27/07/2013 11:00 GMT+7

Làm rõ việc đẩy giá sữa lên cao

BẠCH HOÀN thực hiện
BẠCH HOÀN thực hiện

TT - Giá sữa bán lẻ cao gấp nhiều lần giá nhập khẩu gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, người từng nghiên cứu sâu giá cả và các loại chi phí ở mặt hàng sữa, cho rằng cơ quan chức năng thật sự vào cuộc, giá sữa mới trở về mức hợp lý. Ông Long nói:

Sữa ngoại lại đua tăng giá

tpvVv5vu.jpgPhóng to
Ông Ngô Trí Long - Ảnh: LÊ THANH

- Trong kinh doanh, một vốn hai lời đã là quá cao rồi. Thanh tra, kiểm tra về giá trước đây đã cho thấy hầu hết sản phẩm của các hãng sữa ngoại có thị phần lớn tại VN như Abbott, Mead Johnson... đều có giá bán lẻ lên gấp nhiều lần giá vốn. Giá vốn một đồng thì giá bán lẻ phải 2-3 đồng. Tuy nhiên, dù có rất nhiều chi phí kể từ khi lấy hàng ra khỏi cảng được cộng vào giá bán lẻ nhưng giá sữa nhập từ 100.000-120.000 đồng/hộp mà bán giá tới 500.000-600.000 đồng/hộp là chênh lệch quá lớn.

* Không chỉ một số nhãn sữa mà báo Tuổi Trẻ đã đề cập có giá nhập rẻ như vậy, hàng chục loại sữa nhập khẩu khác cũng có giá nhập trong khoảng 5-10 USD/hộp. Theo ông, liệu giá thành một hộp sữa chỉ ở mức đó, hay các doanh nghiệp (gồm các công ty thương mại, hãng sữa) khai thấp để né thuế?

"Trung Quốc và nhiều nước trên thế giới đang dùng khái niệm kiểm soát độc quyền, thực hiện điều tiết lợi nhuận và quản lý giá. Trung Quốc đã tuyên bố điều tra và buộc các doanh nghiệp phải giảm giá sữa. Họ làm quá thành công. Tại sao VN không làm được? "

Ông Ngô Trí Long

- Ở đây có hai khả năng xảy ra, một là giá sản xuất và xuất khẩu cho nhà buôn chỉ ở mức đó. Hai là doanh nghiệp nhập khẩu đã cố tình khai thấp để trốn thuế nhập khẩu. Riêng khả năng khai thấp để trốn thuế thì không thể khẳng định chung chung được. Doanh nghiệp không dễ dàng lọt được khâu kiểm soát của hải quan. Họ có dữ liệu và căn cứ trên dữ liệu đó để tham khảo cho quá trình kiểm soát giá nhập khẩu. Hơn nữa, để trốn được thuế cần phải có sự hợp tác của nhà xuất khẩu là các công ty sản xuất, kinh doanh sữa hàng đầu thế giới. Muốn khẳng định được có trốn thuế hay không, cơ quan chức năng cần phải vào cuộc.

Trong khi đó, muốn biết đó có phải giá thành sản xuất thật sự của hàng loạt sản phẩm sữa hay không cũng không khó. Các cơ quan chức năng ở VN hoàn toàn có thể điều tra nhà sản xuất thật sự.

* Chi phí quảng cáo, chi hoa hồng, chiết khấu cho các tầng nấc, kênh phân phối đã đẩy giá sữa lên quá cao. Làm thế nào để kiểm soát được tình trạng này, thưa ông?

- Chi hoa hồng, quà cáp cho bác sĩ để họ tư vấn, giới thiệu, kê đơn mua sữa... chiếm đến trên 1/3 giá sữa thì phải xem lại. Hiện luật đang giới hạn chi phí quảng cáo của doanh nghiệp không được quá 10% tổng chi phí hợp lệ. Nhưng thực tế doanh nghiệp có thực hiện đúng hay vẫn lách để thi nhau quảng cáo, tiếp cận người tiêu dùng, đẩy giá sữa lên cao thì cần phải làm rõ. Trước đây qua kiểm tra cũng đã thấy các tập đoàn sữa hàng đầu thế giới có mặt tại VN đã chi rất nhiều tiền cho quảng cáo, chiếm đến vài chục phần trăm. Cơ quan quản lý nhà nước hoàn toàn có thể khống chế vấn đề này. Tổng cục Thuế, Cục Quản lý giá của Bộ Tài chính cần phải vào cuộc làm rõ. Chỉ chấp nhận chi phí quảng cáo nằm trong giới hạn pháp luật cho phép. Các chi phí bất hợp lý thì phải xếp vào khoản thu nhập của doanh nghiệp và chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Đến lúc đó, họ sẽ phải tự xem xét lại các chi phí, cân nhắc về khoản 23% thuế thu nhập doanh nghiệp phải đóng.

* Theo quy định hiện nay, hầu hết sản phẩm sữa trên thị trường không bị quản lý giá do không đáp ứng tiêu chí 34% độ đạm trở lên mới được gọi là sữa bột. Vậy cách nào để kiểm soát giá sữa và chỉ chấp nhận các chi phí hợp lý?

- Các cơ quan gồm Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Khoa học - công nghệ... cần phải ngồi lại với nhau, thống nhất các tiêu chuẩn đánh giá như thế nào là sữa bột để quản lý cho hiệu quả. Bộ Y tế quy định 34% độ đạm trở lên mới được gọi là sữa bột. Và chỉ sữa bột mới phải quản lý giá, doanh nghiệp phải đăng ký, kê khai giá. Như vậy, các loại sữa bột độ đạm dưới 34% trên thị trường đã nằm ngoài diện phải quản lý, trong khi thực tế thị trường chủ yếu sản phẩm 13-17% độ đạm. Hầu như không có đơn vị nào sản xuất sữa bột 34% độ đạm cho trẻ em. Đây là quy định quá bất cập. Trẻ ăn sữa độ đạm cao tới mức 34% sẽ khó tiêu hóa. Mức 13-17% là hợp lý và các nước trên thế giới đang áp dụng.

Sữa, đặc biệt là sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi, là mặt hàng thiết yếu đối với sự phát triển của trẻ, là nguồn dinh dưỡng vô cùng quan trọng. Cần đưa hết các mặt hàng sữa có độ đạm dưới 34% vào diện phải quản lý giá. Bộ Tài chính đã nói nhiều lần về vấn đề này nhưng có vẻ như lại “đánh trống bỏ dùi”. Tôi cho rằng họ có thể làm được nhưng họ không làm, hoặc chưa làm. Ngay cả khi đưa ra tiêu chí sữa bột phải có 34% độ đạm đã thấy có vấn đề. Tất cả những điều này có phải do có lợi ích nào đó ở phía sau hay không?

* Hiện nay các hãng sữa nước ngoài đang chiếm phần lớn thị phần ở thị trường sữa bột. Liệu có tình trạng một vài doanh nghiệp thống lĩnh thị trường hay không?

- Đúng là các hãng sữa nước ngoài đang nắm trong tay thị phần lớn ở mặt hàng sữa bột. Theo thông lệ thế giới, một doanh nghiệp nắm 30% thị phần đã được coi là thống lĩnh, chi phối thị trường. Và khi thấy có dấu hiệu bất thường về giá, cơ quan quản lý cạnh tranh sẽ vào cuộc điều tra. Rõ ràng ở VN, một vài hãng nước ngoài đang dẫn dắt thị trường sữa và có dấu hiệu thống lĩnh thị trường. Theo Luật cạnh tranh, Nhà nước cũng phải quản lý giá. Tuy nhiên, cần phải có điều tra khảo sát cụ thể để nắm được thị phần sữa của từng đơn vị ra sao.

Sữa thành “thực phẩm bổ sung”

Ngày 26-7, một lãnh đạo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết đã đề nghị một số ban quản lý giá địa phương kiểm tra về các mặt hàng sữa tăng giá trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, theo thông tin từ một số địa phương báo cáo về thì không có mặt hàng sữa nào có đề nghị tăng giá bán. Trên thị trường, hầu hết là các sản phẩm thực phẩm bổ sung, sản phẩm dinh dưỡng chứ không phải là sữa. Nếu các sản phẩm không phải là sữa mà ghi là thực phẩm bổ sung, sản phẩm dinh dưỡng... thì không nằm trong danh mục phải đăng ký, kê khai giá.

Cũng theo Cục Quản lý giá, nhiều sản phẩm trước đây là sữa nhưng từ ngày 1-1-2013, Bộ Y tế đã quy định là sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung... Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới vẫn gọi là sữa công thức.

BẠCH HOÀN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên