22/08/2013 05:50 GMT+7

TPP không chỉ là dệt may

NHƯ BÌNH
NHƯ BÌNH

TT - VN sẽ được hưởng lợi gì và cần làm gì để được hưởng lợi là nội dung chính đặt ra tại buổi tọa đàm về Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) diễn ra ngày 21-8 ở TP.HCM, do Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn và Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) tổ chức.

0BQ9kpwl.jpgPhóng to
Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu sang thị trường Mỹ tại Công ty cổ phần Garmex Sài Gòn - Ảnh: T.V.N.

Nóng nhất tại buổi tọa đàm vẫn là câu chuyện xuất xứ “từ sợi trở đi” (yarn forward). Ông Diệp Thành Kiệt, phó chủ tịch Hiệp hội Da giày VN, cho biết: “Khi nghe yarn forward tôi cũng lo lắng, nhưng chúng ta chỉ có lựa chọn tham gia cuộc chơi hoặc không. Khi đang diễn ra quá trình đàm phán, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã đến VN để tìm hiểu việc đầu tư vào ngành sợi, dệt nhuộm”.

Ông Kiệt nói tiếp cái khó lớn nhất của VN là khả năng tận hưởng các ưu đãi vì coi chừng cuối cùng VN không phải là người thụ hưởng. “Trong da giày doanh nghiệp nước ngoài chiếm trên 75% giá trị xuất khẩu, gần 70% doanh nghiệp vừa và nhỏ của VN chỉ xuất khẩu hơn 20%, con số này trong ngành dệt may có khá hơn nhưng cũng chẳng lạc quan hơn. Doanh nghiệp nước ngoài đánh hơi là làm ngay. Ngày 21-8, phía doanh nghiệp Mỹ ở Hong Kong đã đặt vấn đề xây dựng một khu vực về sợi để giải quyết vướng mắc từ sợi trở đi, do đó không khéo người hưởng thụ không phải là doanh nghiệp VN. Bởi sợi Mỹ đầu tư, ren cũng Mỹ làm, vậy cuối cùng VN vẫn chỉ làm công” - ông Kiệt nói.

Ông Lê Quang Hùng, chủ tịch HĐQT Công ty Garmex Sài Gòn (GMC), cho rằng trong TPP ngành hưởng lợi nhất là dệt, tuy nhiên tận dụng được cơ hội này hay không là câu chuyện không chỉ của doanh nghiệp VN mà còn chính sách, quyết tâm của Chính phủ. Việc tham gia TPP, nhìn ở khía cạnh khác không chỉ tạo cơ hội cho doanh nghiệp phát triển mà còn giúp doanh nghiệp tái cơ cấu lại khách hàng. Hiện nay xuất khẩu hàng may mặc của GMC đạt 50 triệu USD và mục tiêu sẽ đạt 100 triệu USD vào năm 2018 nhờ VN gia nhập TPP.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, giám đốc Trung tâm WTO thuộc VCCI, đặt vấn đề: mọi người quá tập trung vào khó khăn của dệt may, da giày VN, trong khi chúng ta có một đối tượng dễ bị tổn thương hơn là người nông dân. Theo bà Trang, khi bàn về việc tiếp cận thị trường nước ngoài, trong quá trình đàm phán nước nào cũng muốn giữ thuế cao để bảo hộ sản phẩm nông nghiệp, ngay cả với Mỹ. Trong trường hợp thuế quan được hạ cho nông nghiệp thì những biện pháp khác như kỹ thuật, tiêu chuẩn vệ sinh dịch tễ đôi khi nhỏ hơn như bao bì... được dựng lên ngay lập tức. Thuế quan loại bỏ càng nhiều thì ngành sản xuất nội địa của các nước sẽ sử dụng các biện pháp hàng rào kỹ thuật càng cao để loại bỏ những hàng ngoại cạnh tranh với họ.

Vậy sản xuất nông nghiệp của VN khó khăn ở đâu? Với những thông tin đã được tiết lộ cho thấy TPP ảnh hưởng mạnh mẽ đến giá thành sản phẩm của nông dân. Những nông hóa phẩm mà VN hiện nay sử dụng đều có bảo hộ sáng chế, vì vậy chi phí sản xuất sẽ cao. “Người nông dân đang phải gánh một chi phí rất lớn cho nông hóa phẩm như thuốc bảo vệ thực vật, thú y... Việc sử dụng những sản phẩm có bảo hộ sở hữu trí tuệ trong TPP khắt khe hơn, chưa kể theo đề xuất sử dụng chỉ dẫn địa lý của TPP, thương hiệu ai đăng ký trước sẽ được bảo hộ ngay lập tức. Đó là nguy cơ với nông nghiệp” - bà Trang lo ngại.

NHƯ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên