng cho các DN nói chung. Ông Nam cho biết trong khi chờ đợi ban hành thông tư hướng dẫn chính thức, ngày 24-9 Bộ KH&CN đã có văn bản gửi Tổng cục Hải quan đề xuất hướng giải quyết tạm thời cho các DN. Theo đó, đối với thiết bị đã qua sử dụng không có xuất xứ, nhập khẩu từ Trung Quốc và đơn vị nhập khẩu không phải là DN nhà nước, nếu các lô hàng có hợp đồng mua bán ký kết trước ngày 9-8 thì không phải tuân theo chỉ thị 17 mà chỉ cần bảo đảm các quy định hiện hành. Với các lô hàng có hợp đồng mua bán ký sau ngày 9-8, DN chỉ cần làm bản cam kết máy móc, dây chuyền bảo đảm các yêu cầu về an toàn, đáp ứng tiêu chuẩn bảo vệ môi trường. Với những trường hợp nghi vấn, hải quan hậu kiểm và có quyền yêu cầu giám định. Riêng các DN nhà nước, máy móc thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng khi nhập khẩu phải xin ý kiến bằng văn bản của Bộ KH&CN và bộ quản lý ngành. Ngoài ra, các máy móc thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc cũng phải làm hồ sơ như hướng dẫn của Bộ KH&CN. NGỌC HÀ |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận