22/08/2013 08:24 GMT+7

Lợi nhuận teo tóp

ÁNH HỒNG - BẠCH HOÀN
ÁNH HỒNG - BẠCH HOÀN

TT - Trong số 613 doanh nghiệp (DN) niêm yết đã công bố kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2013, có đến 115 DN báo lỗ và 212 DN bị giảm lợi nhuận so với cùng kỳ năm ngoái.

rqqrOx1V.jpgPhóng to
Trong nửa đầu năm 2013, nhiều công ty thủy sản giảm lợi nhuận do khó khăn về nguyên liệu và thị trường - Ảnh: CHÍ QUỐC

Kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2013 của các DN ngành vật liệu xây dựng, bất động sản, chế biến hàng xuất khẩu, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm... vẫn rất u ám. Ngay cả một số ngành đã có cải thiện hơn so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận chủ yếu nằm ở một số DN lớn.

Thủy sản gặp khó, bất động sản vẫn... bất động

Dữ liệu được cập nhật đến ngày 15-8 của Công ty dữ liệu và truyền thông tài chính StoxPlus, lợi nhuận sau thuế của 55 DN bất động sản đã công bố kết quả kinh doanh đạt 4.553,53 tỉ đồng, tăng 132,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, ông Nguyễn Quang Thuân, giám đốc điều hành StoxPlus, cho rằng điều này không phản ánh được bức tranh chung của ngành bất động sản. Bởi chỉ riêng Vingroup (VIC) đã đóng góp tới 4.036,53 tỉ đồng, tăng 223% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong thực tế, gần một nửa số DN bất động sản tại sàn TP.HCM đã bị giảm lợi nhuận so với cùng kỳ năm trước, thậm chí lỗ. Chẳng hạn, Công ty CP Licogi 16 (LCG) lỗ 59,75 tỉ đồng, Công ty CP Nhà VN (NVN) lỗ 5,5 tỉ đồng... Ông Lê Chí Hiếu, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty CP Phát triển nhà Thủ Đức (TDH), cho biết thị trường vẫn rất khó khăn. Nhiều chủ đầu tư rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Tiền đã đầu tư vào đất nhưng muốn chuyển nhượng cho đối tác khác không được, cũng không thể thế chấp vay vốn được.

Tương tự, hầu hết các DN chế biến thủy sản xuất khẩu có lợi nhuận sau thuế giảm 30-90% so với cùng kỳ 2012. Những DN thủy sản có lợi nhuận sau thuế sáu tháng đầu năm giảm mạnh có thể kể đến như Công ty CP Chế biến thủy sản và xuất nhập khẩu Cà Mau (CMX) giảm 67%, Công ty CP thủy sản Mekong giảm 72,42%, Công ty CP Đầu tư thương mại thủy sản giảm 80,19%... Một số DN thủy sản khác có kết quả kinh doanh thua lỗ, thậm chí thua lỗ kéo dài. Chẳng hạn trong quý 2-2013, Công ty CP Thủy hải sản Việt Nhật (VNH) tiếp tục lỗ 5,17 tỉ đồng, lũy kế trong sáu tháng đầu năm nay lỗ 8,18 tỉ đồng và đây cũng là quý ba liên tiếp DN này kinh doanh thua lỗ.

Tăng trưởng lợi nhuận một số ngành

Ngành hàng<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

6 tháng đầu năm 2013 so với 6 tháng đầu năm 2012

Bán lẻ

-9,66%

Bảo hiểm

-27,01%

Công nghệ thông tin

4,25%

Dầu khí

7,07%

Dịch vụ tài chính

-22,56%

Ðiện, nước và xăng dầu, khí đốt

57,63%

Du lịch và giải trí

-18,31%

Hóa chất

58,42%

Ngân hàng

-11,08%

Hàng cá nhân và gia dụng

3,00%

Nguồn: StoxPlus

Nợ xấu “đè” lợi nhuận ngân hàng

Cũng như DN ở nhiều lĩnh vực khác, bức tranh lợi nhuận ngành ngân hàng nửa đầu năm 2013 vẫn chưa sáng sủa do còn dư âm của nợ xấu và tăng trưởng tín dụng thấp. Theo báo cáo tài chính hợp nhất vừa công bố, lợi nhuận trước thuế quý 2 của Techcombank chỉ đạt 255 tỉ đồng, giảm 58% so với cùng kỳ 2012. Lũy kế sáu tháng, ngân hàng này đạt 653 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 60% so với cùng kỳ 2012.

Đây không phải là trường hợp cá biệt. Trong quý 2, Ngân hàng Á Châu (ACB) chỉ lãi gần 410 tỉ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do các khoản tiền gửi liên ngân hàng giảm gần một nửa, khiến thu nhập từ lãi thuần giảm 981 tỉ đồng. Lũy kế sáu tháng, lợi nhuận của ACB đạt 716 tỉ đồng, giảm 55% so với cùng kỳ năm 2012. Tỉ lệ nợ xấu của ngân hàng có xu hướng gia tăng, từ 2,5% cuối năm 2012 lên 3% vào cuối quý 2-2013.

Eximbank cũng có sự sụt giảm lợi nhuận khá lớn so với cùng kỳ năm trước. Tổng lợi nhuận trước thuế quý 2 của Eximbank chỉ đạt 366 tỉ đồng, lũy kế sáu tháng đầu năm đạt 755,39 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ 2012 con số này lần lượt là 854,25 tỉ đồng và 1.876,42 tỉ đồng. Trong nửa đầu năm nay, Vietcombank chỉ đạt 2.600 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, hoàn thành 45% kế hoạch năm, do tăng trưởng tín dụng âm 1,1%. Ngân hàng Kiên Long lợi nhuận trước thuế sáu tháng đầu năm đạt 212 tỉ đồng, bằng 43% so với kế hoạch.

PGS.TS Trần Hoàng Ngân, phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, nói việc sụt giảm lợi nhuận của các ngân hàng trong nửa đầu năm nay là điều có thể dự báo trước. Theo ông Ngân, nguồn thu của các ngân hàng chủ yếu đến từ tín dụng, thu lãi, cho vay, trong khi sáu tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống rất thấp, từ đó kéo theo lợi nhuận của ngân hàng sụt giảm. Chưa kể các hoạt động đầu tư những năm trước cũng đem lại lợi nhuận rất lớn cho ngân hàng, nhưng vài năm trở lại hoạt động này gần như không sinh lời, chưa kể nợ xấu từ cho vay cũng tăng cao.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận của ngân hàng sụt giảm là do nợ xấu. Hiện nay, tổng nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn là hơn 52.300 tỉ đồng, chiếm 5,85% tổng dư nợ tín dụng và tăng 11% so với cuối năm 2012. Nợ xấu cao đã buộc các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro, tức tăng thêm chi phí, khiến lợi nhuận suy giảm. Riêng năm tháng đầu năm, trích lập dự phòng rủi ro của 14 ngân hàng thương mại có hội sở tại TP.HCM đã lên hơn 8.000 tỉ đồng.

Điểm sáng ở cổ phiếu lớn

Dữ liệu được StoxPlus cập nhật cho thấy lợi nhuận mà các DN niêm yết làm ra đang tập trung chủ yếu ở một số DN lớn như GAS, VIC, VNM, PPC, STB... Trong 39.300 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế sáu tháng đầu năm của 613 DN đã công bố kết quả kinh doanh, chỉ riêng 10 DN lớn đã chiếm tới 66,46%, với 26.118,91 tỉ đồng. Giám đốc một công ty chứng khoán nhận định rằng báo cáo tài chính của các DN niêm yết cho thấy hoạt động DN đang có sự phân hóa rõ rệt. Những DN nào có nền tảng tốt thì vẫn cứ lớn lên, sống khỏe, trong khi rất nhiều DN ngày càng khó khăn hơn.

ÁNH HỒNG - BẠCH HOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên